Nhiều vùng lúa ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, nông dân vừa chở lúa tươi loại thường lên mặt lộ đê bao là có ngay thương lái mua với giá 6.800 đến trên 7.000 đồng/kg. Các loại lúa thơm được thu mua với mức giá cao hơn: 9.500 – 10.000 đồng/kg.
Trúng đậm lúa vụ 3
Ông Nguyễn Phi Sơn Hổ, ấp Phú Thuận, xã Tây Phú, Thoại Sơn, An Giang năm nay làm 40ha lúa thu đông, với giá bán từ 6.800 – 7.000 đồng/kg lúa tươi tại ruộng, trừ hết chi phí, ông nhẩm tính thu lãi hơn 1 tỉ đồng. Ông Hổ cho biết vùng lúa thu đông của huyện Thoại Sơn có đê bao vững chắc nên không bị lũ. Lúa thu đông tốt ngút ngàn, chín vàng ươm, năng suất trung bình hơn 5 tấn/ha.
“Mấy năm trước, vùng Thoại Sơn nằm trong vùng lũ. Nhưng năm nay bà còn góp tiền, cộng với Nhà nước hỗ trợ đắp đê bao làm vụ 3. Không ngờ làm thử lại có ăn nhiều đến như vậy”, ông Hổ vui mừng nói.
Đang mua lúa ở vùng Cần Đước (Long An), ông Trương Hùng Cường, một lái lúa ở Tân Trụ, cho hay lúa thu đông đang thu hoạch rộ ở nhiều nơi, nguồn cung dồi dào nhưng do nhu cầu có nhiều nên giá tăng liên tục. Giới thương lái ở khắp nơi đang đổ về vùng lúa thơm ở Cần Đước, Tân Trụ tìm mua. Họ xuống tận đồng trả lúa tươi với giá 8.000 đồng/kg, tương đương gần 10.000 đồng/kg lúa khô.
Ông Đoàn Hữu Gặp, thương lái ở Chợ Gạo, Tiền Giang cũng cho biết, mấy ngày gần đây phải xuống tận An Giang để mua lúa. Hiện nay, theo ông Gặp, thương lái tìm mua ráo riết, họ không chê xấu tốt, cỡ nào cũng mua và chủ yếu lấy lúa tươi rồi đem về tự sấy, xay ra gạo bán cho bạn hàng. “Giá lúa tăng quá nhanh, một số loại đặc sản đã lên tới hơn 10.000 đồng/kg mà không có để mua nữa”, ông Gặp nói.
VFA: đẩy mạnh mua lúa từ Campuchia
Trên thực tế, với mức giá 8.000 đồng/kg đối với lúa khô loại thường làm ra loại gạo 5% tại thị trường miền Tây, chỉ còn kém 2.000 đồng so với giá mà Chính phủ Thái Lan áp dụng từ ngày 7.10. Trong cuộc họp cuối tuần qua, doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng đang có sự liên thông giữa giá gạo Việt Nam và Thái Lan. Và thực tế giá gạo Việt Nam đang tăng nhanh hơn gạo Thái. Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng nói đến yếu tố đầu cơ tích trữ làm tăng giá gạo. “So với cân đối xuất khẩu 7 triệu tấn trong năm nay, chúng ta vẫn còn tồn kho khoảng 800.000 tấn gối đầu năm 2012 nên hoàn toàn không có chuyện thiếu gạo. Tuy nhiên, để không có chuyện gì xảy ra, doanh nghiệp cần đẩy mạnh thu mua tối đa lúa gạo từ Campuchia về bổ sung thêm nguồn cung, ổn định thị trường”, ông Phong nói.
|
Theo cục Trồng trọt, lũ lụt tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ làm thiệt hại 1,31%, tương đương hơn 8.000ha trong tổng số khoảng 650.000ha lúa thu đông. Có khoảng 265.000ha, chiếm 41% diện tích lúa thu đông đã thu hoạch xong vào đầu tháng 10 vừa qua. Hơn 388.000ha còn lại thu hoạch từ nay đến giữa tháng 12.2012 và cho sản lượng hơn 3 triệu tấn. Chưa năm nào nông dân trúng mùa lúa vụ ba ở mức cao như năm nay. Giá lúa cũng đang đưa đến mức lợi nhuận hơn 80%, tức khoảng 25 – 30 triệu đồng/ha.
Tích trữ chờ giá tăng
Trong cuộc họp cuối tuần qua, giới doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết giá lúa gạo nội địa đang cao hơn giá xuất khẩu nên giao dịch thương mại bị đóng băng. Thời điểm này, chỉ có đơn vị nào còn hợp đồng tập trung mới tổ chức thu mua, còn lại hầu như phải ngưng hoạt động. Một số thương lái, nhà máy xay xát và doanh nghiệp cung ứng gạo tư nhân cũng cho hay, doanh nghiệp xuất khẩu mua rất chậm. “Giá tăng quá cao, khách hàng không với tới nên công ty đành phải ngưng mua một thời gian chờ xem thị trường thế nào”, bà Tạ Thu Thuỷ, giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu Phương Thanh, Đồng Tháp cho biết.
Như vậy, yếu tố làm tăng giá lúa gạo chỉ còn nhu cầu tiêu thụ nội địa và những toan tính tích trữ chờ giá tăng kiếm lời. Giới thương lái cho biết họ mua lúa về sấy khô, trữ kho, chờ bạn hàng từ các tỉnh đặt mua gạo, khi nào giá cao mới xay bán. “Trong kho của tôi lúc nào cũng có vài trăm tấn lúa. Giá lúa tăng liên tục nên phải cân nhắc thời điểm xay gạo”, ông Gặp nói.
Ông Huỳnh Tín Dũng, giám đốc kinh doanh công ty TNHH Minh Cát, doanh nghiệp chuyên cung cấp gạo thơm tại thị trường TP.HCM nói rằng, công ty đang phải mua lúa kho dòng Tài Nguyên, Hương Lài với giá trên 10.000 đồng/kg. Tính ra giá thành gạo ra đến thị trường dao động từ 16.000 – 18.000 đồng/kg. “Nguồn lúa thơm không còn nhiều như trước, còn giá thì một tháng thay đổi mấy lần”, ông Dũng nói.
Theo Hoàng Bảy
SGTT