Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trôi nổi cùng Chất lượng - Thương hiệu chè Thái Nguyên
10 | 07 | 2007
Hội nhập WTO, sản phẩm chè Thái Nguyên vẫn được tiêu thụ dưới dạng "túi bóng cắp nách", không bao bì, nhãn mác, không mã vạch. Tại các vùng nguyên liệu, nông dân sản xuất tự phát, manh mún dẫn tới chất lượng giữa các vùng chè chênh lệch quá xa…

KÌ I: TRÔI NỔI CÙNG THỊ TRƯỜNG SẢN XUẤT CÁ THỂ, CHẤT LƯỢNG CHÊNH LỆCH

5h sáng, khảo sát vùng chè đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên gồm các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương... Tại các đại lý thu gom chè hoạt động buôn bán đã bắt đầu tấp nập; người cân chè, thử chè; người mặc cả, trả giá huyên náo cả một vùng… Ngày nào cũng vậy, chè sau khi sao khô được đóng vào bao nilon lớn rồi nườm nượp mang đến đại lý đầu giờ sáng. Khi người nông dân đã trở về với công việc trên những nương chè thì từ các đại lý sản phẩm chè được tung ra thị trường. Rời khỏi quê hương, ngay lập tức sản phẩm chè của Thái Nguyên sẽ hoà chung cùng chè Tuyên Quang, Phú Thọ hay Bắc Kạn, Cao Bằng.

Không nhãn mác, mã vạch, không tên tuổi nguồn gốc xuất xứ… người tiêu dùng khó có thể biết mình đã mua sản phẩm chè của địa phương nào, chất lượng ra sao, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm? Hiện Thái Nguyên chưa có hệ thống quản lý chất lượng chè xuyên suốt từ cấp tỉnh đến huyện, xã mà thực tế sản xuất tại địa phương lại quá manh mún. Mỗi hộ chỉ trồng một vài sào theo mô hình kinh tế cá thể nên không thể ép dân trồng theo quy trình kĩ thuật.

Vì vậy, chừng nào thị trường trong nước còn "dễ tính" chấp nhận sản phẩm chè "cắp nách", dân vẫn tự trồng, tự chế biến rồi tự mang đi bán thì còn vướng mắc trong quản lý chất lượng. Nhiều người làm chè nhưng không biết chính xác chè của mình có đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hay không. Ngay tại cuộc thi chè năm 2006 vừa qua trong các mẫu chè gửi đến dự thi cũng phát hiện và loại bỏ nhiều mẫu còn tồn đọng dư lượng thuốc BVTV.

Thậm chí, có mẫu chè mang hương vị lạ hơn hẳn bởi trong quá trình chăm sóc người trồng chè đã sử dụng hoá chất kích thích tăng trưởng. Kết quả kiểm tra trực tiếp của Chi cục BVTV cũng cho thấy, kiểm tra 30 hộ sử dụng thuốc BVTV đã phát hiện tới 25 lỗi, chiếm tỉ lệ trên 70% hộ phun thuốc không đảm bảo thời gian cách ly hoặc sử dụng thuốc không có trong danh mục… Một con số ấn tượng về chất lượng sản phẩm chè "cắp nách" Thái Nguyên.

Chè an toàn - bế tắc từ mô hình

Năm 2000, tỉnh Thái Nguyên xây dựng Đề án phát triển, sản xuất chế biến tiêu thụ chè. Sau 5 năm thực hiện đề án, chè Thái Nguyên phần lớn vẫn là sản phẩm thô, giá thấp và chủ yếu tiêu thụ nội tiêu, xuất khẩu chỉ đạt 25% sản lượng chè chế biến của tỉnh. Hiệu quả đạt được ở mức khiêm tốn như vậy là do Thái Nguyên chưa có thương hiệu cho sản phẩm chè và cũng chưa có hệ thống quản lý chất lượng chè… Từ nhiều năm nay, ông Trần Văn Thái một nhà nông sản xuất chè nổi tiếng ở xã Tân Cương vẫn trăn trở với uy tín, chất lượng của sản phẩm chè đặc sản. Ông Thái cho biết hiện ở Tân Cương có hàng ngàn nông hộ sản xuất chè nhưng "mạnh ai nấy làm". Người dân chưa có ý thức học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm mà hoàn toàn dựa vào thói quen sản xuất từ trước nên chất lượng chè giữa các hộ chênh lệch đáng kể.

