Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguyên nhân nào khiến giá phân bón tăng?
17 | 01 | 2012
Giá phân bón năm 2011 tăng nóng là vấn đề được thảo luận sôi nổi trên nhiều mặt báo trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, diễn biến này vẫn nằm trong xu hướng nhiều năm trở lại đây. Bình quân cả năm, giá đạm Phú Mỹ bán lẻ tăng 40%, SA 36%, DAP tăng 37,5%, NPK phi tăng 29% so với mức giá trung bình năm 2010.

Giá phân bón năm 2011 tăng nóng là vấn đề được thảo luận sôi nổi trên nhiều mặt báo trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, diễn biến này vẫn nằm trong xu hướng nhiều năm trở lại đây. Bình quân cả năm, giá đạm Phú Mỹ bán lẻ tăng 40%, SA 36%, DAP tăng 37,5%, NPK phi tăng 29% so với mức giá trung bình năm 2010.

So sánh giá urê Phú Mỹ bán lẻ, urê nhập khẩu bình quân bán lẻ bình quân và giá đạm Phú Mỹ tại cổng nhà máy - Nguồn: Agrodata

Đầu vào tăng chăng?

Lý giải cho việc này, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước (chiếm 50% thị phần) cho rằng nguyên nhân chính là giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh (giá điện, giá than, giá khí....). Tuy nhiên, trên thực tế ngành sản xuất phân bón là ngành được hỗ trợ rất mạnh; giá nguyên liệu đầu vào cơ bản được duy trì ổn định và tăng có lộ trình; mức hỗ trợ giá nguyên liệu đầu vào cao.

Thông tin của Cục Quản lý giá cho thấy, giá thành sản xuất phân bón trong nước thấp hơn giá vốn nhập khẩu tới 57% với urê sản xuất bằng khí, và 23% với urê sản xuất bằng than.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết tại hội nghị ngành phân bón tổ chức ở TPHCM ngày 13-12, do đặc thù gắn với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo nên phân bón được Nhà nước bao cấp giá nguyên liệu đầu vào quan trọng.

Theo Cục Quản lý giá, nếu tính đủ giá than bán cho sản xuất phân bón tính theo nguyên tắc của Chính phủ “giá bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước (trừ bán cho điện) thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10%”, thì giá than cục bán cho sản xuất phân lân phải tăng 82% và than cục cho sản xuất phân đạm phải tăng 54% so với giá Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đang bán cho các nhà sản xuất phân bón.

Cũng theo Cục Quản lý giá, giá vốn phân nhập khẩu vào khoảng 10.277 đồng/kg. Trong khi giá vốn phân đạm urê trong nước, dùng sản xuất khí (chưa có thuế) là 4.348 đồng/kg, thấp hơn giá vốn nhập khẩu đến 57%. Còn đạm dùng than là 7.860 đồng/kg, thấp hơn giá vốn nhập khẩu là 23,5%.

Phân sản xuất trong nước luôn cao hơn nhập khẩu

Trong khi đó theo tính toán sơ bộ của Viện Chính sách và chiến lược Nông nghiệp phát triển nông thôn, giá khí đốt (chiếm 73% tổng chi phí sản xuất) của đạm Phú Mỹ năm 2011 tăng 33% còn mức tăng giá bán tại cổng nhà máy là 106%.

Như vậy, không thể đổ lỗi cho chi phí sản xuất là nguyên nhân của các đợt tăng giá này. Cũng không thể đổ lỗi cho biến động về lãi suất hay tỷ giá ngoại tệ, bởi các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón (chiếm 50% thị trường urê) cũng hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô tương tự với ít ưu đãi hơn.

Mặt khác, giá phân bón nhập khẩu, hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến giá trên thị trường quốc tế, trong những năm qua cũng có xu hướng tăng, nhưng tại thị trường trong nước lại có giá bán lẻ thấp hơn so với phân bón sản xuất nội địa.

Giá urê Phú Mỹ bán lẻ trung bình năm 2011 là 10.035 đồng/kg so với giá urê nhập khẩu các loại bình quân là 9.665 đồng/kg. Mức giá tương ứng năm 2010 là 7.172 đồng/kg so với 6.760 đồng/kg.

Giá thành thấp hơn; được đảm bảo ổn định giá nguyên liệu đầu vào trong suốt năm tài khóa; chi phí tăng nhẹ nhưng giá bán tại cổng nhà máy tăng gấp nhiều lần; giá phân bón nội địa bán lẻ tăng liên tục theo xu hướng giá phân bón nhập khẩu, thậm chí có giá bán lẻ cao hơn.

Những phân tích này cho thấy nhà sản xuất phân bón nội địa đang được hưởng lợi rất lớn từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong mục tiêu là nhằm đưa phân bón giá rẻ tới tay người nông dân.

Mặt khác, các nhà sản xuất phân bón nội địa đang đổ lỗi cho hệ thống phân phối về việc giá phân bón bán lẻ tăng mạnh trong những năm qua.

Tuy nhiên, năm 2009 và nửa đầu năm 2010, giá bán lẻ của đạm Phú Mỹ duy trì một khoảng chênh lệch tương đối ổn định với giá tại cổng nhà máy ở mức dưới 1.000 đồng/kg. Kể từ quí 4/2010, giá bán tại cổng nhà máy có bước tăng mạnh và duy trì tăng dần theo tháng cho tới hết quí 3/2011. Giá bán lẻ cũng tăng tương ứng, nhưng biên độ chênh lệch giữa giá tại cổng nhà máy và giá bán lẻ đã nới rộng lên mức 1800-2000 đồng/kg.

Như vậy, với trường hợp của đạm Phú Mỹ có thể thấy chênh lệch giữa giá cổng nhà máy và giá bán lẻ chỉ nới rộng dần từ quí 4/2010 đến nay. Và cả hệ thống phân phối gồm 4 cấp chia nhau mức chênh lệch vào khoảng 2.000 đồng/kg trong khi chênh lệch giữa giá vốn hàng bán và giá cổng nhà máy của đạm Phú Mỹ trong năm 2011 theo ước tính của chúng tôi vào khoảng 3.500-4000 đồng/kg.

Chỉ làm phép so sánh đơn giản cũng có thể thấy lợi nhuận lớn nhất rơi vào khâu nào, và nguyên nhân tăng giá đến từ khâu nào trong ngành sản xuất và phân phối phân bón. Và do đó, triển vọng ổn định giá trên thị trường phân bón trong thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào động thái của các nhà sản xuất phân bón nội địa.

Cũng như nhiều ngành hàng khác, hệ thống phân phối phân bón có 4 cấp từ công ty phân phối, qua hai cấp đại lý tới cửa hàng bán lẻ. Đạm Phú Mỹ còn có kênh phân phối riêng qua các cửa hàng giới thiệu sản phẩm và bán trực tiếp qua các Phòng nông nghiệp địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp địa phương… Mức chênh lệch 2.000 đồng/kg này được phân chia cho cả 4 cấp đại lý, trong đó đã bao gồm cả chi phí vận chuyển, công bốc xếp, kho bãi….

----------------------------------

* Viện Chính sách và chiến lược Nông nghiệp phát triển nông thôn



Trương Hồng Kim/IPSARD
Báo cáo phân tích thị trường