Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế thế giới 2006 và dự báo 2007
09 | 10 | 2007
Năm 2006 qua đi với những biến động lớn về kinh tế, đặc biệt là giá hàng hoá tăng cao kỷ lục gây tác động tới kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng và những bất ổn địa chính trị. Dự báo tình hình năm 2007 sẽ vẫn còn nhiều biến động.
Giá dầu, vàng và nhiều hàng hoá khác tăng kỷ lục trong những tháng đầu năm, giảm vào cuối năm:
           Giá dầu thô tăng tới mức cao kỷ lục trên thị trường thế giới, gần 80 USD/thùng vào giữa tháng 7/2006 đã đẩy giá hàng hoá các loại đồng loạt lên mức kỷ lục cao của hơn 20 năm nay trên thị trường thế giới, đặc biệt là vàng và các kim loại khác. Giá vàng thế giới vượt 660 USD/ounce, mức cao nhất của 25 năm nay. Nguyên nhân giá dầu tăng do bạo loạn tại Nigeria, khủng hoảng hạt nhân tại Iran và tình hình địa chính trị căng thẳng tại nhiều khu vực khác trên thế giới. Giá dầu đã tăng gấp ba lần trong vòng bốn năm qua, đang làm tăng chi phí của các nhà máy, các hãng hàng không và các nhà máy ô tô. Tình trạng giá cả như vậy đã gây nguy cơ làm đảo lộn nền kinh tế thế giới vì nó sẽ tạo ra những mất cân đối trầm trọng cho kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Mỹ. Thâm hụt của Mỹ tăng buộc Mỹ phải tiếp tục tăng tỷ lệ lãi suất hơn nữa, đẩy tăng lãi suất trên toàn cầu. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa năm 2006, giá đồng loạt giảm. Giá dầu thô giảm mạnh khiến Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phải cắt giảm sản lượng để vực giá lên. Các nước xuất khẩu cao su thế giới cũng có giải pháp tương tự. Giá dầu tăng cao hay giảm thấp sẽ đều tác động xấu tới một số lớn quốc gia trên thế giới. Nhìn chung, ảnh hưởng của giá dầu cao khả năng sẽ lớn hơn nhiều so với giá dầu thấp, vì dầu mỏ tác động tới mọi mặt kinh tế toàn cầu, nên giá quá cao có thể gây giảm nhu cầu tiêu thụ hầu hết các loại hàng hoá, không những thế, nó còn làm cho thị trường tài chính - tiền tệ trở nên bất an, trì trệ. Xong khi giá dầu giảm quá thấp, các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ sẽ mất nguồn thu quan trọng, và nền kinh tế của họ sẽ lao đao.
            Đôla Mỹ giảm giá:
           Năm 2006 có lẽ là năm có nhiều biến động xấu trong lịch sử của đồng đôla. Vào những ngày cuối năm, thị trường tài chính thế giới liên tục xôn xao về việc đồng đôla giảm giá so với hầu hết các đồng tiền khác. Đặc biệt, đôla đã giảm giá kỷ lục so với euro trong vòng 20 tháng qua và so với bảng Anh trong vòng 14 năm qua. Nguyên nhân do thâm hụt kép của Mỹ; các tổ chức quốc tế liên tục điều chỉnh giảm mức dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2006 và 2007; và nhiều quốc gia tăng cường chuyển hóa kho dự trữ ngoại hối của mình từ đồng đôla và trái phiếu Chính phủ Mỹ sang các tài sản khác.
              Thị trường chứng khoán châu Á biến động mạnh:
              Trong số 10 sàn giao dịch chứng khoán thế giới tăng trưởng  mạnh nhất năm qua, châu Á chiếm lĩnh 4: Chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam tăng 150%, chỉ số Thượng Hải - Thâm Quyến 300 của Trung Quốc tăng 109%, chỉ số chứng khoán doanh nghiệp Trung Quốc của Hồng Kông tăng 68% và chỉ số tổng quát sàn Jakarta của Indonesia tăng 67%. Sự hồi phục của đại bộ phận thị trường chứng khoán Á châu phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, lợi thế dân số trẻ, quá trình đô thị hoá thuận lợi, vị thế ngày càng quan trọng của giới tiêu dùng bình dân và các doanh nghiệp. Không những thế, nó còn cho thấy khả năng hồi sinh kinh ngạc của châu Á trước cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra cách đây không lâu.