Một phần lớn nông dân sinh sống bằng trồng chè nhưng số gia đình thực hiện quy trình chè an toàn chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Mặc dù mô hình trồng chè an toàn dùng thuốc trừ sâu sinh học thay thế thuốc hoá học mang lại hiệu quả cải tạo đất, cải tạo môi trường cũng như năng suất, chất lượng chè cao hơn nhiều. Nhưng chỉ cần vấp phải một vài khó khăn là dân lại từ bỏ ứng dụng mới để quay về với phương thức sản xuất cũ. Dạo qua vùng chè đặc sản Tân Cương, Phúc Trìu, Thịnh Đức có thể thấy hầu hết hệ thống nước ao, hồ dưới chân đồi chè đều trong leo lẻo nhìn rõ tận đáy, tuyệt nhiên không một sự sống. Nguồn nước bị ô nhiễm bởi hoá chất là minh chứng cho những mối hiểm họa tiềm ẩn trên các sản phẩm chè không đúng quy trình. Đây là thực trạng trên khắp các vùng chè nguyên liệu ở Thái Nguyên.

Các chương trình dự án tuyên truyền, hỗ trợ nhằm định hướng bà con sản xuất chè an toàn đều gặp bế tắc. Như ở xã La Bằng, huyện Đại Từ trong hai năm qua đã triển khai tới 9 lớp tập huấn cho nông dân quy trình trồng chè an toàn. Thành lập 2 HTX nhằm quản lý thực hiện nhưng không thể thu hút được đông đảo bà con tham gia. Thành viên của cả hai HTX cộng lại mới xấp xỉ 30 người và đang đứng trước nguy cơ bị hụt số lượng. Ông Trần Trọng Bình – Chủ nhiệm HTX trồng chè an toàn tại xã La Bằng cho biết, năm 2006 có 2 thành viên xin rút khỏi HTX chỉ vì chè trôi nổi trên thị trường quá nhiều không thể phân biệt giữa chè an toàn với chè không an toàn. Người trồng chè an toàn phải tuân thủ tuyệt đối quy trình kĩ thuật mà không đạt hiệu quả kinh tế. Từ những năm 2001-2003, các tổ chức quốc tế như CIDSE, CECI, ECOLINK… đã giúp Thái Nguyên xây dựng 6 mô hình sản xuất chè hữu cơ với quy mô từ 15-20 hộ/ mô hình tuy nhiên hầu hết các mô hình này khi triển khai đều gặp phải khó khăn.

Mô hình HTX hữu cơ Thiên Hoàng có 24 hộ tham gia với diện tích 2,5 ha nhưng chỉ 7 hộ có sản phẩm chè hữu cơ được tổ chức ACT (Thái Lan) cấp giấy chứng nhận. Mỗi năm HTX Thiên Hoàng sản xuất được 1,5–2 tấn chè hữu cơ và chè an toàn có giá thị trường từ 150-210.000 đ/kg nhưng hiện đang rất khó tiêu thụ. Câu lạc bộ Chè hữu cơ Tân Cương được thành lập năm 2004, gồm 16 thành viên có sản lượng bình quân 5.500 kg chè búp khô cũng đang đứng trước nguy cơ giảm sản lượng chè thu hoạch và giá bán trên thị trường. Bởi vậy, các mô hình chè hữu cơ hay chè an toàn đã không thể nhân rộng. Đại đa số người dân làm chè ở Thái Nguyên vẫn chăm sóc chè theo thói quen và kinh nghiệm bản thân.

 



(Nguồn tin: NNVN)
Báo cáo phân tích thị trường