Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập khẩu muối đang lãi lớn
21 | 09 | 2011
Có 3 lý do để nhập khẩu muối đó là giá cả, số lượng và chất lượng. Nếu chỉ xét riêng về lượng nhìn toàn cục thì muối công nghiệp ở nước ta luôn luôn thiếu.

“Nếu cứ để diêm dân “tự sản, tự tiêu” muối đen qua đường kênh rạch, đường bộ làm sao không ế”, ông Bùi Sơn Long, Giám đốc Chi nhánh thực nghiệm chuyển giao công nghệ muối biển (Vinafood) lý giải với Đầu tư về nguyên nhân tình trạng ế muối.
 

Thưa ông, ngay cả những người trong ngành muối cũng có ý kiến khác nhau về chuyện nhập khẩu muối công nghiệp, tại sao vậy, thưa ông?

Mỗi người đứng trên góc độ, lợi ích của mình để phát biểu ý kiến. Nhưng có 3 lý do để nhập khẩu muối đó là giá cả, số lượng và chất lượng. Nếu chỉ xét riêng về lượng nhìn toàn cục thì muối công nghiệp ở nước ta luôn luôn thiếu, chưa đủ cân đối cung cầu. Trên thế giới, muối dùng cho công nghiệp hóa học chiếm 60%, muối dùng để ăn và chế biến thực phẩm chiếm 30% còn lại 10% là để phục vụ cho nhu cầu khác.

Còn ở nước ta, năm 2010 muối công nghiệp mới đạt 21% tương đương 250.000 tấn, trong khi muối ăn sản xuất thủ công đạt 79% tương đương 932.000 tấn. Hầu hết muối sản xuất thủ công không đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất, chỉ phù hợp làm muối ăn. Nước ta có hơn 86 triệu dân, giỏi lắm chỉ ăn hết 500.000 tấn, như vậy, muối công nghiệp thì thiếu mà muối ăn thì thừa là chuyện rõ ràng.

Những khu vực có điều kiện để sản xuất muối công nghiệp ở nước ta tập trung ở 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Các đồng muối công nghiệp tại đây cũng không phải chỉ có sản xuất muối công nghiệp mà còn sản xuất các loại muối thực phẩm khác cho nên sản lượng thực sẽ còn ít hơn. Nếu sắp tới 1 nhà máy sản xuất soda 200.000 tấn mọc lên ở miền Trung thì tất cả số muối này không cung cấp đủ.

Năm nay đơn vị chúng tôi có nhu cầu cần khoảng 10.000 tấn muối công nghiệp để chế biến muối tinh chất lượng cao cung cấp cho thị trường Hà Nội. Dự đoán năm 2011 thời tiết không thuận lợi sản lượng muối sẽ giảm nhất là muối công nghiệp. Ngay từ đầu năm chúng tôi đã gửi văn bản đặt hàng đến các đồng muối công nghiệp nhưng do mất mùa đến nay chúng tôi chỉ mới mua được 2.000, chúng tôi đang hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ mua thêm được 2.000 tấn dù giá lên cao cũng được để có nguyên liệu cho nhà máy hoạt động cầm chừng.

Có thể biến lượng muối ăn thừa này thành muối công nghiệp được không, thưa ông?

Có thể biến một phần sản lượng muối thủ công thành muối công nghiệp được, nhưng phải qua công nghệ làm sạch loại bỏ bớt tạp chất mà ngành hóa chất không mong muốn. Tuy nhiên, giá thành muối thủ công đã cao nay tăng thêm chi phí xử lý nên khó được chấp nhận. Ở nước ngoài, các đồng muối công nghiệp thường có quy mô lớn hàng nghìn héc ta, thời gian kết tinh muối dài, mỗi năm thu hoạch chỉ 1-2 lần, độ dày lớp muối trên ô kết tinh (20-50) cm. Khi thu hoạch bằng cơ giới thường để lại một lớp muối sát đáy nền đất, sau khi thu hoạch muối phải qua công đoạn rửa sạch tạp chất trước khi đánh đống nên chất lượng rất cao, hạt muối rắn như đá. Còn ở nước ta, hầu hết sản xuất muối thủ công ( ngoại trừ một số đồng muối sản xuất quy mô công nghiệp) thường chỉ kết tinh rất ngắn ngày nên hàm lượng NaCl thấp, hạt muối mềm, xốp chứa nhiều tạp chất. Tuy nhiên, số muối này, nếu được làm sạch, số lượng lớn, thuận tiện giao thông thì sẽ dễ dàng tiêu thụ làm muối thực phẩm ngay trong nước và xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Theo ông tại sao giá muối trong nước lại cao hơn giá muối nhập khẩu?

