Như vậy, liên tiếp trong 2 năm liền, tỉnh Đắk Lắk đều giảm năng suất, sản lượng càphê và không đạt kế hoạch.
Nguyên nhân giảm năng suất, sản lượng do nắng hạn kéo dài khiến trên 47.835ha càphê thiếu nước tưới, khô cành, rụng quả. Thậm chí, nhiều địa bàn trọng điểm càphê có hàng nghìn hécta càphê đang trong thời kỳ kinh doanh thiếu nước tưới bị chết khô.
Mặt khác, diện tích càphê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh cần tái canh trên địa bàn chiếm tỷ lệ tương đối lớn.
Diện tích trồng bằng các giống không được chọn lọc, năng suất thấp, kích thước quả nhỏ, không đồng đều còn khá phổ biến…
Hiện các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tập trung lao động, phương tiện để càphê chín đến đâu thu hoạch đến đó nhằm góp phần nâng cao chất lượng càphê.
Theo kế hoạch, niên vụ càphê 2015-2016, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu trên 250.000 tấn càphê nhân, tăng hơn niên vụ trước trên 82.900 tấn càphê nhân.
Đắk Lắk chủ trương không tăng diện tích càphê ngoài quy hoạch, tập trung nâng cao nhận thức cho các nông hộ, doanh nghiệp về sản xuất càphê bền vững, gắn liền với lợi ích kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường; tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích nông dân thâm canh càphê theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất càphê có chứng chỉ; hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu càphê, hợp tác xã, tổ hợp sản xuất càphê.
Tỉnh rà soát, phân loại, xác định diện tích càphê tái canh, xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp huy động nguồn lực thực hiện phương án tái canh…
Địa phương khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu càphê theo hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm càphê đảm bảo chất lượng an toàn, có chứng chỉ.
Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước…
Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 200.000ha càphê, giảm 3.746ha; trong đó, gần 193.000ha càphê kinh doanh./.