Trong tháng 9/2011, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã đạt 402 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên 3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 10 thế giới.
Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang gặt hái những thắng lợi lớn về giá trị kim ngạch, đồ gỗ Việt Nam ngày càng được ưa chuộng ở các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông…
Theo Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa), Trung Quốc đang trở thành thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Trong 8 tháng năm 2011, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc ước đạt gần 400 triệu USD, tăng trên 60% so với cùng kỳ năm 2010.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gỗ của chúng ta lại vướng phải 2 khó khăn lớn. Trong đó, khó nhất là gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội, mỗi năm nước ta đang phải nhập khẩu tới 4.000.000m³ gỗ. Thiếu nguyên liệu cộng với giá gỗ nhập khẩu ngày càng tăng khiến đồ gỗ Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực vì họ sẵn có lợi thế sử dụng ngay chính nguồn gỗ khai thác trong nước.
Dù giá trị hàng xuất khẩu được hơn 3 tỉ USD/năm nhưng nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến hơn 1 tỉ USD/năm. Trong khi đó năng lực tài chính của các doanh nghiệp còn khiêm tốn cho thấy ngành đồ gỗ vẫn phải đi “ăn đong”. Đây chính là lí do khiến giá thành sản phẩm của Việt Nam chưa có tính cạnh tranh cao, hoặc để đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lợi nhuận, khiến cho sản xuất chưa thuận lợi.
Một khó khăn nữa là vướng các đạo luật yêu cầu chứng minh “lai lịch” gỗ nguyên liệu. Trong đó, đạo luật Lacey (Hoa Kỳ) đã có hiệu lực từ ngày 1/4/2010 cấm buôn bán gỗ và sản phẩm từ gỗ bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, bắt buộc doanh nghiệp phải nộp tờ khai, chứng từ rõ ràng về tên, loại gỗ, nước khai thác gỗ, cách thức khai thác... của Hội đồng Quản lý rừng bền vững thế giới (gọi tắt là chứng nhận FSC).
Từ tháng 1/2012, doanh nghiệp gỗ còn phải gánh thêm đạo luật FLEGT của EU có hiệu lực, cũng yêu cầu các lô đồ gỗ nhập vào EU phải minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc gỗ nguyên liệu mới cho nhập khẩu.
Để đảm bảo yêu cầu ngày càng khắt khe của các đạo luật, đảm bảo ổn định mức tăng trưởng, Tổng thư ký Hiệp hội cho rằng cần phải đảm bảo có được nguồn nguyên liệu “sạch”. Và giải pháp đặt ra là chúng ta cần hướng tới giảm dần nguồn gỗ nhập khẩu.
Để giải bài toán thiếu nguyên liệu, về lâu dài ngành gỗ Việt Nam cần phải có kế hoạch trồng mới rừng. Năm 2010 nước ta đã lập kế hoạch trồng mới 5 triệu ha rừng, nhưng đến thời điểm hiện nay kế hoạch này mới chỉ thực hiện trồng được hơn 2 triệu ha. Theo tính toán, để đầu tư cho ngành công nghiệp gỗ, từ nay đến năm 2020 cần khoảng gần 7 tỉ USD và việc trồng mới rừng cũng cần từ 800 triệu USD đến 1 tỉ USD.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng trong nước để thay thế dần gỗ nhập khẩu.
Theo Vinanet