Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường Trung Quốc bóp nghẹt sắn Việt
03 | 10 | 2011
Giá sắn nguyên liệu chỉ còn 1.000-1.100 đồng/kg, giảm 50% so với cách đây ba tháng.

Ngày 2-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn ở miền Trung thừa nhận phải liên tục giảm giá mua sắn nguyên liệu do việc xuất khẩu sản phẩm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (TQ) và đang bị thị trường này gây sức ép.

 

Hai tháng giảm giá sáu lần

 
 

 Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết hiện giá sắn nguyên liệu mua tại nhà máy của Công ty Cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định chỉ còn 1.000-1.100 đồng/kg, giảm 50% so với cách đây ba tháng. Theo ông Hổ, giá này quá thấp và đang gây thiệt hại lớn đối với nông dân. Tại nhà máy của Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Sông Hinh (Phú Yên), chỉ từ tháng 8-2011 đến nay, nhà máy này đã liên tục giảm giá mua sắn liệu đến sáu lần, hiện ở mức 1.450 đồng/kg; trong khi giá hồi cuối vụ năm ngoái là 2.500 đồng/kg và đầu vụ năm nay là 1.800 đồng/kg.

 
 

 Tại Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân (Phú Yên), giá mua sắn nguyên liệu cũng đã giảm 800 đồng/kg so với đầu vụ. Các nguồn tin cho biết phần lớn trong sáu công ty con thuộc Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm - Đầu tư Fococev có các nhà máy chế biến tinh bột sắn đặt tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Phước đều đã và đang giảm giá mua nguyên liệu.

 
 

 Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm - Đầu tư Fococev, thừa nhận: “Giá mua sắn nguyên liệu hiện nay của các nhà máy đã ở mức tối thiểu, không thể giảm hơn được nữa”.

 

 Phụ thuộc 90% vào thị trường TQ

 
 

 Giải thích việc liên tục giảm giá mua nguyên liệu, ông Huỳnh Tấn Lâm, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Sông Hinh, nói: “Hơn 90% sản lượng của nhà máy chúng tôi xuất khẩu sang thị trường TQ và đây cũng là thị trường truyền thống của chúng tôi. Hiện nay, giá tinh bột sắn xuất khẩu sang thị trường TQ đã giảm đến 40% so với cuối niên vụ trước nên chúng tôi buộc phải giảm giá mua nguyên liệu”. Tương tự, đại diện nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn khác ở miền Trung đều cho rằng lâu nay họ phụ thuộc quá nhiều vào thị trường TQ và hiện nay thị trường này đang gây sức ép giảm giá rất lớn. “Các đối tác TQ đưa ra lý do giảm giá không có cơ sở và không thuyết phục. Tuy nhiên, lâu nay chúng tôi bị lệ thuộc thị trường này và hiện nay chưa tìm được các đối tác khác nên đành chấp nhận xuất bán chứ không thể để sản phẩm tồn kho quá lớn. Hiện nay, giá bán sản phẩm tinh bột sắn cho TQ đã thấp hơn giá thành làm ra” - ông Lâm chia sẻ.

 

Khá muộn khi tìm thị trường mới

 
 

 Ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết hiện giá tinh bột sắn xuất sang TQ chỉ còn ở mức 8-9 triệu đồng/tấn, giảm 4 triệu đồng/tấn so với cùng thời điểm năm ngoái. Trong khi đó, thị trường TQ chiếm đến hơn 70% sản lượng xuất khẩu của công ty này. Ngoài ra, các DN trong nước mua lại sản phẩm từ công ty này sau đó cũng đều xuất sang TQ. “Thị trường TQ gần như quyết định giá sản phẩm của chúng tôi. Lâu nay TQ trữ hàng, bây giờ họ tung ra và ép giá. Do đó, việc xuất khẩu sản phẩm tinh bột sắn của Việt Nam đang bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, việc áp thuế giữa TQ và Việt Nam càng gây khó khăn đối với các DN Việt Nam” - ông Hùng nói. Trước tình hình này, nhiều DN cho biết họ đang “chạy đua” tìm đối tác mới ngoài TQ để giảm dần sự phụ thuộc.

 
 

 Hiện nay, nông dân các tỉnh miền Trung đang thu hoạch sắn để chạy lũ. Trong khi đó, các nhà máy chế biến tinh bột sắn liên tục giảm giá mua sắn nguyên liệu càng gây khốn đốn cho nông dân. Nhiều địa phương ở miền Trung đang ứ đọng một lượng lớn sắn nguyên liệu. Tại Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân, mỗi ngày bị ứ đọng đến vài trăm tấn sắn, tại huyện Sông Hinh cũng ứ đọng gần 100 tấn mỗi ngày.

Theo Pháp luật TP.HCM



Báo cáo phân tích thị trường