Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khoai tây “giả” đè chết khoai tây thật
11 | 11 | 2011
Chưa bao giờ khoai tây nhập từ Trung Quốc giá rẻ chỉ bằng một nửa khoai tây trồng tại Đà Lạt lại giả danh khoai tây Đà Lạt lại tràn lan trên thị trường như hiện nay. Điều đáng nói, loại khoai tây này đang được “núp bóng” với tên gọi khoai tây Đà Lạt để đánh lừa người tiêu dùng.

Động khoai tây “giả”

Cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 7 km, chợ nông sản Đà Lạt là đầu mối tập trung các loại rau, củ, quả… của địa phương để vận chuyển đi các nơi tiêu thụ. Nơi đây cũng là địa điểm tập kết của nhiều loại nông sản được nhập về Đà Lạt trước khi đến tay người tiêu dùng. Những năm qua, nơi này được xem là “động khoai tây giả”, vì hầu hết khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt đang được bày bán tràn trên thị trường hiện nay đều xuất phát từ đây.

Đến chợ nông sản Đà Lạt, điều đầu tiên trông thấy là những đống đất đỏ bazan được các tiểu thương phơi la liệt trên nền chợ. Khó ai có thể ngờ được đây lại chính là “nguyên liệu” đặc biệt để các tiểu thương biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt nhằm bán với giá cao kiếm lời.

Sau khi nhập khoai tây từ Trung Quốc về, công việc trước tiên của các tiểu thương là phải phân loại khoai (củ to, củ nhỏ), sau đó bơm nước rửa sạch phần đất cát còn bám trên củ, cọ sát thật mạnh để tạo ra những vết trầy cho thật giống như khoai tây Đà Lạt. Công việc tiếp theo là trộn đất đỏ ướt với khoai tây, chờ cho đất trên khoai tây đã khô, họ sẽ gỡ bỏ loại đất này khiến cho khoai tây Trung Quốc được bám một loại đất đỏ cao nguyên trông giống hệt như khoai tây được trồng tại Đà Lạt.

Tại chợ nông sản Đà Lạt hiện có gần chục quầy hàng đang “vận hành công nghệ” biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây mang thương hiệu Đà Lạt. Mọi việc diễn ra ngay ban ngày, hoàn toàn công khai. Sau khi hoàn thành các giai đoạn chế biến, phần lớn lượng khoai tây “giả” này được vận chuyển đi TP HCM tiêu thụ với tên gọi khoai tây Đà Lạt.

Bất lực

Hiện nay, khoai tây Trung Quốc được các thương lái nhập về với giá dao động từ 5.000 – 8.000 đồng/kg (chưa phân loại). Sau khi qua giai đoạn “gia công” bằng đất đỏ, khoai tây “giả” nghiễm nhiên được bán với giá cao tương đương hoặc thấp hơn không đáng kể so với khoai Đà Lạt.

Việc khoai tây Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, đánh cắp thương hiệu khoai tây Đà Lạt không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ tới người trồng khoai tây Đà Lạt.

Anh Lê Quốc Dũng, một nông dân thường xuyên trồng khoai tây tại phường 7, TP Đà Lạt than thở: “Mọi năm, cứ hết mùa thu hoạch khoai tây được hai, ba tháng là giá sẽ tăng mạnh do khan hiếm hàng. Năm nay, toàn bộ số khoai tây thu hoạch được gia đình tôi cho vào kho chờ hết vụ giá lên cao mới bán, vậy mà giá khoai càng ngày càng giảm, từ 12.000 đồng/kg giá bán tại vườn hồi chính vụ nay chỉ còn 10.000 đồng/kg nhưng gia đình tôi buộc phải bán vì khoai tây Trung Quốc đang dồn dập tràn vào nước ta với tên gọi khoai tây Đà Lạt”.

Ông Nguyễn Đình Dị, Chủ tịch Hội nông dân phường 8, TP Đà Lạt cho biết, khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt rất dễ phân biệt. Thông thường, khoai tây Trung Quốc được bán quanh năm, trong khi đó chính vụ của khoai tây Đà Lạt chỉ từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm.

Điều dễ nhận biết nhất là khoai tây Đà Lạt rất mỏng vỏ, chỉ cần cọ sát nhẹ trong lúc vận chuyển là vỏ bị tróc. Còn khoai tây Trung Quốc vỏ rất dày và dai, thậm chí dẫm lên những củ khoai này cũng không bị trầy xước vỏ nên củ trông rất đẹp. Cũng theo ông Dị, khoai tây Đà Lạt dù bảo quản có tốt tới đâu, thậm chí là dùng thuốc bảo quản nhưng cũng chỉ để được 3 – 4 tháng là nảy mầm hoặc thối. Trrong khi đó, khoai tây Trung Quốc có thể để tới 1 – 2 năm nhưng không bị nảy mầm hoặc hư hỏng.

Điều đáng nói là tình trạng khoai tây nhập từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam ngang nhiên ăn cắp thương hiệu khoai tây Đà Lạt đã xảy ra từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương cũng biết rất rõ vấn đề này nhưng vẫn không đưa ra được biện pháp khả thi để bảo vệ thương hiện khoai tây Đà Lạt và người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Cứ, Phó phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết: “Khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các đầu mối chuyên kinh doanh khoai tây tại Đà Lạt thì các cơ sơ này vẫn trình đầy đủ giấy tờ chứng minh xuất xứ nguồn gốc, hóa đơn mua bán từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đưa thị trường tiêu thụ, các đầu mối kinh doanh khoai tây Trung Quốc vẫn đánh lừa người tiêu dùng bằng cách giới thiệu là khoai tây Đà Lạt. Với hình thức này chúng tôi rất khó phát hiện vi phạm để xứ lý”.

Vậy là hằng ngày, người tiêu dùng Việt Nam vẫn ăn phải khoai tây Đà Lạt “giả” với giá cao mà không hề hay biết đó là khoai tây nước ngoài có giá thực rất thấp so với khoai tây Đà Lạt.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường