Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chất lượng cá ngừ đại dương thấp: Nguyên nhân và giải pháp
02 | 05 | 2013
Tại hội thảo đánh giá nghề câu tay cá ngừ đại dương (CNĐD) do Tổng cục Thủy sản tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu khoa học thuộc Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ câu tay (còn gọi là nghề câu đèn).
Nghề câu tay CNĐD xuất hiện vào mùa khai thác năm 2011. Từ khi xuất hiện, nghề này đã cho năng suất cao hơn nhiều so với nghề câu vàng truyền thống, do đó nhiều tàu câu vàng cá ngừ, tàu chụp mực đã chuyển sang làm nghề này.
Trước tình hình gia tăng nhanh số lượng tàu câu tay, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã tiến hành khảo sát, đánh giá bước đầu thực trạng nghề câu tay CNĐD, trong đó đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, chất lượng nghề này. Kết quả ban đầu cho thấy, nghề câu tay CNĐD chi phí thấp, thời gian chuyến biển ngắn hơn nghề câu vàng. Một số nguyên nhân bước đầu khiến cá ngừ câu tay chất lượng kém hơn so với nghề câu vàng được nhận định là do: Thời gian ngâm câu ngắn, dẫn đến khi cá đánh bắt được bị sốc, sẽ phá hủy cơ thịt cá.
 
Trong khi đó, nghề câu vàng lại không xảy ra hiện tượng này; kỹ thuật bảo quản cá của nhiều tàu còn hạn chế, chưa tuân thủ quy trình chuẩn về bảo quản cá. Về hiệu quả nghề câu tay CNĐD, do mồi câu tươi hơn và độ thả câu trên 100m phù hợp với tập tính của CNĐD nên phần lớn cá dính câu, vì vậy sản lượng khai thác đạt khá cao. Mặt khác, chi phí mua ngư cụ thấp, phí nhiên liệu giảm vì không phải di chuyển để thả câu và thu câu, kỹ thuật câu đơn giản, chuyến biển được rút ngắn bằng khoảng 2/3 thời gian câu vàng.
 
Tuy nhiên, việc tăng năng suất và số tàu tham gia khai thác bằng nghề câu tay không được kiểm soát, dẫn đến khả năng khai thác quá mức và suy giảm nguồn lợi, chất lượng giảm làm giá bán sản phẩm thấp, gây tổn thất sau thu hoạch lớn khi khai thác đối tượng này. Từ việc điều tra đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, nhóm nghiên cứu khoa học thuộc Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ câu tay dựa trên 3 yếu tố có ảnh hưởng rõ rệt nhất đến chất lượng cá ngừ, đó là: Thay đổi tốc độ thu câu, phương pháp sơ chế trước khi bảo quản, phương pháp và công cụ bảo quản.
 
Các giải pháp được nêu ra cụ thể như: Nghiên cứu sử dụng thiết bị giảm hiện tượng cá giẫy dụa, va đập khi đưa lên tàu. Cần trang bị hoặc nghiên cứu tạo ra dụng cụ làm chết cá nhanh, tránh va đập, bố trí các tấm nệm mút lót trên boong tàu, thành tàu, nơi tiến hành kéo cá lên tàu và sơ chế cá, nước đá dùng để bảo quản phải được kiểm soát nguồn gốc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và đảm bảo đủ độ lạnh, đủ lượng dùng cho một chuyến biển; đầu tư thực hiện phương pháp ngâm hạ nhiệt sản phẩm CNĐD trước khi đưa sản phẩm xuống hầm bảo quản.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận một số nguyên nhân gây ra sự suy giảm về giá cá ngừ thời gian qua, trong đó có yếu tố thị trường và sự gia tăng đột biến về sản lượng. Để nghề câu CNĐD phát triển bền vững, cần nghiên cứu trữ lượng nguồn cá di cư để xác định thời gian khai thác, nghề khai thác hợp lý.
 
Tổng cục Thủy sản đã đánh giá cao hiệu quả của nhóm nghiên cứu và chỉ ra một số vấn đề như: Giá cá ngừ phụ thuộc vào thị trường; chất lượng cá ngừ phụ thuộc một phần vào kỹ thuật đánh bắt, do đó, cần phải có nghiên cứu tiếp theo để đưa ra giải pháp khắc phục và đây sẽ là nghiên cứu được ưu tiên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần lưu ý các công trình nghiên cứu của nước ngoài, chọn lọc nội dung nghiên cứu để tránh trùng lặp.
 
Đồng thời, thông qua Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, khuyến cáo người dân về mùa vụ, thời điểm khai thác, giảm sức ép của cung - cầu; hạn chế phát triển ồ ạt nghề câu tay cá ngừ để giảm sức ép lên nguồn lợi cũng như giữ vững thương hiệu cá ngừ Việt Nam; đề nghị Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các đơn vị nghiên cứu để tiếp tục làm rõ những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng CNĐD câu tay.
Theo Nguyễn Trang
Báo Khánh Hòa


Báo cáo phân tích thị trường