Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiềm năng lớn của cây ca cao Việt Nam
12 | 12 | 2011
Theo Ban điều phối phát triển ca cao Việt Nam (VCC), nước ta hiện có khoảng 20.500ha ca cao, trong đó gần 7.000ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 4.800 tấn/năm. Có 15 tỉnh trồng ca cao, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ. Trên thị trường thế giới nguồn nguyên liệu ca cao đang trở nên khan hiếm do những bất ổn ở các nước sản xuất ca cao hàng đầu như Bờ Biển Ngà, Ghana, Indonesia… Sản lượng ca cao của các quốc gia này giảm từ 20-40% trong vòng 2 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Vĩnh Thành, chuyên gia phân tích về ca cao của Tập đoàn Cargill tại Hà Lan cho biết, từ niên vụ 2006-2007 tới nay, giá ca cao luôn có xu hướng đi lên. Chính vì thế, những nhà chế biến ca cao sẽ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung, đây là cơ hội cho Việt Nam mở rộng diện tích và tăng sản lượng ca cao.
Theo ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ca cao Việt Nam (VinaCacao), nước ta có khoảng 50% trẻ em thiếu dinh dưỡng, nếu sử dụng ca cao có thể cải thiện được tỷ lệ này. Ca cao rất cần cho người già và trẻ em, vì có chứa serotonin là chất dẫn truyền hệ thần kinh, giảm căng thẳng, chống trầm cảm, mệt mỏi kinh niên... Mỗi năm Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn ca cao, bằng nửa sản lượng thế giới. Người Thụy Sỹ tiêu thụ khoảng 14kg cacao/ người vì ca cao không những tốt cho sức khỏe mà còn không gây tăng cân. "Hiện, ngành ca cao Việt Nam mới chỉ phổ thông hóa chủng loại, sản phẩm. Hầu hết các loại bánh kẹo trong nước đều sử dụng nguồn ca cao chất lượng thấp, nhập từ Trung Quốc để chế biến. Vì thế, nếu đẩy mạnh được công nghệ chế biến hạt ca cao nội địa thì sẽ tiết kiệm được chi phí đầu vào", ông Liêng nói.
Theo Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước, Phó trưởng ban VCC, do là loại cây trồng mới nên người dân ở các địa phương tỏ ra khá lúng túng trong khâu kỹ thuật chăm sóc ca cao để đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, hầu hết các dự án đầu tư phát triển cây ca cao của Nhà nước cũng như các tổ chức nước ngoài mới chỉ dừng lại ở thời kỳ kỹ thuật cơ bản, nghĩa là người dân trồng ca cao hiện nay mới chỉ được khuyến khích mở rộng diện tích và hướng dẫn một số kỹ thuật canh tác trong thời kỳ đầu. Khi dự án kết thúc, người trồng phải tự "bơi".
Về vấn đề này, ông Đinh Hải Lâm, Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển nông nghiệp quốc tế (ACDI/VOCA, Hoa Kỳ), việc trồng ca cao ở nước ta chỉ mới thực sự bắt đầu được gần 10 năm trở lại đây, những địa phương trồng sớm nhất cũng mới thu hoạch được 5-6 vụ, vì thế hầu hết các khâu kỹ thuật cũng như việc xây dựng quy trình đầu tư phát triển lâu dài đối với cây ca cao bắt buộc phải vừa làm vừa học.
Vấn đề đặt ra chính là sự phối hợp giữa các tổ chức phát triển ca cao với các địa phương có trồng ca cao. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chương trình phát triển cây ca cao với quy mô lớn. Vì vậy, để cây ca cao trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, cần có chính sách hỗ trợ phát triển, giúp nông dân nguồn giống, vốn và kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế...
Theo VCC, từ năm 2005 đến năm 2010, diện tích cacao cả nước tăng thêm 12.455ha (gần 2.500 ha/năm), năng suất bình quân ở mức 3,5 tạ/ha và có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng trồng. Như vậy, diện tích trồng ca cao tại Việt Nam đã được mở rộng 4 lần trong giai đoạn 2005-2010, trong khi đó sản lượng cacao tăng hơn 70 lần. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích ca cao cả nước đạt khoảng 60.000 ha, trong đó 35.000ha kinh doanh, cho sản lượng hạt khô 52.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 50-60 triệu USD.
Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ca cao, loại cây có tiềm năng kinh tế và có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc đầu tư trồng cây công nghiệp này chưa được coi trọng, rất cần có những chính sách mang tính đột phá.
Tổng hợp
 


Báo cáo phân tích thị trường