                 Nhân dân tệ tăng giá:
               Đồng NDT đã tăng khá mạnh trong năm qua. Đúng 12 tháng sau khi được định giá lại – tăng 2,1% so với USD, đồng NDT đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, gần 8 NDT/USD, tăng 1,4% so với một năm trước đây. Mặc dù tốc độ tăng đó không nhiều, song nó báo hiệu một sự thay đổi mới trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Hiện tại, biên độ giao dịch của đồng NDT vẫn bị hạn chế ở mức 0,3%. Mỹ và các nước phương Tây vẫn thúc giục Trung Quốc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ của mình.
            Lam phát/Lãi suất tăng:
            Giá hàng hoá tăng mạnh và lạm phát đã trở thành nỗi lo của nhiều chính phủ. Bắt đầu từ 2005, xu hướng tăng lãi suất dấy lên trên toàn cầu. Các Ngân hàng Trung ương của Mỹ, châu Âu và châu Á đã phải nâng lãi suất trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển nóng và giá năng lượng tăng dẫn tới việc các công ty phải tăng giá bán các loại hàng hóa. Việc tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ gây rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 17 lần tăng lãi suất liên tiếp, từ mức thấp kỷ lục hiện lên đến 5,25%. Nhật bản cũng thông báo chấm dứt thời kỳ lãi suất gần 0% khi thấy tình trạng giảm phát ở nước này đến hồi kết. Lãi suất là công cụ của các ngân hàng Trung ương trong bối cảnh kinh tế riêng của mỗi quốc gia. Việc lãi suất tăng làm gia tăng lạm phát trên toàn cầu.
 Mất cân đối toàn cầu:
Sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu đang gia tăng, gây tác động bất lợi. Đó là sự tăng tốc thặng dư thương mại của Trung Quốc, thâm hụt thương mại của Mỹ, và những bế tắc trong vòng đàm phán Đôha. Nếu những vấn đề này không được sớm giải quyết, ảnh hưởng của nó sẽ không thể lường trước được.
            Cúm gia cầm:
            Dịch cúm gia cầm đã lan rộng sang khu vực châu Âu và nhiều nơi khác trong những tháng đầu năm, gây ảnh hưởng tới không chỉ ngành gia cầm mà nhiều ngành kinh tế khác. Tiêu thụ thịt gà thế giới giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2006.
           Tăng trưởng kinh tế: 
             Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế của 30 nước thành viên OECD tăng 3,2% trong năm 2006 và sẽ tăng 2,5% trong năm 2007, sau khi tăng 2,8% trong năm 2005. Những mất cân đối tài khoản vãng lai trên toàn cầu vẫn còn rất lớn, và có thể sẽ dẫn tới giảm mạnh giá trị đồng Đôla Mỹ, và chính điều đó có thể sẽ tác động trở lại làm tăng tỷ lệ lãi suất và giảm mạnh giá nhà đất trên toàn cầu. Năm 2006, giá nhà đất ở Mỹ và một số nước khác như Đan Mạch, Pháp và Tây Ban Nha cao “bất thường”. Dự báo khi giá nhà đất giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của những quốc này cũng giảm xuống.
              Kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,3% năm 2006 và sẽ tăng 2,4% năm tới.  OECD cho rằng tăng trưởng chậm lại ở Mỹ sẽ không có ảnh hưởng lớn tới những nơi khác. Với nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, OECD dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì tỷ lệ lãi suất ở 5,27% trong năm 2007 trước khi giảm xuống 4,75% voà năm 2008 khi áp lực lạm phát giảm xuống.  OECD dự báo thị trường nhà đất Mỹ chậm lại sẽ giúp hạn chế chi phí tiêu dùng và góp phần thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai hiện đang rất cao. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – Nhật Bản, tăng trưởng 2,8% trong năm 2006 và dự báo sẽ tăng 2,2% trong năm 2007. Dự kiến Ngân hàng Nhật Bản sẽ duy trì tỷ lệ lãi suất 0,25% cho tới quý III/2007, sau đó sẽ tăng dần tới 1% vào cuối 2008. Kinh tế khu vực đồng Euro năm 2006 tăng trưởng 2,6% và dự báo sẽ tăng 2,2% trong năm 2007. Dự báo Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tăng tỷ lệ lãi suất lên 3,75% vào giữa 2007 so với 3,5% hiện nay, và sẽ lên 4% vào năm 2008. Khu vực này sẽ có tăng trưởng ổn định và lạm phát vừa phải, mặc dù Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - được dự báo sẽ gia tăng lạm phát do tăng thuế bán lẻ và thuế VAT kể từ ngày 1/1/2007.
              Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á, trừ Nhật Bản, chậm lại trong năm 2006, xuống 7,2%, so với 7,4% năm 2005, do tỷ lệ lãi suất tăng và giá dầu mỏ cải ảnh hưởng đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế. Sang năm 2007, kinh tế châu Á sẽ tiếp tục tăng chậm lại, chỉ đạt 7%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này cũng rất đáng hài lòng, xuất phát từ sự hồi phục kinh tế của các nước công nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu của châu Á tăng lên. Mậu dịch hàng hóa toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng với tốc độ trung bình cao nhất trong lịch sử, sau khi đã tăng mạnh trong năm 2005. Kinh tế Trung Quốc năm 2006 tăng chậm lại, đạt 9,5% trong năm nay và dự báo tiếp tục giảm xuống 8,8% trong năm 2007, sau khi tăng 9,9% năm 2005. Trong khi đó, GDP của Hàn Quốc tăng 5,1% trong năm nay trong bối cảnh tiêu thụ tiếp tục hồi phục và đầu tư mạnh dần lên. Tính chung, kinh tế Đông Á năm 2006 tăng trưởng ở mức 7,7%, bằng tốc độ tăng của năm 2004. GDP của Ấn Độ tăng 7,6% trong tài khoá 2006 và dự báo sẽ đạt 7,8% trong tài khoá 2007, thấp hơn so với mức 8,1% của năm 2005. Kinh tế các nước Đông Nam Á vẫn tăng với tốc độ tương tự như năm 2005, 5,5%, sau đó tăng lên 5,7% vào năm 2007. Lạm phát ở khu vực này tăng tới 7,3% trong năm 2006, so với 6,3% năm ngoái. Là khu vực xuất khẩu ròng dầu mỏ, Trung Á sẽ tiếp tục hưởng lợi từ giá dầu tăng, kích thích kinh tế tăng trưởng 10,3% trong năm 2006. Giá dầu mỏ cao cũng giúp Thái Bình Dương tăng trưởng đạt 2,9% trong năm 2006 so với 2,7% năm ngoái.
            ADB dự báo triển vọng tăng trưởng của toàn khu vực nhìn chung đều thuận lợi nhờ các điều kiện địa lý và dân số, và tin chắc rằng các nền kinh tế ngoài Trung Quốc sẽ tăng đầu tư để duy trì hoặc tăng tốc độ tăng trưởng.
          Triển vọng năm 2007:
           Triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2007, là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng khá, nhờ các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng trưởng manh, kinh tế Liên minh châu Âu thoát khỏi tình trạng tăng trưởng ảm đạm, kinh tế Nhật Bản vượt qua giai đoạn suy thoái, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại. Trung Quốc sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trên toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số. Kinh tế Ấn Độ sẽ tăng tốc, theo sát Trung Quốc. Kinh tế khu vực Mỹ Latinh sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng do kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, nhờ môi trường kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, tại Brazil, nền kinh tế chiếm đến 40% tổng thu nhập của khu vực Mỹ Latin, tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn ở mức khiêm tốn 3,5% bởi sự ảnh hưởng của Chính phủ đối với nền kinh tế vẫn còn quá lớn. Còn tại châu Phi, Các vấn đề chính trị ở nhiều quốc gia tại khu vực này vẫn nan giải, trong khi kinh tế tăng trưởng chậm chạp.
           Những rủi ro tiềm ẩn:
           Ngoài những vấn đề như khủng bố hay bạo lực ở nhiều điểm nóng trên thế giới, có thể kể đến một số yếu tố sẽ có tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế thế giới không chỉ năm 2007 mà còn những năm tiếp theo đó. Đó là dịch cúm gia cầm, sự mất cân đối kinh tế toàn cầu, giá dầu tăng cao và lãi suất tăng. Dịch cúm gia cầm sẽ là nhân tố bất ổn lớn tác động tới sự tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, trong đó khu vực dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Ước tính, dịch cúm gia cầm có thể làm khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị thiệt hại khoảng 100-300 tỷ USD, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế khu vực trong một năm và có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái đầu tiên kể từ năm 1982. Ngoài ra, sự mất cân đối thanh toán toàn cầu cũng có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới.


Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường