Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đến trái ớt, củ hành cũng phải nhập
02 | 12 | 2015
Trên thị trường TP.HCM xuất hiện ngày càng nhiều loại gia vị tươi nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan… Trong đó nhiều nhất và đa dạng về chủng loại nhất là gia vị Trung Quốc.

 Gừng Indonesia, tỏi Trung Quốc

Chị Nguyễn Thị H., tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, cho hay gia vị ngoại hiện nay có gừng, ớt, tỏi, hành tây, hành tím… Riêng các loại hành tây, hành tím, tỏi Trung Quốc có quanh năm. Sở dĩ gia vị Trung Quốc áp đảo thị trường do giá hấp dẫn.

Ví dụ gừng Việt Nam 30.000-35.000 đồng/kg, gừng Trung Quốc 15.000-20.000 đồng/kg; hành tím, tỏi Việt Nam 60.000-70.000 đồng/kg, Trung Quốc chỉ 20.000-30.000 đồng/kg.

“Bên cạnh đó, nguồn cung trong nước không ổn định, lúc có lúc không nên người bán không thích lấy hàng” - chị H. lý giải vì sao bán nhiều gia vị ngoại.

Trên thị trường cũng bán nhiều gừng, hành Indonesia. Tuy nhiên, theo tiểu thương, mẫu mã và chất lượng gừng Indonesia thua xa hàng Việt khi màu sắc nhạt, độ cay nồng không bằng.

“Tuy vậy, chỉ có người bán mới biết xuất xứ sản phẩm ở đâu chứ người mua khó phân biệt được. Bởi gừng Indonesia trông giống y chang gừng Việt Nam, giá cũng ngang nhau”, anh Tiến, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai nói.

Đại diện siêu thị Lotte Mart nói phải nhập gia vị như hành tây nhằm đa dạng hóa sản phẩm cũng như bù đắp khi sản phẩm trong nước không đủ hàng. Có thời điểm Lotte Mart nhập hành tây Hàn Quốc với giá bình quân 15.000 đồng/kg, nếu so với hành tây Đà Lạt cao hơn chỉ vài ngàn đồng mỗi kg.

Gia vị Việt khó cạnh tranh

Theo chợ đầu mối Bình Điền, lượng gia vị về chợ khoảng 835 tấn mỗi đêm gồm nhiều mặt hàng như hành trắng, hành tím, tỏi, ớt, gừng, trái tắc, chanh... Trong đó hàng của Trung Quốc chiếm đến hơn 20%.

Ông Sơn Minh Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nhìn nhận hành tím địa phương phải cạnh tranh gay gắt với hành ngoại nhập, nhất là Trung Quốc. Vào chính vụ, giá hành tím Sóc Trăng khoảng 8.000-10.000 đồng/kg, tương đương hoặc có khi cao hơn một chút so với hành Trung Quốc. Còn thời điểm này giá hành tím Sóc Trăng tăng cao, khoảng 35.000 đồng/kg.

Theo ông Thành, cái khó của nông dân là không có đầu ra ổn định. Họ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, không biết kết nối với các hệ thống phân phối để đưa hàng ra thị trường.

Lý giải nguyên nhân nông sản Việt, thậm chí đến cả mặt hàng gia vị cũng khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập, một số đơn vị kinh doanh rau củ sạch Đà Lạt nhìn nhận do nông dân Việt sản xuất nhỏ lẻ, chi phí cao.

Còn ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, phân tích hàng nông sản ngoại và Trung Quốc nói chung, gia vị nói riêng vào thị trường nội có ưu thế đa dạng chủng loại, mẫu mã, hình thức hấp dẫn hơn; có khả năng cung lượng hàng lớn và ổn định nhất là đối với khách hàng là các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp cần số lượng lớn.

Trong khi nhiều mặt hàng nội cùng loại không ổn định về nguồn cung, phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, giá thành lại cao hơn. Khâu quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa nhiều lúc chưa thật đảm bảo yêu cầu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “hàng China” đội lốt hàng chất lượng cùng loại, hoặc bằng mọi cách lách các loại thuế, phí nên chiếm ưu thế hơn về giá bán so với hàng Việt.

Để có thể cạnh tranh hàng ngoại, theo ông Hiệp, nông sản nội cần phải cải tiến từ khâu giống, quản lý nghiêm ngặt quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đồng thời xây dựng các chuỗi giá trị hàng nông sản được đảm bảo bằng kênh phân phối chính thức, vận hành hiệu quả.

Gia vị khô cũng nhập đầy

Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy không chỉ gia vị tươi mà các loại gia vị khô, xốt gia vị nhập ngoại cũng khá nhiều. Đa dạng nhất là các loại tương ớt, tương cà, xốt thịt nướng, các loại muối ớt chanh, muối ớt xanh, xốt lẩu. Chẳng hạn tại Lotte Mart có nhiều mặt hàng gia vị như nước tương, tương ớt, hạt nêm, muối, bột chiên…

Gần đây các nhà phân phối, cơ quan xúc tiến thương mại các nước tăng cường quảng bá gia vị thông qua nhiều hình thức như khuyến mãi, cho dùng thử, giảm giá bán… để tiếp cận người Việt.



Theo Pháp luật TPHCM
Báo cáo phân tích thị trường