Quan điểm khác nhau đã được phản ánh tại buổi tọa đàm về “Phát triển cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNN) tổ chức ngày 5-10 tại Hà Nội.
Cuộc họp này diễn ra sau thời điểm Bộ NN-PTNT cho phép các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp tiến hành hai đợt khảo nghiệm trên diện hẹp và khảo nghiệm điểm tại Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đắc Lắc và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tại buổi tọa đàm, một số chuyên gia cho rằng không nên theo phong trào trồng các loại cây biến đổi gen để rồi phụ thuộc nguồn cung giống cây trồng vào các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng muốn hay không muốn chúng ta vẫn đang và sẽ phải tiêu dùng thực phẩm biến đổi gen nên việc trồng trên diện rộng là điều tất yếu.
PGS.TS Nguyễn Đăng Vang nói thị trường thức ăn chăn nuôi (TACN) của Việt Nam năm 2010 ước đạt 23,8 triệu tấn, trong đó 12,6 triệu tấn sản xuất công nghiệp còn lại 11,2 triệu tấn tự chế tại các hộ gia đình. Trong đó, lượng ngô nhập khẩu làm TACN trong năm 2010 chỉ chiếm khoảng 4-5%, một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số TACN cả nước và chủ yếu nhập lúc gối vụ, giáp hạt.
Cũng theo ông Vang, dự báo TACN chế biến công nghiệp sẽ tăng lên 19,2 triệu tấn vào năm 2020, tức tăng 7-10% mỗi năm tùy từng thời kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng sản lượng ngô hàng năm vào khoảng 4%. Trong khi đó, dự báo sản phẩm giàu tinh bột tại Việt Nam sẽ thiếu 4,2 triệu tấn vào năm 2015 và 6,8 triệu tấn vào năm 2020 thay vì 2,5 triệu tấn đang nhập khẩu hiện nay.
Ông Vang nhận định nếu lượng thiếu hụt này không được thay thế bằng giải pháp mới để Việt Nam tự sản xuất thì vẫn sẽ phải tiếp tục nhập khẩu.
Cùng chung quan điểm, Ông Nguyễn Quang Thạch, giảng viên Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết hiện nay sản lượng ngô và khô đậu tương biến đổi gen trên thế giới chiếm tới 90%. Do vậy, dù muốn hay không muốn thì Việt Nam vẫn đang và sẽ phải nhập khẩu sản phẩm biến đổi gen này vì để nhập 10% sản phẩm truyền thống là rất khó.
Ông Thạch cho biết thêm việc áp dụng những ứng dụng mới bao giờ cũng có rủi ro nhưng chúng ta phải biết chấp nhận rủi ro và phát huy ưu điểm của cây trồng biến đổi gen để giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu trong ngành TACN. “Diện tích cây trồng biến đổi gen trên thế giới liên tục tăng trong các năm vậy tại sao chúng ta vẫn duy trì trồng các loại cây truyền thống?”, ông Thạch nói.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng vì đồng bằng Nam bộ thấp hơn rất nhiều so với đồng bằng Bắc bộ nên khi nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới ngập mặn nên Việt Nam không thể bỏ qua những thành tựu mà thế giới đã đạt được về cây biến đổi gen chịu mặn và chịu hạn. “Một khi đồng bằng Nam bộ bị ngập mặn thì nước ta không phải là nước xuất khẩu gạo nữa mà là nước nhập khẩu gạo”, ông Dũng nói.
Bà Lê Thị Thanh Vân thuộc Viện Chính sách, Chiến lược Phát triển NNNT, lại có quan điểm trái chiều khi dẫn ra nhiều minh chứng về những tiềm ẩn của công nghệ biến đổi gen đối với môi trường, con người…Theo bà, bông Bt đã đưa vào Việt Nam trồng đại trà từ 1999, sau hơn 10 năm diện tích bông Bt không tăng lên mà đã giảm thảm hại từ 32.000 héc-ta xuống chỉ còn 5.000- 6.000 héc-ta trong năm nay do không cạnh tranh nổi với các cây trồng khác.
Bông Bt đã bị dịch rệp sau khi trồng một thời gian trong khi bông truyền thống không có dịch này, và đây cũng là thực tiễn mà các nước Mỹ và Ấn Độ đã gặp phải, theo bà Vân. “Chính vì vậy chúng ta không thể đưa cây trồng biến đổi gen vào trồng trên diện rộng”, bà Vân nói.
Còn theo GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, điều quan trọng hơn là nông dân sẽ phải mua giống của các tập đoàn nước ngoài mới sản xuất được với giá quá cao. Giá giống ngô thông thường trong nước như hiện nay chỉ có 50.000- 60.000 đồng/kg trong khi giống ngô biến đổi gen là 350.000 đồng/kg.
TS Nguyễn Thị Trâm thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam cũng cho rằng cây trồng biến đổi gen là cây mang một hoặc nhiều gen lạ được đưa vào nên tiềm ẩn những hiểm họa. Sản phẩm của gen là protein, có thể trong quá trình chuyển gen hữu ích đã vô tình đưa những chất gây dị ứng cho người sử dụng.
Theo nghiên cứu thì sản phẩm của cây trồng biến đổi gen bắt đầu hé lộ những ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến một số bệnh gây tổn thương trong dạ dày, tỷ lệ vô sinh, cân nặng và sức khỏe của thế hệ sau của những con chuột ăn ngô biến đổi gen, xuất hiện một số bệnh ung thư ở người. TS Trâm cho rằng, việc đưa cây biến đổi gen ra trồng diện rộng, chúng ta cần phải thận trọng.
Kết thúc buổi tạo đàm, Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nhiều nhà khoa học đã đề nghị nên lùi lại chủ trương đưa cây trồng biến đổi gen ra trồng diện rộng bắt đầu từ năm 2012 của Bộ NN-PTNT. Cây biến đổi gen ở Việt Nam cần phải được khảo nghiệm thêm, lộ trình cần chậm và chắc chắn.
Còn theo ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, bộ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các bước theo kế hoạch mà bộ đề ra sau đó sẽ lấy ý kiến rộng rãi từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Y tế đồng thời lấy ý kiến từ các nhà khoa học để tổng hợp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt.
Theo TBKTSG