Tình hình trên cùng với lượng đường tồn kho từ đầu vụ, lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thì tổng lượng đường dư thừa ở niên vụ 2012-2013 lên đến khoảng 400.000 tấn. Bên cạnh đó, sản phẩm đường trong nước cũng không thể cạnh tranh với đường nhập lậu và đường gian lận thương mại. Do tiêu thụ kém, giá đường thấp, tồn kho cao nên các nhà máy đường đang rất khó khăn trong việc tái đầu tư và hỗ trợ nông dân cho niên vụ 2013-2014 sắp tới.
Vinasugar dự báo: Trong niên vụ 2013-2014, nước ta có khả năng sản xuất được khoảng 1,6 triệu tấn đường; còn sức tiêu thụ dao động từ 1,4 đến 1,5 triệu tấn. Trong khi đó, tồn kho từ đầu vụ sẽ nằm ở mức 372.580 tấn; lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan khoảng 73.500 tấn. Do vậy, vào cuối vụ thì lượng đường tồn kho sẽ dao động từ 500.000 đến 600.000 tấn, chưa kể lượng đường nhập lậu và gian lận thương mại.
Trước tình hình đó, các hội viên của Viansugar kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu đường tiểu ngạch không hạn chế chủng loại; đồng thời, căn cứ vào lượng tồn kho để xác định số lượng đường được phép xuất khẩu. Đặc biệt, đề nghị các cơ quan chức năng triển khai mạnh và có hiệu quả cao hơn nữa các biện pháp phòng, chống nạn buôn lậu đường, vì hiện nay lượng đường nhập lậu chiếm tới khoảng 1/3 so với tổng sản lượng đường sản xuất trong nước. Ngoài ra, nên bãi bỏ việc cho phép tạm nhập tái xuất đường; nếu chưa xóa bỏ được chính sách này thì cần kiểm soát chặt chẽ nguồn đường tạm nhập tái xuất…