Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp: “Chúng ta chưa có một chính sách về bảo hiểm cho người lao động nông nghiệp nông thôn và chính sách đào tạo cũng chưa có, nên việc bảo họ sẵn sàng bỏ ruộng để tham gia vào các doanh nghiệp là rất khó. Bởi phần lớn hiện nay, họ đều đang chạy vào thị trường lao động phi chính thức, không có bảo hiểm và tiền lương không rõ rang, chưa nói tới chuyện con cái đi học thế nào, nhà cửa ở đâu. Nên họ vẫn phải giữ mảnh đất ở nông thôn mặc dù nó không sinh lợi cao. Đấy cũng chính là cơ chế bảo hiểm mà người nông dân nghĩ đến, khi có bất ổn thì họ sẽ quay về với mảnh ruộng đó.”
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp: “Thứ nhất, là phải tạo ra một khu vực bao gồm cả dịch vụ và công nghiệp ở vùng nông thôn mà có thể tận dựng được nhiều các tư liệu sản xuất sẵn có tại vùng đó, hợp với tay nghề và khả năng của người nông dân. Thứ hai, phải hoàn thiện lại hệ thống đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của thị trường. Thứ ba, tạo được những cú hích lớn như cơ sở hạ tầng, tín dụng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.”
Theo nghiên cứu về đất của Viện Chính sách và Chiến lược NNPTNT cũng chỉ ra rằng: Trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp đang là chủ trương lớn của Nhà nước và ngành nông nghiệp như hiện nay thì tích tụ ruộng đất phải được xem là vấn đề nền tảng của tái cơ cấu nông nghiệp, bởi mục tiêu của tái cơ câu nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng, hướng tới sản phẩm đồng đều, hướng tới công nghệ mới cho sản phẩm nông nghiệp. Để làm được những vấn đề này, đòi hỏi phải bố trí lại ruộng đất để tạo ra vùng chuyên canh và cơ sở hạ tầng dịch vụ.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu quốc gia nào xử lý được vấn đề tích tụ ruộng đất thì sẽ tiến hành công nghiệp hóa thành công, còn không xử lý được thì sẽ rơi vào bẫy sản xuất nhỏ và nông dân còn lâu mới với tới được mức thu nhập trung bình.
Agroinfo - TTXVN