Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Teavana của Starbucks chen chân vào thị trường 9,5 tỷ USD của Trung Quốc
13 | 09 | 2016
Starbucks đang lên kế hoạch tăng doanh thu kinh doanh chè toàn cầu lên 3 tỷ USD trong 5 năm tới khi bắt đầu bán dòng đồ uống từ chè mới có tên là Teavana trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương sau khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc vào tuần trước.

Trung Quốc là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Starbucks và chuỗi cà phê xuất phát từ Seattle này đang có tốc độ mở 500 cửa hàng/năm tại đất nước đông dân nhất thế giới này, hướng đến mục tiêu có 3.400 cửa hàng tại Trung Quốc đến năm 2019.

Công ty đang lấy Trung Quốc làm động lực tăng trưởng chủ lực, hướng tới thị trường chè trị giá 9,5 tỷ USD tại đây, cao gấp 10 lần giá trị thị trường cà phê của Trung Quốc. Các sản phẩm chè mới của Starbucks có thể phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của người Trung Quốc hướng tới lối sống lành mạnh.

Theo Matthew Crabbe, lối sống lành mạnh đang phát triển mạnh mẽ trên khắp châu Á và giống như hầu hết mọi thứ, sự lĩnh hội những khuynh hướng mới tại Trung Quốc nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Chè có truyền thống lâu đời tại châu Á và cũng rát phù hợp với quan điểm chăm sóc sức khỏe của người châu Á coi trọng phòng bệnh hơn trị bệnh. Do đó, các sản phẩm từ chè có thể tăng trưởng mạnh tại thị trường này.

Truyền thống thưởng chè

Starbucks thâu tóm Teavana, sở hữu một loạt loại chè và cửa hàng chè, vào năm 2012 và cho biết loại đồ uống này có kết quả kinh doanh tốt tại các cửa hiệu ở Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ cũng đang tìm kiếm các lựa chọn đồ uống và thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn, đã thúc đẩy kinhdoanh chè của hãng tăng 12% trong năm 2015 với chè lạnh tăng trưởng mạnh nhất – 29%.

china-tea-coffee-consumption

Tại Trung Quốc, thị trường chè lớn hơn nhiều so với Mỹ, đang tăng trưởng khoảng 6%, tương đương tốc độ tăng trưởng của cà phê. Đối với châu Á – nơi uống chè là một thói quen lâu đời, Starbucks phải sáng tạo ra dòng chè có hương vị mạnh và tinh tế hơn để thu hút người tiêu dùng.

Theo bà Vera Wang, giám đốc sáng tạo sản phẩm tại Trung Quốc và châu Á Thái Bình Dương, với truyền thống tiêu dùng chè lâu đời tại đây, Starbucks không thể có đồ uống quá phổ biến hoặc dễ dự đoán, cũng không quá khác biệt.

Đối với châu Á, các dòng sản phẩm chè của Starbucks bao gồm chè đen kết hợp với nho đỏ và mật ong, chè xanh với lô hội và đào, là các thức uống tương đối phức tạp so với công thức đồ uống chè bán chạy nhất tại Mỹ như chè đen xoài và chè xanh đào.

Starbucks có thể đã chậm chân trong cuộc đua này, với tăng trưởng thị trường chè Trung Quốc chậm lại còn 5,8% trong năm 2015, sau khi suy giảm đều đặn từ mức tăng trưởng 18% hồi năm 2010, theo dữ liệu từ Euromonitor.

Theo ông Crabbe, chè, tất nhiên, là thị trường đã bão hòa tại châu Á. Chè đã được thưởng thức hàng ngàn năm và các nhà quan sát đã thấy chè trân châu làm mưa làm gió trên toàn châu Á vài năm trước trong cộng đồng người tiêu dùng trẻ. Tuy nhiên, những người tiêu dùng trẻ ngày đó nay cũng đã già hơn, họ sẽ tìm kiếm thứ thức uống tinh tế hơn mà Teavana là một lựa chọn phù hợp. Starbucks vẫn đặt cược lớn vào thị trường Trung Quốc.

Theo Bloomberg



Phạm Kim Dung - Biên dịch
Báo cáo phân tích thị trường