Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Campuchia: Vụ thu hoạch đến gần – doanh nghiệp túng tiền mua lúa
13 | 09 | 2016
Rice 5Chỉ còn chưa đầy 3 tháng trước khi Campuchia bắt đầu vụ thu hoạch rộ vào tháng 11, nhưng các nhà xay xát – sản xuất gạo đang gặp rất nhiều khó khăn tài chính khi ngày càng có ít hy vọng được chính phủ giải cứu bằng khoản cho vay khẩn cấp – nhằm giúp họ giải quyết thua lỗ nặng nề gây ra bởi đợt hạn hán kéo dài hồi đầu năm nay.

Theo ông Phou Poy, chủ sở hữu Phou Poy Rice Miller tại tỉnh Battambang, do thiếu nghiêm trọng nguồn tài chính, các nhà xay xát – sản xuất gạo có thể không có khả năng thu mua lúa từ nông dân trong kỳ thu hoạch tháng 11 – 12.

“Chúng tôi vô cùng lo lắng. Nguồn tài chính của chúng tôi rất hạn hẹp và các ngân hàng thương mại chúng tôi đã vay trước đây có thể sẽ thắt chặt cho vay thêm trong năm nay. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới nông dân bởi họ sẽ gặp nhiều khó khăn để bán lúa sau thu hoạch”, ông Poy cho biết,

Campuchia đã phải chịu đựng đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng nửa thế kỷ hồi đầu năm nay, làm giảm mạnh sản lượng lúa gạo, khiến hoạt động sản xuất của các nhà xay xát đình trệ. Bất chấp những cơn mưa gần đây, nhiều vùng tại Campuchia vẫn chưa có đủ nước để sản xuất, gây ra nhiều lo ngại.

Theo ông Song Saran, giám đốc Amru Rice Processing Factory, nhiều nhà sản xuất gạo Campuchia vẫn đang cố gắng khôi phục từ thua lỗ trong vụ trước. Hiện các doanh nghiệp không còn đủ tiền thu mua lúa trong vụ hiện tại. Thậm chí, ông cho rằng trong vụ thu hoạch tới, nhiều nhà xay xát – sản xuất gạo có thể phá sản, trừ khi có sự hỗ trợ từ chính phủ.

Trong tháng 6, Liên đoàn gạo Campuchia (CRF) đã thông báo chính phủ đồng ý đối với  khoản vay từ 20 – 30 triệu USD nhằm giúp những nhà xay xát mua gạo từ nông dân trong vụ thu hoạch tháng 11 để dự trữ trong các kho và chế biến cho xuất khẩu. Khoản vay này sẽ thông qua CRF, sử dụng Ngân hàng phát triển nông thôn (RDB) làm nhà bảo lãnh.

Nhưng 3 tháng sau tuyên bố này, khoản vay trên vẫn chưa được triển khai và tình trạng tham nhũng trong Bộ Kinh tế và Tài chính bị cho là nguyên nhân của sự chậm trễ này.

Tuy nhiên, theo ông Khao Thach, giám đốc điều hành RDB, khoản vay sẽ được giải ngân đúng thời điểm nhưng không đưa ra thời điểm cụ thể.

Công suất không đủ để chế biến toàn bộ lượng lúa gạo sản xuất nội địa khiến Campuchia ngập tràn nguồn gạo Thái Lan và Việt Nam giá rẻ hơn. Theo ông Saran của công ty Amru, Campuchia không thể cạnh tranh với nguồn gạo chất lượng kém hơn và kêu gọi chính phủ hạn chế nhập khẩu.

Theo ông Hun Lak, phó chủ tịch CRF, liên đoàn đã đặt ra các biện pháp nhằm giúp các nhà xay xát gạo nhưng các biện pháp triển khai cần có thời gian và kêu gọi các bên hợp tác.

Theo Khmer Times



Phạm Kim Dung - Biên dịch
Báo cáo phân tích thị trường