Ông Hoàng Văn Bốn -một nông dân chuyên trồng cà chua ở xã Tru Tra (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) nói: “Nếu những năm trước đây, giá cà chua chỉ vào khoảng 2.000 – 2.500 đồng/kg đã là cái giá lý tưởng cho nông dân thì nay, thương lái vào tận vườn thu mua đến những 12.000 – 13.000 đồng/kg, có ngày lên đến 15.000 đồng/kg. Đây quả là chuyện “nằm mơ” của nhiều hộ nông dân chúng tôi”.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết, tháng qua, khi giá cà chua tăng vùn vụt, hiện tượng tranh thủ mở rộng diện tích cho vụ tới của bà con nông dân trong huyện khiến cho lãnh đạo địa phương này bắt đầu lo lắng. Nỗi lo này là chính đáng bởi nhớ lại trong vài năm qua, trong thực tế là giá cà chua ở Lâm Đồng liên tục tăng, giảm không theo một quy luật nào, và thật khó lường.
Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, thực ra, diện tích cà chua hàng năm của Lâm Đồng tuy lớn, nhưng không phải quá lớn để dẫn đến khủng hoảng thừa. Tuy nhiên, nhiều năm nhiều vụ cà chua rơi vào cảnh thất bát nên thiệt hại mà người nông dân gánh lấy là không nhỏ. Để khắc phục tình trạng khủng hoảng thừa một cách “cục bộ” như thế, Lâm Đồng rất cần những cơ sở chế biến cà chua nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp này hơn.
Bởi cà chua là loại cây trồng có thể canh tác quanh năm ở Lâm Đồng nên diện tích đất dành cho loại cây trồng này không cao nhưng diện tích trung bình cả năm lên đến không dưới 5.000ha. Với số vòng quay của cây cà chua là 2,5 vòng mỗi năm và với năng suất trung bình hiện nay là 70 tấn/ha/vụ thì sản lượng của 6.000ha cà chua của Lâm Đồng là một con số không hề nhỏ. Con số này là cơ sở để Lâm Đồng tính toán việc xây dựng ít nhất một nhà máy chế biến cà chua ngay tại vùng nguyên liệu để có thể làm lợi cho nhà vườn và cũng là làm lợi cho sự phát triển của địa phương.
Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, thực ra, vấn đề xây dựng nhà máy chế biến cà chua ở Lâm Đồng cũng đã được đặt ra từ lâu nhưng bởi nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Theo Dân Việt