Sau cơn bão số 4, gần 100 hộ dân ở thôn An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên - Huế “dở sống, dở chết” khi hàng vạn con cá mú nuôi sắp đến ngày thu hoạch đột nhiên đổ bệnh chết.
Hơn 10 năm triển khai mô hình nuôi cá mú tại khu vực đầm Lập An, đây là lần đầu tiên bà con ngư dân ngậm phải “trái đắng”.
Chúng tôi có mặt tại thị trấn Lăng Cô giữa lúc bà con đang tiến hành kéo những lồng cá mú bị nhiễm bệnh lên khỏi mặt nước. Đang loay hoay lựa ra những con cá còn có thể ăn được, bà Nguyễn Thị Cúc đau khổ kể: “Tui nuôi cá mú từ 10 năm nay, nhưng chưa có năm mô như ri cả, 20 lồng cá mú mỗi lồng có từ 300 - 500 con nuôi sắp thu hoạch bị chết sạch. Tính đến hôm nay đã thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Nếu cá tiếp tục chết nữa chắc phải bán nhà để trả lãi ngân hàng”.
Tương tự, nhiều hộ dân ở thôn An Cư Đông I và II đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để nuôi cá như ông Mai Thúc Lam, Trần Đình Kế, Trần Văn Minh... đến thời điểm này đành bất lực nhìn cá chết. Theo kinh nghiệm một số bà con nuôi cá mú lâu năm ở đây cho biết: Thông thường thời tiết vào mùa mưa bão cùng lúc triều cường lên nhanh kết hợp với lượng nước lợ có sẵn trong đầm Lập An sẽ tạo ra môi trường hết sức thuận lợi cho cá mú phát triển, đặc biệt là cá mú giống.
Vì vậy khả năng cá mú chết do nước trong đầm bị ngọt hoá là điều khó có thể xảy ra. Một số chủ lồng nuôi khẳng định cá chết một phần do nguồn nước thải chưa qua xử lý tại khu vực chợ, khu dân cư chạy theo hệ thống cống rãnh đổ xuống khu vực chân cầu Lăng Cô. Bên cạnh đó một số hộ dân ở thôn Hói Mít, Hói Dừa sau khi lén lút thu hoạch tôm chân trắng đã xả nước thải xuống đầm Lập An ảnh hưởng đến nguồn nước vùng nuôi cá mú, tôm hùm ở thôn An Cư Đông II.
Theo thống kê của thị trấn Lăng Cô, tính đến ngày 30.9 đã có 469 lồng (trung bình mỗi lồng nuôi từ 300 - 500 con) của 93 hộ nuôi bị nhiễm bệnh chết, trong đó loại cá mú cân nặng từ 0,6 - 1kg chiếm số lượng nhiều nhất. Với giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 330.000đ/kg. Số tiền thiệt hại do đợt cá chết hàng loạt ước tính trên 15 tỉ đồng. Ngoài ra còn có một lồng ốc hương trọng lượng 2,5 tạ và 4 tạ ghẹ nuôi trên đầm điều bị chết sạch.
Để cứu vãn số tiền đầu tư nuôi quá lớn, bà con tìm cách liên hệ với tư thương để bán. Một số khác đem cá mú chết ướp muối để làm nước mắm. Ông Mai Thúc Lâm bức xúc nói: “Cả thôn theo chủ trương chung của thị trấn hầu như nhà nào cũng vay ngân hàng vài chục triệu nuôi cá mú để thoát nghèo. Đến khi dịch bệnh xảy ra không biết bám vào ai để kêu”.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đi kiểm tra khu vực nuôi. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến cá mú chết.
Theo Minh Ngọc
Lao động