Theo nhận định của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), năm 2013, nguồn cung tôm thế giới, đặc biệt là tôm chân trắng, khan hiếm do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch EMS.
Hội chứng tôm chết sớm (EMS), hay Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) ở tôm, đã lan rộng ở một số quốc gia châu Á trong năm 2013, gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản những nước này.
Theo ước tính của Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), thiệt hại do dịch EMS đối với ngành nuôi tôm của châu Á - nơi có khoảng một triệu người vẫn sống phụ thuộc vào nghề nuôi trồng thuỷ sản - có thể lên tới khoảng 1 tỉ USD/năm.
Trong năm 2013, hội chứng EMS xảy ra tại 2 nước sản xuất lớn nhất thế giới là Thái Lan và Trung Quốc đã dẫn tới nhu cầu tăng mạnh đối với loài tôm này trên các thị trường tiêu thụ quan trọng như Mỹ, Nhật Bản hay EU - đây cũng là những thị trường lớn của Việt Nam.
EMS đã được kiểm soát tốt hơn ở Việt Nam trong năm vừa qua, nhờ đó sản lượng tôm chân trắng đã tăng đáng kể. Năm 2013, tổng diện tích nuôi tôm chỉ tăng 1,6% so với năm 2012 với 666.000 ha, tuy nhiên diện tích nuôi tôm chân trắng mở rộng nhanh chóng, từ 41.800 ha năm 2012 ha lên 66.000 ha, sản lượng tăng 50,5% từ 186.000 tấn lên 280.000 tấn.
Đặc biệt đối với thị trường Mỹ, XK tôm chân trắng đã tăng 337,6%. Cụ thể, đến tháng 1/2014, XK tôm sang Mỹ đạt trên 86,88 triệu USD, tăng 163% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ hiện đang dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam và đang ngày càng mở rộng thị phần. Cùng kỳ năm ngoái, Mỹ chiếm 22,2% tổng giá trị XK tôm Việt Nam, tương đương với XK sang Nhật Bản. Sang năm 2014, tỷ trọng XK tôm sang thị trường này đã tăng lên tới 33,6%.
Trong tháng 1/2014, XK tôm sang các thị trường lớn khác cũng tăng mạnh như Nhật Bản và EU tăng 64,3%, XK sang Hàn Quốc tăng 143,5%, sang Australia tăng 96%. Riêng XK sang Trung Quốc giảm 37,7% trong tháng này.
Nguồn: VASEP