Thị trường tăng mạnh có thể tiềm ẩn một đợt đảo chiều, và ít nhất là nguồn cung cà phê Brazil được dự đoán phục hồi bất chấp thời tiết bất lợi, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng giá cà phê sẽ tiếp tục tăng, thu hút thêm nhiều nhà đầu cơ vào các thị trường tương lai.
Liệu rằng rủi ro giá tăng có làm giảm sút cơn nghiện cà phê của người tiêu dùng hay không vẫn còn được tranh luận.
Một báo cáo nghiên cứu từ USDA cho biết, trung bình, giá cà phê nhân xô tăng 10 cents/pound sẽ dẫn tới mức tăng 2 cents/pound đối với cả giá nhà sản xuất lẫn giá tại các chuỗi bán lẻ như Starbucks. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng các nhà cung cấp hiệu quả đã đoán trước sự giảm giá cà phê trong tương lai – khi nông dân phản ứng trước giá và sản xuất nhiều hơn – có thể làm hạn chế tốc độ cũng như mức tăng giá cà phê mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
Hiện tại, nguồn cung giảm là nguyên nhân dẫn tới mức tăng đột biến 21% trên sàn Luân Đôn. Các nhà phân tích tại Société Générale đã dự đoán rằng giá có thể tiếp tục tăng 30% đến cuối năm 2017. Giá hợp đồng giao tháng 12 trao tay đã chạm mức giá 1,5495 USD/pound hồi thứ 5 tuần trước. Vấn đề nguồn cung được dự đoán sẽ tiếp diễn.
Theo bà Caroline Bain, nhà phân tích tại Capital Economics, thị trường cà phê thế giới sẽ tiếp tục thâm hụt trong 2 niên vụ tới. USDA cũng đồng tình với nhận định này và dự đoán dự trữ cà phê toàn cầu niên vụ 2016/17 sẽ chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm.
Các nhà sản xuất cà phê tại Mỹ chủ yếu mua cà phê nhân xô từ Brazil và Việt Nam, trong khi Indonesia, Colombia, Mexico và Guatemala cũng là những nước xuất khẩu lớn, theo báo cáo của USDA. Arabica đắt nhưng phổ biến hơn, trong khi Robusta chủ yếu được dùng để ủ espresso. Hầu hết các loại cà phê tại siêu thị đều là loại trộn giữa Arabica và Robusta.
Tại thủ phủ sản xuất Robusta của Brazil là Espirito Santo, hạn hán đã khiến các lệnh cấm sử dụng nước trong tháng 8 thậm chí bị thắt chặt hơn. Nhưng thời tiết khô nóng không chỉ ảnh hưởng mạnh tới Brazil – nhà sản xuất lớn cả cà phê Arabica và Robusta. Thiếu mưa gây ra bởi El Nino cũng làm giảm sản lượng cà phê tại Việt Nam và Indonesia. Vấn đề thời điểm cũng là nguyên nhân quan trọng. Cây cà phê hiện đang trong kỳ ra hoa, cũng là lúc có nhu cầu nước cao nhất.
Theo ông Jason Rotman, thuộc Lido Isle Advisors, bất ổn chính trị Brazil được giải quyết đã hạ bớt nhiều rủi ro tăng giá cà phê, vốn đã bị hạn hán đẩy tăng cao. Đồng Real Brazil tăng giá – mà ông dự đoán sẽ tiếp tục tăng – cũng sẽ hỗ trợ giá cà phê. Ông Rotman cho rằng những động thái gần đây trên thị trường cà phê cho thấy đà tăng có thể sẽ không duy trì đủ lâu để truyền dẫn đến người tiêu dùng.
Ông cho rằng những lo ngại về thời tiết Brazil tất nhiên gây ra những đợt tăng giá ngắn hạn và những nhà đầu cơ sẽ nhảy vào thị trường, chốt lời và đẩy giá giảm. Do đó, giá cà phê sẽ không tăng giá đủ lâu để người tiêu dùng có thể cảm nhận thấy sức nóng. Ngành bán lẻ cũng quá lớn với quá nhiều những nhà giao dịch có kinh nghiệm dày dặn để đối phó với biến động giá.
