Theo mục tiêu và định hướng của Đề án này, số lượng học sinh học nghề vào năm 2010 là 10.000 người, trong đó học sinh học nghề trong các cơ sở ngoài công lập chiếm 40%. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là tin học ứng dụng, lái ô tô các loại, nghiệp vụ du lịch, may công nghiệp, sửa chữa nông-ngư cơ, sửa chữa mô tô-xe máy, thủ công mỹ nghệ, xây dựng dân dụng, cơ khí sắt, hàn, chế biến thuỷ sản, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, trồng rau, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, thú y. Phát triển nhanh số lượng và chất lượng các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Đến năm 2010, chuyển phần lớn các cơ sở dạy nghề công lập đã được đầu tư đầy đủ và hoạt động ổn định sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Gắn cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp và thị trường lao động. Xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn, đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu ngành nghề đào tạo. Đến năm 2010, đối với trường trung cấp nghề có ít nhất 10% và trường cao đẳng nghề có ít nhất 30% đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý có trình độ sau đại học.
Tiếp tục đổi mới chính sách và cơ chế quản lý. Tổ chức thực hiện quy chế đấu thầu chỉ tiêu đào tạo nghề do nhà nước đặt hàng, khuyến khích các cơ sở dạy nghề thuộc mọi thành phần kinh tế nếu có đủ điều kiện, được bình đẳng tham gia đấu thầu theo quy định của Chính phủ.
Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho người học nghề có điều kiện khó khăn để thực hiện chính sách xã hội như: trợ cấp xã hội, học bổng, miễn, giảm học phí. Thực hiện tốt chính sách dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn, thanh niên là người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người nghèo, người đặc xá và các đối tượng khác không phân biệt học ở cơ sở dạy nghề công lập hay ngoài công lập.