Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mối lo khi gạo tăng giá
10 | 10 | 2011
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khuyến cáo, các doanh nghiệp phải rất cẩn trọng khi ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo thời gian tới.

Giá gạo xuất khẩu đang tăng cao, sau khi chương trình thu mua gạo giá cao của Chính phủ Thái Lan chính thức triển khai từ ngày 7/10. Mặc dù vậy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khuyến cáo, các doanh nghiệp phải rất cẩn trọng khi ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo thời gian tới.
 

Giá gạo của Thái Lan đã chính thức tăng từ ngày 7/10. Theo đó, gạo thường được bán với giá 15.000 baht/tấn, tương ứng giá gạo xuất khẩu 750 - 800 USD/tấn. Sự biến động giá gạo trên thị trường Thái Lan là cơ hội để Việt Nam tăng bạn hàng, đồng thời nâng cao giá trị gạo xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam vươn lên dẫn đầu thị trường gạo thế giới vào năm 2012, bởi khách hàng không dễ chấp nhận mua gạo Thái Lan với giá cao.
 
 

Theo nhận định của VFA, chương trình mua gạo giá cao của Chính phủ Thái Lan sẽ khiến giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm tăng mạnh. Tất nhiên, giá gạo không thể tăng vọt từ mức gần 600 USD/tấn hiện nay lên 800 USD/tấn. Tuy nhiên, việc lúa gạo tăng giá từng ngày cũng khiến các cơ quan quản lý thị trường gạo trong nước và cơ quan điều hành xuất khẩu gạo đối mặt nhiều mối lo.

Trước hết, giá gạo xuất khẩu tăng khi mùa mưa lũ bắt đầu, khiến nguy cơ sốt gạo ở thị trường trong nước có thể xảy ra. Hiện gạo nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long được bán với giá 9.500 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với tháng 9. Giá gạo tại Hà Nội, TP.HCM cũng nhích nhẹ trong vòng hơn 1 tuần qua.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng lúa năm nay vẫn đạt 41,5 triệu tấn, đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA cũng xác nhận, hiện lượng gạo dự trữ của các doanh nghiệp còn khoảng 1,5 triệu tấn, cộng với vụ thứ ba sắp bước vào thu hoạch, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm bảo nhu cầu thị trường trong nước và đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu thời gian tới. Trường hợp xảy ra sốt giá gạo là do tâm lý, tin đồn, chứ không phải do thiếu nguồn cung. Nếu xảy ra sốt giá gạo, VFA sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên bán gạo để bình ổn với giá thấp hơn 15% so với thị trường.

Với đà tăng giá lúa gạo hiện nay, VFA khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu nếu có hợp đồng, song doanh nghiệp chỉ nên ký hợp đồng nếu trong tay có đủ 100% chân hàng. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp vội ký hợp đồng xuất khẩu sớm với giá thấp, khi phải giao hàng đã phải mua gạo giá cao để thực hiện hợp đồng, dẫn đến thua lỗ, hoặc phải hủy hợp đồng. “Chỉ tính riêng trong quý III và đầu tháng 10 này, một số hợp đồng với số lượng lên tới 400.000 tấn gạo đã bị hủy”, ông Bảy nói.

Bên cạnh nguy cơ vỡ hợp đồng vì giá nguyên liệu tăng, VFA cũng cảnh báo khả năng thua lỗ nếu ký hợp đồng sớm, vì gạo vẫn có khả năng rớt giá. Bởi nếu giá gạo Thái Lan vượt quá sức chịu đựng của thế giới, giao dịch đóng băng, rất có thể Thái Lan phải hạ giá để bán được hàng.

Lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc cũng dự báo: “Giá gạo thế giới thời gian tới có thể tăng mạnh, một phần do tác động của thị trường Thái Lan, một phần do lũ lụt, mất mùa xảy ra ở nhiều nước. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, nhu cầu của thế giới khó có thể tăng mạnh. Hai khách hàng lớn nhất của Việt Nam là Indonesia và Philippines hiện vẫn chưa có động thái mới. Cụ thể, Indonesia có thể nhập thêm gạo Việt Nam, nhưng dự kiến phải từ tháng 2/2012. Khi đó, Thái Lan cũng đã kết thúc chương trình mua gạo giá cao. Philippines có thể mua gạo Việt Nam vào cuối năm nay, nhưng số lượng không lớn”.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, nhiều nước nhập khẩu gạo của Thái Lan trước đây đang chuyển hướng sang tìm đối tác ở Việt Nam do giá rẻ, chất lượng tốt. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã sang Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư, nhằm thiết lập cơ sở chế biến, thu mua gạo ở Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác. Điều này buộc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thực tế, từ ngày 1/10, khi Nghị định 109/2010/NĐ-CP (về kinh doanh xuất khẩu gạo) có hiệu lực, cả nước đã có 125 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo, hơn 150 doanh nghiệp còn lại không được tham gia.

Như vậy, thị trường xuất khẩu gạo trong nước bước đầu đã được sàng lọc. Việc thu hẹp đầu mối xuất khẩu gạo, hạn chế các trung gian thương mại không cần thiết, các doanh nghiệp không đủ năng lực nhảy vào tham gia thị trường khiến tình trạng ép giá nông dân, phá giá xuất khẩu giảm hẳn.

Hơn nữa, giá trị hạt gạo cũng được nâng lên. Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng gần 60%. Tác động của thị trường thế giới, cũng như sự cơ cấu lại của thị trường trong nước đang là cơ hội để gạo Việt Nam nâng cao thương hiệu.

Theo Thùy Liên

Báo Đầu tư


Báo cáo phân tích thị trường