“Bí” thị trường gạo cấp thấp - đang là tình trạng chung của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta. Bài học trồng lúa chất lượng thấp nhưng thị trường không có nhu cầu “thấp” sẽ tiếp diễn như năm 2008 khi mà lượng tồn đọng gạo IR 50404 quá lớn, nông dân không bán ra được và lâm vào cảnh khó khăn.
Mặc dù Bộ NN&PTNT, VFA đã khuyến cáo hạn chế trồng nhưng diện tích trồng giống lúa này vẫn tăng mạnh. Sản lượng quá lớn nên việc tiêu thụ lúa IR 50404 đang đứng trước hai kịch bản, một xấu và một rất xấu.
Kịch bản xấu là lúa IR 50404 trong vụ đông xuân sẽ rất khó tiêu thụ nhưng có thể nhờ vậy mà nông dân sẽ giảm trồng giống này trong những vụ tiếp theo. Còn kịch bản rất xấu là nếu trong vụ đông xuân lúa IR 50404 vẫn tiêu thụ được thì sẽ có một diện tích lớn IR 50404 tiếp tục được gieo sạ trong vụ hè thu này. Khi ấy sự nguy hiểm còn cao hơn nhiều bởi chất lượng lúa IR 50404 trong vụ hè thu cực thấp, thấp hơn nhiều so với chính giống lúa này trồng trong vụ đông xuân.
Năm 2008, IR 50404 đã từng là bài học “xương máu” cho nông dân và ngành nông nghiệp trong ĐBSCL. Trong đó, cần phải nhìn lại trách nhiệm, vai trò của ngành nông nghiệp trong việc chuyển giao, hỗ trợ nông dân sản xuất các giống lúa chất lượng cao, cung ứng xuất khẩu. Việc tuyên truyền kèm theo hướng dẫn, hỗ trợ các giống lúa chất lượng cao cho nông dân trong vụ sản xuất đông xuân tới đây là rất cần thiết để tránh thiệt hại.
Mới đây, Viện Lúa ĐBSCL cho biết đang nghiên cứu giống lúa thay thế giống IR 50404 - nguyên liệu chính làm ra loại gạo cấp thấp đang dần “mất giá” trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để tạo ra giống lúa vừa có chất lượng tốt hơn IR 50404, có năng suất cao, vừa có thể cạnh tranh về giá thì quả thật rất khó!
Sức mạnh giá rẻ từ các nước xuất khẩu gạo cấp thấp mới nổi như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar đã “cướp” đi các thị trường truyền thống ở châu Phi, châu Á - nơi chiếm trên 50% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam hằng năm. Theo VFA, giải pháp cứu cánh cho loại gạo cấp thấp của nước ta lúc này là đợi tín hiệu khả quan từ thị trường lớn Trung Quốc và tiếp tục đàm phán giữ “mối ruột” Philippines thì mới có thể khai thông xuất khẩu.