Để nâng cao giá trị XK, ngoài việc tìm kiếm khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm... nhiều DN thủy sản đang tăng dần lượng hàng giá trị gia tăng trong cơ cấu XK. Tuy nhiên, theo yêu cầu của khách hàng, DN thủy sản Việt Nam buộc phải NK một số nguyên liệu, phụ liệu không sản xuất ở trong nước như các loại phụ gia thực phẩm, bột, nước sốt, rượu thực phẩm... để phối trộn, tẩm hàng, sản xuất các sản phẩm thủy sản cao cấp, ăn liền, đúng khẩu vị theo đơn đặt hàng của nhà NK.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều lô hàng NK của một số DN bị ách tắc tại cảng do những quy định mới của Luật An toàn thực phẩm. DN thủy sản càng rối hơn khi chưa có nghị định hướng dẫn nên lúng túng không biết làm thủ tục tại cơ quan nào: Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương hay Bộ Y tế để giải tỏa các lô hàng, trong khi một số loại nguyên liệu, phụ liệu NK thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế và một số loại khác lại thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương và Bộ NN và PTNT.
Trước khi Luật An toàn thực phẩm được ban hành và có hiệu lực thi hành, việc NK các loại sản phẩm trên vẫn được tiến hành thuận lợi theo quy định tại Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT ngày 8/12/2005 ban hành "Quy chế về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm" và Quyết định số 23/2007/QĐ-BYT ngày 29/3/2007 ban hành "Quy chế kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm NK" của Bộ Y tế. Kể từ ngày 1/7/2011, khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, việc NK các loại sản phẩm trên gặp nhiều vướng mắc, khó thực hiện hoặc không thể thực hiện được do các cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Y tế từ chối cấp phép (trước đó vẫn cấp phép) vì theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, những mặt hàng NK này không còn thuộc phạm vi quản lý của bộ này.
Hiện nay là thời điểm các DN đang gấp rút sản xuất, thực hiện các đơn hàng XK đúng theo hợp đồng đã ký nên việc giải tỏa kịp thời các lô hàng để có nguyên liệu đưa vào sản xuất đang là vấn đề cấp bách cần được tháo gỡ.
Trong khi chờ đợi nghị định hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm và thông tư hướng dẫn chi tiết của các bộ, các DN XNK thủy sản rất mong được các cơ quan chức năng hỗ trợ để giải tỏa các lô hàng, giảm bớt chi phí lưu kho bãi, bằng cách tiếp tục cấp phép NK những mặt hàng thực phẩm trong danh mục theo quy định cho đến khi có nghị định hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm.
Trước tình hình XK thủy sản gặp rất nhiều khó khăn và đang phải đối mặt với bài toán giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm, thiếu nguyên liệu và nhân công... như hiện nay, DN thủy sản NK nguyên liệu để phục vụ sản xuất XK theo chuỗi sản xuất (bao gồm nguyên liệu, hóa chất, phụ gia...) rất mong được làm thủ tục cấp phép NK qua một cửa và do một bộ quản lý. Điều này vừa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, đồng thời tránh các quy định chồng chéo khi một bộ quản lý còn một bộ khác lại cấp phép...
Theo Vasep