Trong tháng 9, giá cà phê robusta liên tục đi xuống, chỉ tăng được có 8 phiên và với biên độ rất nhẹ, trong khi các phiên giảm lại với biên độ lớn. Tính chung cả tháng, cà phê loại này giảm 349 USD, tương đương 15%.
Chốt tháng 9, cà phê robusta đứng tại 1.980 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 20/12/2010.
Giá sụt mạnh là do lạc quan vào vụ mùa chuẩn bị thu hoạch ở Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế, các ngân hàng, các hãng phân tích, các thương nhân đều có chung nhận định Việt Nam sẽ đạt sản lượng kỷ lục trong năm nay nhờ giá cao thúc đẩy người dân chăm bón cây, cộng với thời tiết thuận lợi.
Ngoài ra, USD tăng giá cũng tác động xấu lên thị trường. USD đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng sau khi Mỹ tung ra gói QE2.5 không như kỳ vọng, đồng thời bày tỏ bi quan về triển vọng kinh tế. Nợ công châu Âu vẫn là vấn đề nóng bỏng, trong khi Đức và Trung Quốc lần lượt phát đi các tín hiệu xấu về nền kinh tế khiến các thị trường lo ngại bóng ma suy thoái kép. Hàng hóa đồng loạt bị bán tháo kể từ ngày 21/9 trở về cuối tháng.
Trên thị trường cà phê Arabica New York, giá cũng sụt giảm mạnh, mất 20,8%, xóa tan mọi nỗ lực tăng của tháng 8.
Nguyên nhân giá cà phê arabica sụt mạnh chủ yếu là đồng USD mạnh lên sau chương trình nắn lại đường cong lãi suất của chính phủ Mỹ (chi 400 tỷ USD để mua trái phiếu dài hạn nhưng bán ra cùng mức ở trái phiếu ngắn hạn) nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Hoạt động bán tháo rút tiền mặt của nhà đầu cơ khiến cho thị trường có phiên giảm tới hơn 5% - một trong các phiên giảm sâu nhất trong lịch sử.
Chốt tháng 9, cà phê arabica đứng tại 228,95 cent/lb. Trong cả tháng, thị trường chỉ tăng được có 7 phiên.
Ở trong nước, giá cà phê tháng qua biến động theo xu hướng chung của giá thế giới, chốt tháng ở 44,3 triệu đồng/tấn, giảm 4,5 triệu đồng, xấp xỉ 10% so với đầu tháng.
Giá cà phê xuất khẩu duy trì mức cộng 50 USD so với kỳ hạn tháng 11. Các hợp đồng ký giao sau, hàng vụ mới, phổ biến ở mức trừ lùi 100 USD/tấn so với kỳ hạn tháng 1/2012.
Theo Cafef