Theo số liệu mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) từ đầu tháng 10 đến nay, giá thịt lợn, gà xuất chuồng liên tục giảm mạnh. Tại các tỉnh miền Bắc, giá xuất chuồng lợn hơi siêu nạc chỉ còn khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg, lợn lai 43.000 - 45.000 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Nam giá lợn siêu nạc 50.000 đồng/kg, lợn lai 48.000 đồng/kg. Mức giá này giảm bình quân 11% so với thời điểm từ tháng 4 - 7, thậm chí giảm 20 - 24% so với thời điểm cao nhất trong tháng 8. Giá thịt gà trắng những ngày đầu tháng 10 tại các tỉnh Tây Nam bộ cũng giảm sâu, chỉ còn 24.000 đồng/kg, giảm một nửa so với thời điểm hai tháng trước đây.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây), nguyên nhân chính tác động tới giá thịt lợn giảm do tháng giữa năm nhiều hộ chăn nuôi đã đẩy mạnh tái đàn và đến nay nguồn cung bắt đầu dồi dào. Ngoài ra, vừa qua, tại đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung đã xảy ra lũ lớn nên bà con bán tháo lợn, gà để vớt vát vốn. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, giá thịt trong nước giảm còn do áp lực từ thịt nhập khẩu. Theo số liệu từ Cục Thú y, những tháng đầu năm 2011, lượng thịt nhập khẩu vào nước ta chỉ khoảng 3.000 - 4.000 tấn/tháng, nhưng đến tháng 7 tăng lên 14.000 tấn, tháng 8 tăng 12.000 tấn. Trong 9 tháng qua, tổng lượng thịt nhập khẩu vào nước ta đã lên tới trên 85.000 tấn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Giá lợn thất thường như hiện nay dường như có sự chi phối của thương lái. Hiện giá xuất chuồng đã giảm từ 20 - 24% nhưng giá bán ngoài chợ chỉ giảm khoảng 15%. Ngay cả đối với thịt gà, giá gà ta bán tại chuồng ngang với gà công nghiệp nhưng khi tới tay người tiêu dùng lại cao hơn do thương lái "làm giá".
Lo ngại tái đàn
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây) chia sẻ, từ tháng 4 khi giá thịt lợn tăng cao, HTX đã vận động các trang trại chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn. Tuy nhiên tới thời điểm này, giá thịt lợn hơi giảm mạnh khiến cho không ít hộ xã viên có tâm lý nản, ngại tái đàn. Hiện, toàn HTX có khoảng 150.000 con lợn và 850.000 con gia cầm, cùng với nỗi lo về giá giảm, việc tiêu thụ của HTX cũng gặp không ít khó khăn. "Do giá thịt diễn biến thất thường nên chúng tôi đang trăn trở có nên vận động bà con chăn nuôi hay không vì nếu không hiệu quả, HTX sẽ có tội với bà con, còn nếu chẳng may không tái đàn khi giá lên cao, chúng tôi sẽ trở thành những người thiếu trách nhiệm" - ông Chiến bày tỏ.
Từ đầu năm tới nay, chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi không ngừng tăng. Cụ thể giá điện tăng 15,5%, than 32,29%, thức ăn chăn nuôi tăng 12 - 14%, chi phí vận chuyển tăng 20%. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, chăn nuôi gia trại chiếm 80 - 90% tỉ trọng ngành chăn nuôi nhưng khoảng 2 năm gần đây do có quá nhiều khó khăn, chăn nuôi nông hộ, gia trại đã suy giảm rõ rệt. Bất cập hiện nay của ngành chăn nuôi là không hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với doanh nghiệp và tiêu dùng. Do đó không kích thích người sản xuất trong khi người tiêu dùng phải chịu phí rất cao.
Để giúp nông dân tái đàn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, bình ổn giá cả từ nay tới cuối năm, theo ông Tần, cần tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm…Tăng cường công tác quản lý thị trường các sản phẩm chăn nuôi, từng bước thiết lập thị trường sản xuất kinh doanh thực phẩm cạnh tranh lành mạnh có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.
Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian tới sẽ kiến nghị Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn tín dụng trong các cơ sở chăn nuôi qui mô trang trại để mua con giống, hỗ trợ 100% tiền mua vắc xin tai xanh dự phòng…qư
Cục Chăn nuôi dự báo, từ nay đến cuối năm, nguồn cung sản xuất trong nước về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Trong đó, sản xuất thịt lợn bình quân đạt 175.000 tấn thịt xẻ/tháng, thịt gia cầm đạt 52.000 - 55.000 tấn thịt xẻ/tháng, các loại thịt khác khoảng 13.000 tấn.