Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc: Giống “lúa trong mơ” có thể là ác mộng
05 | 10 | 2011
Một công ty Trung Quốc do tiến sĩ Viên Long Bình, nhà nông học hàng đầu Trung Quốc điều hành, đã phát triển một giống lúa mới có khả năng cho năng suất 14 tấn/ha. Tuy nhiên, nó đòi một lượng nitơ gấp đôi so với giống thường.

Lạm dụng phân bón

Giống lúa mới này quả thật là một phép màu khi các giống lúa Trung Quốc thường chỉ cho năng suất khoản trên dưới 6 tấn/ha. Có điều không may là, giống lúa mới khi trồng thử nghiệm ở tỉnh Hồ Nam, phía nam Trung Quốc, phải sử dụng 250 kg phân đạm/ha so với 120 kg phân đạm/ha so với giống thường.

Nhiều nhà phê bình đã chỉ trích rằng như thế sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm độc đất vì nitơ là một tác nhân gây chua. Đất chua là thiên đường cho giun tròn, ký sinh trùng phá hoại mùa màng.

Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc là nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới. Điều này đã hủy hoại môi trường đất, biến các con sông và hồ lớn ở Trung Quốc thành cơn ác mộng cho thảm thực vật nơi đây.

Từ những năm 1980, sản lượng nông nghiệp của Trung Quốc đã tăng vọt vì sử dụng phân hóa học, nhưng đáp lại là nguồn nước và không khí bị ô nhiễm nặng. Theo một bài viết ngày 11.2.2010 trên trang Nature News của tác giả Natasha Gilbert, năm 2007, Trung Quốc tiêu thụ 32,6 triệu tấn phân đạm, tăng 191% so với năm 1981.

Nhiều lo ngại dấy lên rằng lạm dụng phân bón sẽ làm giảm năng suất khi đất trở nên bạc màu, đe dọa an ninh lương thực cho đất nước đông dân nhất thế giới. Trung Quốc sở hữu 9% đất canh tác của thế giới và 23% dân số hành tinh này sống phụ thuộc vào nguồn cung lương thực của Trung Quốc.

Theo cuốn sách Những nguồn tài nguyên trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc của tác giả Chris Bramall, do nhà xuất bản đại học Oxford ấn hành, phần lớn đất nông nghiệp Trung Quốc thiếu đạm trầm trọng. Phân bón và các giống cây lai nhanh chóng ra đời, cùng với việc chính phủ Trung Quốc mua lại các nhà máy sản xuất phân urê, bắt đầu hoạt động năm 1974, đã thay đổi mạnh mẽ hiện trạng.

Nồng độ pH trong tất cả các mẫu đất ở Trung Quốc đã giảm từ 0,13 đến 0,80 đơn vị kể từ đầu những năm 1980, con số mà thông thường phải mất đến hàng trăm hàng ngàn năm mới xảy ra, theo nghiên cứu “Phân bón đang axit hóa đất Trung Quốc” năm 2010.

Tăng năng suất mà không cần phân bón?

Tiến sĩ Viên bắt đầu nghiên cứu giống lúa lùn có tên Nan-you số 2 năm 1970, có năng suất khá cao và cung cấp lương thực cho 60 triệu người mỗi năm tính riêng ở Trung Quốc. Ông là một trong những người được ngưỡng mộ nhất Trung Quốc khi giành được nhiều giải thưởng danh giá về khoa học. Ước tính 60% lúa trồng ở Trung Quốc là do tiến sĩ Viên và nhóm của ông phát triển.

Trang web công ty của tiến sĩ Viên cho rằng “việc sử dụng phân bón hóa học chất lượng cao sẽ cho sản lượng cây trồng cao hơn, cho phép nông dân chuyển hướng canh tác đất mà vẫn duy trì thu nhập của họ”.

Tuy nhiên, các nhà nông học tại Viện Hàn lâm Trung Quốc ở Bắc Kinh, hợp tác với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế ở Philippines, lại mất gần 14 năm tìm ra giống lúa năng suất cao mà không sử dụng phân bón cũng như thuốc trừ sâu.

Đây là kết quả của quá trình lai tạo hàng trăm giống lúa có khả năng chống sâu bệnh, không cần phân bón hóa học, không biến đổi gen mà vẫn cho năng suất cao. Ứng dụng ở Châu Phi, giống lúa này cho sản lượng khoảng 6 tấn/ha, nhiều hơn một số nơi ở Châu Á có ứng dụng nông nghiệp tiến bộ hơn.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường