Đông Nam bộ đang vào giữa mùa thu hoạch cao su. Đi tới đâu cũng thấy cảnh mua bán mủ tấp nập. Đây cũng là thời điểm tình trạng gian lận trong mua bán mủ cao su tiểu điền xảy ra như cơm bữa.
Cứ nhắc tới chuyện thu mua mủ cao su của thương lái, bà Nguyễn Thị Thương, nông dân ấp Bàu Bàng, xã Lai Uyên (Bến Cát, Bình Dương) lại không khỏi ấm ức “Ở đây nhiều thương lái lắm. Có những thương lái làm ăn đàng hoàng, nhưng cũng có không ít thương lái hay gian lận trong chuyện mua bán, nhất là khi đo độ mủ. Hôm rồi tôi cạo được 30 lít mủ nước. Tôi đem 20 lít bán cho thương lái C. Anh ta đong 10 gam mủ nước, đổ vô chảo nấu cho khô rồi cho vô cân đo độ thì được 34 độ mủ. Trong khi đó, 10 lít còn lại, con trai tôi mang bán cho ông L. ở ấp bên, thì chỉ được 33 độ mủ. Rõ ràng là ông L. đã qua mặt thằng con trai tôi để ăn gian 1 độ mủ. Một độ mủ hôm đó có giá 850 đồng. 10 lít mủ bán cho ông L., coi như nhà tôi biếu không cho ông ta gần chục ngàn đồng”.
Ông Lê Văn Ba, nông dân ấp 1, xã Hòa Hưng (Bến Cát), cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Mấy ông bà chuyên len lỏi đến tận từng lô cao su để mua mủ, thường là những người mua bán gian lận nhất. Họ dùng chảo nấu cao su nước cho khô quắt khô queo rồi mới cạo lớp mủ khô vo lại thành cục rồi thảy lên bàn cân. Cao su mà làm khô đến mức sắp cháy sém như thế, là đã làm hao của chúng tôi ít nhất là nửa độ rồi”.
Tuy nhiên, với những người đã nhiều năm gắn bó với cây cao su, mấy cái trò gian lận trên chỉ là chuyện vặt, bởi có ngồi cả buổi cũng chưa chắc đã kể ra hết được những chiêu, trò gian lận nhiều như cơm bữa trong mua bán mủ cao su tiểu điền trên đất Bình Dương.
Anh Trần Văn Dũng, nông dân ấp 1, xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát, kể: “Nhiều chủ vườn hay những thương lái nhỏ chuyên mua đi bán lại mủ cao su có nhiều trò để gian lận độ mủ. Trước đây, phổ biến là tình trạng cho muối vào trong mủ cao su để tăng độ mủ. Trò này nhanh chóng bị lật tẩy vì khi đem cục mủ cao su nướng lên, sẽ có tiếng nổ lép bép của muối.
Sau đó, người ta lại nghĩ ra mấy trò làm tăng độ mủ khác như bỏ đường, đất trắng nghiền mịn … vào trong xô mủ nước rồi quấy đều lên. Nhưng những trò này cũng sớm bị mấy thương lái lão luyện trong nghề lật tẩy cũng bằng cách đốt thử những cục mủ mà họ cảm thấy có sự bất thường. Nhiều người lại tìm cách gian lận khối lượng mủ chén bằng cách để mủ đất ở bên trong, mủ chén bên ngoài. Mấy tay thương lái mới lớ ngớ vào nghề, cũng dễ bị dính phải chiêu này dù nó chẳng hề cao siêu gì”.
Nhưng khi người ta gian lận bằng hóa chất thì đến thương lái lão luyện nếu không cẩn thận cũng bị qua mặt như chơi. Ngoài thứ bột trắng lạ mà NNVN đã phản ánh trong số báo ra ngày 18/8, theo phản ánh của nhiều nông dân, thương lái ở Bình Dương, nhiều người đang dùng cả những loại hóa chất khác để chống đông, nhưng thực chất là để làm tăng độ mủ.
Anh Trần Quang Việt, thương lái kiêm chủ vườn cao su ở ấp 1, xã Trừ Văn Thố, cho biết: “Có những loại hóa chất đánh đông mủ siêu hạng lắm. Cục mủ nhìn rất chắc, rất đẹp, nhưng khi đem cán lên, thì từ bên trong ruột, chảy ra toàn … nước. Tính ra, mỗi 1 kg mủ đông như vậy, có tới vài chục phần trăm là nước chứ không phải mủ. Những lô mủ như thế, nhà máy trả lại liền. Còn cái vụ chất bột trắng, tôi cảnh giác lắm nhưng vừa rồi khi có việc đi vắng, ở nhà bà xã đứng ra mua mủ của người trong xã lẫn người đi bán mủ dạo thì bị dính 2 lần. Một lần trăm ký, lần khác 50 kg, bị nhà máy trả lại và bắt hoàn tiền, mất trắng mấy triệu bạc. Đau quá!”.
Cũng theo anh Việt, lâu nay người ta thường dùng phèn Việt Nam để đánh đông mủ cao su. Nhưng gần đây, nhiều nhà vườn đang kháo nhau nên dùng phèn Trung Quốc để đánh đông. Thứ phèn này được quảng cáo là có tác dụng làm đông mủ cao su cực nhanh và mạnh, nhưng chẳng biết nó có thêm tác dụng phụ như làm tăng độ mủ hoặc khối lượng hay không, mà hiện nay đang được nhiều nhà vườn săn tìm.
|
Điều đáng nói là những khi phát hiện ra mủ cao su bị pha tạp chất, ngay cả những thương lái lớn, làm ăn đàng hoàng cũng không dám làm căng với “thủ phạm”. Anh Lê Văn Danh, thương lái ở ấp 2, xã Thới Hòa, Bến Cát, thừa nhận: “Mình mà làm căng, lần sau họ mang mủ đem bán cho người khác liền. Vì thế, chỉ dám nhẹ nhàng nói khó, thậm chí năn nỉ người ta đừng pha tạp chất và mủ nữa”.
Ông Nguyễn Quang Hợp, đại diện Cty TNHH Hưng Thịnh (Tây Ninh) đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, cũng cho rằng tình trạng gian lận đang rất phổ biến ở thị trường mủ cao su tiểu điền. Ông Hợp cho biết sau khi báo chí đăng tải thông tin cảnh báo về chất bột trắng lạ cũng nhu cách phát hiện nhanh chất này, tình trạng pha chất bột trắng đó vào mủ cao su tuy vẫn còn, nhưng đã giảm so với trước đây.
Tuy nhiên, không chỉ chất bột trắng đó mà tình trạng lạm dụng nhiều loại hóa chất lạ khác cũng đang gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng xấu tới chất lượng mủ cao su xuất khẩu. Chẳng hạn, loại phèn Trung Quốc mà nhiều người đang dùng để đánh đông lại khiến cho một lượng nước không nhỏ bị giữ lại trong cục mủ. Điều này đồng nghĩa với việc khi mua phải lô mủ bị đánh đông bằng phèn Trung Quốc, DN coi như mất trắng một khoản tiền không nhỏ cho lượng nước được giữ lại trong mủ.
Theo Thanh Sơn
Báo Nông nghiệp VN