Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhìn từ việc nâng giá gạo của Thái Lan
15 | 10 | 2011
Chính phủ Thái Lan đang áp dụng chính sách mới về lúa gạo từ 7.10 bằng cách sẽ nâng giá thu múa lúa lên cho nông dân. Theo đó, lúa thường sẽ vào khoảng 500USD/tấn và lúa đặc sản vào khoảng 670USD/tấn.

Điều này tác động tới gạo Việt Nam như thế nào?

Thái Lan là nhà cung cấp hàng đầu, chiếm đến 30% thị phần xuất khẩu, việc tăng gia thu mua nội địa của gạo Thái Lan chắc chắn sẽ tác động đến giá thế giới. Những nước xuất khẩu gạo như Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia… đều có thể có lợi từ việc nâng giá thế giới.

Thế nhưng, cần nhìn tác động chính sách này từ 2 phía: lợi và bất lợi. Nếu Chính phủ Thái Lan duy trì chính sách nhất quán và kéo dài ít nhất 4 - 5 năm thì Việt Nam có thể hưởng lợi trong 3-4 năm đầu khi giá lúa gạo thế giới tăng sẽ kích thích tăng trưởng sản lượng sản xuất của Việt Nam. Và do đó, làm gia tăng sản lượng xuất khẩu cũng nhiều hơn.

Với đà gia tăng như 3 năm gần đây, Việt Nam có thể tăng mức xuất khẩu lên đến 9 triệu tấn, trên 9 triệu tấn trong 3 - 4 năm tới. Nhưng điều này cũng ẩn chứa rủi ro sau đó: Giá cả gia tăng cũng đồng thời kích thích việc gia tăng sản lượng ở cả Thái Lan, những quốc gia xuất khẩu như Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan… Khi nguồn cung lớn hơn cầu, giá cả sẽ đảo chiều...

Vậy chúng ta cần ứng xử như thế nào trong vấn đề xuất khẩu lúa gạo với chính sách của chính phủ Thái Lan? Trước hết, Việt Nam không nên quá bận tâm với vị trí thứ nhất hay thứ hai trong xuất khẩu gạo thế giới mà nên dành sự quan tâm đến chính sách dài hạn của phát triển, lợi ích lâu dài của nông dân.

Vị trí thứ nhất hay thứ nhì chưa chắc mang lại sự giàu có, sung túc. Đó có thể là một cái bẫy với nhiều ảo tưởng và mang lại nhiều rủi ro. Vấn đề không phải là vị trí, mà vấn đề ở chỗ lợi ích. Lợi ích trong dài hạn phải thuộc về nông dân, cái đảm bảo tốt nhất cho an ninh lương thực quốc gia. Việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia của Việt Nam là đóng góp vào an ninh lương thực thế giới.

Chúng ta cần tiếp tục theo dõi tác động thị trường sau khi Chính phủ Thái Lan thực hiện chính sách mua lúa gạo để có những chỉ dẫn kịp thời. Không nên quá lạc quan với kịch bản tăng giá thế giới. Trường hợp giá thế giới tăng, chính phủ cũng không nên áp thuế xuất khẩu gạo. Nhưng có thể áp dụng mức thu phí xuất khẩu cho việc thành lập quỹ hỗ trợ nông dân. Chúng ta cũng nên thành lập quỹ hỗ trợ nông dân trồng lúa để đầu tư trở lại cho vùng trồng lúa nhằm cải thiện đời sống và phúc lợi của nông dân.

Chính sách của Chính phủ Thái Lan đối với việc thu mua lúa gạo nhằm làm lợi cho nông dân Thái Lan, tác động đến giá cả thị trường thế giới là có. Nhưng mạnh yếu như thế nào còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Việt Nam có thể hưởng lợi (như những quốc gia xuất khẩu gạo khác), nhưng không hẳn là hoàn toàn có lợi.

Cần tránh xu hướng một chiều khi nhìn nhận đánh giá. Bản thân Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu nhiều lúa gạo, cũng đã có một thị phần vững chắc và các mối quan hệ bạn hàng. Chúng ta cần nuôi dưỡng tiềm năng xuất khẩu và các mối quan hệ vững chắc trong chiến lược lâu dài.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường