Vụ thu hoạch cà phê tại Indonesia đang tăng tốc sau khi tháng ăn chay Ramadan kết thúc vào tuần trước. Indonesia là nước sản xuất cà phê Robusta lớn thứ 3 thế giới sau Việt Nam và Brazil. Thu hoạch tại Indonesia đang thúc đẩy nguồn cung loại cà phê nhiều đắng Robusta chủ yếu cho sản xuất cà phê hòa tan.
Mức chênh giá cà phê Robusta loại 4 của Indonesia so với giá hợp đồng Robusta giao tháng 9 trên thị trường ICE giảm xuống còn 10 – 20 USD/tấn so với mức 80 – 120 USD/tấn hồi 2 tuần trước.
Tại Lampong – Indonesia, nguồn cung cà phê tăng vọt trong ngắn hạn, càng làm tăng áp lực đẩy mức chênh giá giảm sau khi tăng hồi đầu vụ trên thị trường tương lai Luân Đôn.
Trong phiên giao dịch ngày 14/7, giá hợp đồng Robusta giao tháng 9 trên sàn ICE tăng 0,83% lên 1.831 USD/tấn sau khi kết thúc ở mức 1.816 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 13/7.
Tại Việt Nam, nhà sản xuất Robusta hàng đầu thế giới, các nhà xuất khẩu hiện đang chuyển sang chào bán cà phê ở các mức giá chiết khấu so với giá hợp đồng tương lai ICE.
Giá cà phê Robusta Việt Nam loại 2, 5% hạt đen và hạt vỡ được chào bán ở mức chiết khấu 20 – 30 USD/tấn so với giá hợp đồng Robusta giao tháng 9 trên sàn ICE, tăng từ mức chiết khấu 5 – 20 USD/tấn so với tuần trước.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong 3 quý đầu niên vụ 2015/16 bắt đầu từ tháng 10/2015 tăng khoảng 30% lên 1,32 triệu tấn, theo dữ liệu chính thức. Theo nhà phân tích độc lập Nguyễn Quang Bình, Brazil đang có mức sản lượng cà phê Arabica kỷ lục và nếu chất lượng Arabica kém thì sẽ ảnh hưởng đến giá chào bán cà phê Việt Nam. Đến cuối năm nay, theo ông Bình, mức giá cà phê có thể đạt 1.900 USD/tấn, đồng thời nhấn mạnh khả năng ảnh hưởng của La Nina vào cuối năm 2016.
Mưa lớn do La Nina có thể làm giảm chất lượng cà phê Việt Nam vào cuối năm nay và làm giảm nguồn cung khả dụng xuất khẩu, khiến làm giảm nguồn cung cà phê châu Á trong niên vụ 2016/17.
Theo Reuters