Trên thế giới, khi đầu tư sản xuất muối phơi từ nước biển quy mô công nghiệp người ta đã tính toán và lựa chọn nơi xây dựng đồng muối sao cho có các điều kiện thuận lợi về thời tiết, địa hình, địa chất, thủy văn. Mặt khác muối là mặt hàng có giá trị thấp, cồng kềnh, chi phí vận chuyển cao nên khi đầu tư phải tính đến yếu tố giao thông như và gần đường sắt, cảng biển. Sản xuất muối là công việc nặng nhọc nên hầu hết các đồng muối trên thế giới đều cơ giới hóa nhất là khâu thu hoạch, vận chuyển, làm sạch và đánh đống. Chính vì vậy giá thành sản xuất muối của của các nước như Ấn Độ,Trung Quốc, Úc thấp

Trong khi các đồng muối ở nước ta trên 80% diện tích sản xuất nằm phân tán trải dài trên 3.000km dọc bở biển không thuận lợi giao thông. Công nghệ sản xuất còn thủ công lạc hậu. Tám đồng muối công nghiệp hiện nay tuy sản xuất tập trung nhưng quy mô nhỏ, mức độ cơ giới hóa còn thấp chưa quá 30% nên giá thành cao là đương nhiên.

Nước ta có thuận lợi về đường biển nhưng các đồng muối lớn lại không có cảng biển dẫn đến giá thành cao nếu vận chuyển bằng đường sắt hoặc đường bộ. Chúng tôi mua 1 triệu đồng/tấn muối hạt tại đồng, nếu vận chuyển kết hợp đường bộ và đường biển từ Ninh Thuận về đến Hà Nội giá sẽ là 1,5 triệu đồng/tấn. Nếu được nhập muối Ân Độ lúc này giá cũng chỉ khoảng trên dưới 60 USD/tấn tùy loại, cho nên, được nhập khẩu muối bây giờ là lãi.

Ông có thể cho biết vướng mắc lớn nhất trong việc tiêu thụ muối thừa trong dân là gì?

Ta phải xác định muối thừa là muối gì? Muối sạch chắc không có thừa mà thời điểm này tranh nhau chưa chắc đã mua được. Muồi tồn đọng thường là muối xấu, nằm ở vùng sâu, vùng xa nơi tiêu thụ, không thuận lợi về giao thông. Đơn cử, năm 2010 đồng muối Bạc Liêu đạt sản lượng 266.000 tấn trong đó trên 80% là muối đen. Sang đầu năm 2011 tồn kho tại ruộng của dân gần 100.000 tấn. Giá muối đen (300-350) đ/kg, giá muối trắng (700-800) đ/kg trong khi mùa muối mới đã vào vụ và lượng muối trên thị trường đang thiếu và giá muối tại Campuchia trên 1,2 triệu/tấn nhưng không có người mua vì muối đen và giao thông không thuận lợi.

Giải pháp bền vững là biến muối đen thành muối trắng bằng công nghệ mới đồng thời đẩy nhanh xây dựng cảng cá Gành Hào để vận chuyển muối đi các khu vực và xuất khẩu bằng đường biển. Nếu cứ để diêm dân “tự sản, tự tiêu’ muối đen qua đường kênh rạch, đường bộ làm sao không ế?

Thưa ông, nghịch lý vừa thừa vừa thiếu muối của Việt Nam có phải do Nhà nước trao hết các đồng muối cho tư nhân nên thiếu công cụ để điều tiết, định hướng đầu tư?

Trung Quốc là nước hàng đầu thế giới về sản lượng muối vượt xa cả Mỹ đạt trên 62 triệu tấn trong đó có 29 triệu tấn sản xuất từ muối mỏ, 6 triệu tấn sản xuất từ muối hồ và 27 triệu tấn sản xuất từ muối biển thế nhưng sản xuất, kinh doanh muối vẫn độc quyền của của Nhà nước.

Các đồng muối công nghiệp của nước ta vừa ít vừa nhỏ trước đây Nhà nước nắm và điều tiết, nay tất cả đã được bán hầu hết cho các cổ đông. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, sản xuất cái gì, cho ai mà có lợi thì do doanh nghiệp chọn, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc các đồng muối công nghiệp chỉ được sản xuất muối công nghiệp mà không được chuyển sang sản xuất muối khác như hiện nay.

Vì vậy muối công nghiệp đang thiếu và ngày càng thiếu là đương nhiên. Để điều chỉnh các mối quan hệ giữa sản xuất, nhập khẩu, chế biến và tiêu thụ giảm dần mất bình đẳng và mất cân đối trong ngành muối hiện nay là cần sớm thành lập Hiệp hội muối Việt Nam để có nơi điều chỉnh hành vi giữa các nhóm lợi ích.

Theo Đầu tư



Báo cáo phân tích thị trường