Đối với những người mới gia nhập ngành, vấn đề nguồn cung cà phê có thể trái ngược giữa Brazil và Việt Nam. Brazil, đang có dự trữ cạn kiệt, được dự đoán sẽ thu hoạch 55 triệu bao cà phê trong niên vụ 2016-17, so với mức sản lượng 43,2 triệu bao trong niên vụ 2015-16, theo ICO. Nếu đạt mức sản lượng này, Brazil sẽ có vụ thu hoạch cao kỷ lục, vượt mức 50,8 triệu bao vào niên vụ 2012-13. Sản lượng Arabica được dự báo đạt 45 triệu bao và Robusta đạt 12 triệu bao.
Thời tiết vẫn tác động mạnh lên các dự báo sản lượng cà phê. Một số nhà quan sát o ngại rằng sản xuất Arabica tại Brazil sẽ bị theietj hại do đợt ra hoa sớm tại các vườn cà phê phía nam chiếm một nửa sản lượng Arabica, cùng với những rủi ro sương giá.
Trong khi đó, sản lượng Robusta Việt Nam được dự đoán trung bình đạt 26,5 triệu bao trong niên vụ 2016-17, với các ước tính dao động từ 22,7 đến 30 triệu bao, so với mức sản lượng 27,5 triệu bao trong niên vụ 2015-16, theo dữ liệu của ICO.
Các kho dự trữ tại Mỹ cũng làm chậm lại khả năng ảnh hưởng tức thì của giá cà phê tăng lên người tiêu dùng. Tính đến 31/7, dự trữ cà phê nhân xô trên toàn nước Mỹ, bao gồm cả Arabica và Robusta, ở mức cao nhất kể từ năm 2003, theo dữ liệu từ Green Coffee Association.
Cà phê dù không phải là thực phẩm thiết yếu nhưng vẫn nhạy cảm với triển vọng GDP toàn cầu. Theo bà Bain, mặc dù dữ liệu mới nhất cho thấy nhu cầu cà phê tăng lên trong quý 2 nhưng chưa có những cơ sở vững chắc về một sự tăng bền vững do tăng trưởng kinh tế chung còn chậm chạp. Dự báo GDP của Mỹ cho thấy tăng trưởng nhu cầu cà phê sẽ bắt đầu tăng vững chắc vào năm 2017 – 18 do tăng trưởng tại cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đều bắt đầu hồi phục.
Về dài hạn, thị hiếu chuyển dịch từ chè sang cà phê tại các nước đang phát triển vẫn chi phối tăng trưởng nhu cầu. Các cải tiến mới như viên cà phê single-serve và các sản phẩm cà phê lạnh đạt được những thành công nhất định, nhưng chỉ bù đắp một phần suy giảm tiêu dùng cà phê hạt. Bà Bain lo ngại rằng đợt tăng giá này sẽ châm ngòi cho các hoạt động đầu cơ nhiều hơn.
Bà Bain cũng nhận định giá cà phê Arabica có thể giảm nếu những dự đoán về sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2017-18 được cải thiện. Hãng của bà dự đoán giá cà phê Arabica cuối năm 2016 ở mức khoảng 1,5 USD/pound, giảm từ mức 1,52 USD/pound hiện tại. Giá có thể tăng lên mức 1,6 USD/pound vào cuối năm tới nhờ triển vọng nhu cầu tăng.
Bà dự đoán giá cà phê Robusta cuối năm 2016 ở mức 1.800 USD/tấn, không biến động nhiều so với giá tháng 9. Tuy nhiên, giá cà phê Robusta có thể bắt đầu giảm vào nửa cuối năm 2017 nếu sản lượng các nước Đông Nam Á bật tăng mạnh.
Theo Market Watch