Kinh tế thế giới biến động ngày một phức tạp. Cùng với suy thoái kinh tế kéo dài từ năm 2008 đến nay thì giá lương thực vẫn không ngừng tăng cao. Trong năm qua, thế giới chứng kiến đỉnh cao mới về giá nông sản. Dân số thế giới đã lên tới con số 7 tỷ người, trong đó vẫn còn 1 tỷ người không được tiếp cận đầy đủ với lương thực và cân đối dinh dưỡng. Nhu cầu về lương thực ngày một tăng cùng với tăng trưởng thu nhập và đô thị hóa mạnh mẽ, trong khi nguồn cung lại bị đe dọa do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, phát triển nhiên liệu sinh học. Đất nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc vừa có ngưỡng dân số đô thị vượt qua dân số nông thôn. Học giả hàng đầu về kinh tế nông nghiệp – Giáo sư Peter Timmer đã nhận định trong vòng 50 năm tới nông nghiệp sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và hơn nữa đây là cơ hội cho các luồng đầu tư. Chính vì thế, suy thoái kinh tế thế giới đã kéo theo sự quan tâm ngày một mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với khu vực nông nghiệp (kể cả đầu cơ đối với sàn giao dịch nông sản). Đây là một cơ hội hiếm có cho tăng trưởng nông nghiệp nhưng cũng đặt ra hàng loạt thách thức do biến động giá cả nông sản trên thị trường quốc tế. Để vượt qua những thách thức đó cần những nỗ lực đột phá về phát triển nông nghiệp trên quy mô toàn thế giới.
Kinh tế Việt Nam trong năm qua tăng trưởng chậm lại với nhiều bất ổn, lạm phát cao, khả năng thanh khoản kém của hệ thống ngân hàng, cán cân thương mại thâm hụt, nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Nông nghiệp được coi như cứu cánh của cả nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 4%, tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD (chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu cả nước) và là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng đạt 18 tỷ USD năm 2011. Diến đàn Kinh tế Thế giới Davos tháng 1/2012 đánh giá cao thành tựu phát triển nông nghiệp của Việt Nam và coi đây là điển hình về phát triển nông nghiệp tại các nước đang phát triển. Tăng trưởng trong sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn là yếu tố hết sức quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Nền nông nghiệp Việt Nam đã từ giai đoạn phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu hướng tới việc nâng cao hiệu quả, chất lượng và tăng trưởng bền vững.
Trong bối cảnh đó, công tác phân tích và dự báo thị trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Rất nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản…thường xuyên vấp phải tình trạng được mùa mất giá, nông dân chạy theo tín hiệu thị trường ngắn hạn gây lãng phí lớn cho xã hội. Các nhà đầu tư cũng gặp phải nhiều khó khăn khi tiến hành đầu tư vào các vùng chuyên canh và chế biến nông sản lớn. Nếu công tác dự báo thị trường nông sản không được cải thiện, không chỉ ngành nông nghiệp Việt Nam mà cả sự phát triển bền vững của xã hội cũng bị ảnh hưởng sâu sắc.
Trước thực trạng này, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), đã đẩy mạnh nghiên cứu về các ngành hàng cả trong và ngoài nước. Kể từ năm 2007, IPSARD đã tổ chức Hội thảo thường niên về Dự báo triển vọng thị trường ngành hàng cà phê và một số ngành hàng khác. Năm 2012, IPSARD phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức Hội thảo triển vọng thị trường Nông nghiệp Việt Nam, tập trung vào các ngành hàng quan trọng như: gạo, chăn nuôi, thủy sản, cà phê và ca cao. Trong đó, gạo và chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia và tạo sinh kế cho hàng triệu người dân. Ngành thủy sản và cà phê hiện đóng vai trò đầu tàu trong xuất khẩu nông lâm thủy sản nói riêng và xuất khẩu của cả nước nói chung. Hội thảo cũng xem xét những điểm sáng trong ngành nông nghiệp và đúc kết các bài học kinh nghiệm thành công trong tổ chức ngành hàng: mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết công tư, nối kết người sản xuất với chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường nông sản trong nước….
Chuyên gia của các tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Nông Lương LHQ, Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ủy ban Nghiên cứu Kinh tế Nông nghiệp và Nguồn lực Úc, Viện Nghiên cứu Chinh sách Lương thực Quốc tế, Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế, Đại học Berkeley, Đại học Copenhaghen, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, Đại học Quốc gia, Đại học Cần Thơ, các cơ quan hoạch định chính sách, hiệp hội liên quan…) sẽ trình bày các thông tin, dự báo cung cầu, giá cả cũng như các chủ trương chính sách mới cho phát triển các ngành hàng nông sản trọng điểm. Hội thảo sẽ là điểm gặp gỡ lý tưởng cho các đơn vị/cá nhân (các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý, các cơ quan nghiên cứu chính sách, hiệp hội ngành hàng, đại diện của nông dân, đại diện các tổ chức quốc tế, và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản) trao đổi thông tin và thảo luận các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.
Hội thảo tổ chức vào ngày 6- 7/3/2012
Địa điểm: Khách sạn Hà Nội Sofitel Plaza - Số 1, đường Thanh Niên, Q. Ba Đình, Hà Nội
IPSARD trân trọng thông báo!