Tuần trước, đại diện thương mại Thái Lan bày tỏ lo ngại về chất lượng ngày càng đi xuống của gạo Thái Lan, khi một số loại gạo chất lượng thấp hơn được trộn với loại gạo jasmine chất lượng cao của Thái Lan, gây tiếng xấu trên thị trường. Chính phủ Thái Lan vừa công bố sẽ đóng dấu đảm bảo loại gạo chất lượng 92% jasmine Thái của nước này khi loại gạo này được xuất khẩu, rồi được các nhà nhập khẩu đóng gói lại. Động thái này của chính phủ Thái nhằm đảm bảo uy tín gạo Thái Lan. Mỹ là một trong những khách hàng lớn nhất của Thái Lan, hàng năm nhập khẩu khoảng 300 – 400 ngàn tấn. Những chỉ trích xung quanh chương trình thu mua gạo của chính phủ Thái có thể đe dọa đến hình ảnh gạo Thái Lan có chất lượng cao. Thay vì xuất khẩu loại gạo chất lượng cao, các nhà xuất khẩu Thái Lan đang tích trữ khi dự đoán chính phủ Thái Lan sẽ thu mua gạo với giá cao hơn mức giá trên thị trường. Nếu Thái Lan tiếp tục xuất khẩu loại gạo kém chất lượng ở mức giá cao, thị phần của Thái Lan có thể mất vào tay Việt Nam, hiện đang ngày càng nâng cao chất lượng gạo cung cấp và chào bán với mức giá thấp hơn giá gạo Thái Lan.
Khi chương trình thu mua gạo của Thái Lan bắt đầu, chính phủ Thái sẽ mua gạo với mức giá cao hơn giá thị trường nhằm hỗ trợ thu nhập cho nông dân. Chính phủ Thái sẽ mua gạo thường với giá khoảng 500 USD/tấn và gạo chất lượng cao với giá khoảng 667 USD/tấn. Câu hỏi lớn đặt ra là chính phủ Thái sẽ làm gì với lượng gạo thu mua này?
Chính phủ Thái Lan không có đủ năng lực kho bãi dự trữ để lưu kho tất cả lượng gạo sẽ thu mua, do đó chính phủ nước này sẽ phải viện đến sự hỗ trợ của khu vực tư nhân. Khoảng 651 nhà máy xay xát gạo Thái Lan, đặt tại 50 tỉnh có thể liên kết với các nhà chức trách địa phương liên quan đến chương trình thu mua này trong niên vụ 2011/12. Theo Hiệp hội các nhà xay xát gạo Thái Lan, nước này có khoảng 3.000 nhà máy xay xát; trong đó, ước tính khoảng 1.000 nhà máy và nhà kho sẽ tham gia vào chương trình thu mua gạo. Ngoài ra, các tổ chức khác như Hiệp hội kho bãi công và Tổ chức marketing cho nông dân đang lên bản thảo các yêu cầu và điều kiện tham gia chương trình thu mua này nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả quản lý chi phí. Các nhà xay xát Thái Lan đang bày tỏ mối quan ngại về khả năng kho bãi hạn chế hiện nay. Họ cho biết chỉ có thể lưu kho khoảng 20% công suất sản xuất tối đa hàng ngày, tương đương khoảng 3.000 – 5.000 tấn/ngày.
Không chỉ người Thái bày tỏ sự lo ngại với chương trình thu mua này. Chương trình thu mua này được cho rằng sẽ đe dọa an ninh lương thực do đẩy giá gạo toàn cầu tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo toàn cầu, tương đương khoảng 10 triệu tấn. Do đó, giá gạo từ Thái Lan có ảnh hưởng rất lớn đến giá gạo chào bán từ các nhà cung cấp khác như Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan. Các nước nhập khẩu gạo lớn và có tỷ lệ đói nghèo cao cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi giá gạo Thái Lan, như Somalia, Djibori, Haiti, các quốc gia vùng Trung Mỹ và Tây Phi. Kim ngạch xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2012 ước đạt khoảng 8 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với mức trung bình trong vài năm nay. Các nhà phân tích dự đoán giá gạo Thái tăng cao sẽ làm giảm nhu cầu và khả năng chi trả của người tiêu dùng cho loại gạo này.
Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình thu mua gạo của Thái do đơn đặt hàng gạo Việt Nam sẽ tăng lên nhờ giá cung cấp thấp hơn. Giá gạo chào từ Việt Nam thường thấp hơn so với giá gạo Thái Lan nhưng chênh lệch giá đang được thu hẹp, không chỉ nhờ nhu cầu cao đối với gạo Việt Nam trước khi chương trình thu mua gạo của Thái Lan khởi động, mà còn nhờ chất lượng gạo Việt Nam ngày càng tăng lên. Giá gạo nội địa Việt Nam cũng đang tăng lên do các nhà đầu cơ tích trữ gạo, hy vọng có thể bán với giá cao.
Nguồn cung gạo toàn cầu vẫn sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu và dự trữ gạo toàn cầu sẵn có dự đoán sẽ tiếp tiếp tục tăng trong năm nay. Vấn đề trên thị trường gạo toàn cầu là phân phối và hàng rào giá. Chỉ khoảng 5% sản lượng gạo hàng năm được đưa vào giao thương. Giá gạo Thái tăng sẽ truyền động nhanh chóng trên khắp thị trường.
Thị trường đang trong thời kỳ hết sức nhạy cảm và dễ tổn thương trước bất cứ sự tăng giá gạo hay loại thực phẩm nào. Bất cứ sự tăng giá nào cũng có thể làm bùng lên bạo động chính trị và hoảng loạn, đặc biệt là trong thời điểm các thị trường tài chính đang quay trở lại tình trạng suy thoái hồi năm 2008 như hiện nay. Nếu giá các loại tài sản tài chính giảm, giá gạo và các hàng hóa thực phẩm khác có thể được coi là nơi trú ẩn an toàn; do đó, nhu cầu đối với thực phẩm tăng lên trong khi nhu cầu với các tài sản khác giảm xuống.
Các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan cho rằng lợi ích lớn nhất mà chương trình này mang lại là cho những nhà sản xuất gạo lớn, những người có khả năng bán gạo ở mức giá cao hơn; trong khi đó các nhà máy xay xát và các mắt xích thấp hơn trong chuỗi cung ứng có thể sẽ hứng chịu tổn thất do không thể bán gạo với giá cao. Viện trưởng viện này dự đoán ngành gạo tư nhân Thái Lan có thể bị phá hủy và chính phủ sẽ tiếp quản hoạt động giao thương gạo. Việc chính phủ tiếp quản hoạt động này có thể làm dấy lên mối lo ngại về khả năng tham nhũng và sụt giảm ngân sách. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ chương trình thu mua gạo của chính phủ Thái sẽ hỗ trợ giá ra sao. Một số cho rằng thực chất hiệu ứng tác động sẽ là hiệu ứng ngược nếu sau đó chính phủ Thái buộc phải bán tháo lượng gạo thu mua với mức giá thấp hơn mức giá thu mua và dìm thị trương trong nguồn cung gạo rất lớn.
Một nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu gạo quốc tế, đặt tại Philippines, cho rằng những người nộp thuế Thái Lan sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi chương trình thu mua gạo của chính phủ Thái. Họ sẽ chịu thua lỗ nếu chính phủ Thái mua gạo giá cao, bán gạo giá thấp và thậm chí còn phải mua gạo giá cao trên thị trường nội địa.
Kim Dung AGROINFO
Theo Oryza