Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hỗ trợ lãi suất cứu ngành chăn nuôi
25 | 06 | 2012
Theo ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong nước từ đầu năm đến nay đạt khoảng 2,6 triệu tấn. Trong đó, thịt lợn và thịt gia cầm chiếm hơn 90%. Mặc dù đến thời điểm này ngành chăn nuôi vẫn cung cấp đủ hàng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, song có rất nhiều lý do khiến các hộ chăn nuôi, các chủ trang trại quyết định giảm đàn thậm chí ngừng sản xuất vì càng nuôi càng thua lỗ.

Theo Bộ NN&PTNN, hiện ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do giá sản phẩm liên tục sụt giảm và giảm mạnh từ giữa tháng 3 đến nay. Trong đó, ba nhóm giảm nhiều nhất là thịt lợn, thịt và trứng gia cầm: thịt lợn hơi giảm từ 17 đến 20%, thịt gia cầm từ 12 đến 26% và trứng gia cầm giảm từ 38 đến 45%. Nếu tình trạng trên không được khắc phục, thì rất nhiều cơ sở chăn nuôi sẽ phá sản, cả nước sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu thực phẩm và càng phải phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm từ bên ngoài.


Một giải pháp được cho là hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện tại đã được Bộ đưa ra đó là gói "giải pháp cứu trợ” ngành chăn nuôi thông qua hỗ trợ lãi suất. Qua điều tra của ngành Nông nghiệp cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3.000 trang trại trong tổng số 9.000 trang trại lớn đang rất cần vay vốn để đáo nợ, giãn nợ cho các khoản vay cũ và tiếp tục đầu tư sản xuất. Vì vậy, để gỡ khó về tín dụng cho các hộ chăn nuôi, Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng cho các trang trại chăn nuôi. Ngoài ra, cần linh động cho phép các doanh nghiệp, trang trại, các hợp tác xã dịch vụ trong lĩnh vực chăn nuôi (không phân biệt vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn) được hưởng chính sách theo quy định của Nghị định số 61/2010/NÐ-CP về việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ðồng thời áp dụng chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi; kiểm tra, kiểm soát thị trường lưu thông phân phối, có biện pháp chống ép giá bán đối với người chăn nuôi và thực hiện chính sách kích cầu một số mặt hàng thực phẩm chính, trong đó có thịt lợn, thịt và trứng gia cầm...


Để khắc phục khó khăn của ngành chăn nuôi, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến ngay trong tuần này nắm rõ những khó khăn về giá cả, tiêu thụ cũng như tìm ra những chính sách hữu hiệu để hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển. Hy vọng với sự vào cuộc của các cấp các ngành cũng như sự nỗ lực của ngành chăn nuôi dự báo 4 tháng nữa sẽ thiếu thực phẩm sẽ không có cơ hội trở thành hiện thực.
 



Theo cafef.vn
Báo cáo phân tích thị trường