- 8h35’ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các vị khách đã có mặt tại phòng Đối thoại trực tuyến của Website Chính phủ tại 16 Lê Hồng Phong, Hà Nội
- Gần 50 phóng viên báo chí trong và ngoài nước có mặt.
- 8h42’ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao phát biểu về hoạt động đối thoại trực tuyến.
- 8h45’ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu mở đầu buổi đối thoại.
* Nội dung đối thoại: Lê Thanh Tuấn (Hà Nội) Báo chí, nhân dân đánh giá cao, khen ngợi và bày tỏ lòng tin tưởng vào sự điều hành của Thủ tướng sau 200 ngày. Thủ tướng nghĩ gì về sự đánh giá này?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi cám ơn bạn có lời động viên đối với tôi. Tôi nhận nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ hơn 7 tháng qua và đã cố gắng phấn đấu, làm việc hết sức mình để hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. Nhưng so với nhiệm vụ và sự mong đợi, đòi hỏi của nhân dân, tôi nghĩ mình còn phải phấn đấu nhiều hơn, quyết liệt hơn. Những kết quả đạt được trong thời gian qua, nói nghiêm túc và đầy đủ là công lao của đồng bào cả nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thu Huyền, (Hà Nội); Lê Trung Hưng Biên Hòa, Đồng Nai); Phạm Văn Kiên (Vĩnh Phú) và nhiều bạn đọc khác
Xin Thủ tướng có nhận định khái quát về tình hình KT-XH năm 2006, cả thành tựu và yếu kém. Mặc dù năm 2006 đã khép lại với nhiều thắng lợi, nhưng vẫn còn tồn dư một số vấn đề kinh tế nổi cộm như tình trạng tham nhũng, việc sử dụng nguồn vốn ODA kém hiệu quả… Xin Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có những quyết sách gì trong năm 2007 để phục hưng nền kinh tế? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Câu hỏi này có phạm vi rất rộng. Tôi chỉ xin nêu mấy vấn đề lớn sau: Năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội X, năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010. Bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, với thành tựu của 20 năm đổi mới, chúng ta đã khép lại năm 2006 với những thành tựu nổi bật: Thứ nhất, chính trị-xã hội ổn định, quyền dân chủ và quyền lợi chính đáng của nhân dân được tôn trọng, bảo đảm. Nhân dân ta phấn khởi tin tưởng vào tương lai, tiền đồ của dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Nhân dân ta tin tưởng rằng sự nghiệp đổi mới sẽ tiếp tục thành công, tiếp tục giành thắng lợi. Thứ hai, kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao. Trong năm 2006, GDP tăng trưởng gần 8.2%. Sức cạnh tranh, hiệu quả của nền kinh tế cũng có bước phát triển đáng kể. Đời sống nhân dân dần được nâng cao. Xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường có bước phát triển hơn. Năm 2006, chúng ta đã giảm 3% hộ đói nghèo. Thứ ba, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được những kết quả tích cực. Thứ tư, cải cách hành chính, chống tham nhũng đạt được kết quả bước đầu, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hi vọng trong năm tới sẽ có những kết quả khả quan hơn. Thứ năm, quốc phòng an ninh được tăng cường. Thứ sáu, công tác đối ngoại đạt được nhiều thắng lợi lớn, có ý nghĩa quan trọng. Sau hơn 11 năm kiên trì đàm phán, nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chúng ta cũng đã tổ chức thành công Hội nghị APEC lần thứ 14 tại Việt Nam. Các nước châu Á ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về vấn đề tôn giáo và thông qua quy chế PNTR với Việt Nam. Thành tựu của năm 2006 cũng là thành tựu của 20 năm đổi mới. Thành tựu đó đã tạo ra thế và lực mới cho dân tộc, tạo ra thời cơ và thuận lợi để chúng ta tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, để đến năm 2020 cơ bản trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại. Phan Trọng Quốc (38 tuổi, TP.HCM), Nguyễn Văn Phúc (41 tuổi, Vũng Tàu), Phan Văn Tuệ (33 tuổi, Hà Nội) Thực trạng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đang rất bức xúc. Thưa Thủ tướng, Thủ tướng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông là điều bức xú hiện nay. Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp với tinh thần quyết liệt giảm ùn tắc giao thông, kiềm chế, tiến tới giảm tai nạn giao thông. Trong cuộc họp gần đây, Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng Giao thông – Vận tải nghiên cứu lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhân dân cả nước để xây dựng 2 đề án: một là để giải quyết căn cơ vấn đề ùn tắc giao thông, cả trước mắt và lâu dài. Đề án hai là giảm và kiềm chế tai nạn giao thông. Sắp tới Chính phủ sẽ bàn và quyết định hai đề án này. Theo tôi, Đảng, phải làm tốt những việc lớn, rất chủ yếu, cơ bản sau: Một là, phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vấn đề chúng ta còn yếu kém kể cả về chiến lược, về quy hoạch, kế hoạch, về giải pháp; trên cả xây dựng hạ tầng, phát triển phương tiện, về đào tạo, quản lý người điều khiển phương tiện. Về lĩnh vực này, tôi thừa nhận là Chính phủ còn nhiều yếu kém. Thứ hai, cần tăng cường tuyên truyền trong nhân dân. Tôi cũng mong nhân dân hết sức ủng hộ việc thực hiện luật pháp trong tham gia giao thông. Nhiều đồng bào đồng chí chúng ta rất coi thường luật giao thông, coi vi phạm luật giao thông là điều hết sức bình thường. Đây là nguyên nhân lớn gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Thứ ba, phải kiểm tra, xử phạt nghiêm minh, nghiêm khắc những người tham gia giao thông cố tình vi phạm luật giao thông. Việc xử lý nghiêm khắc cũng để giáo dục, để góp phần ngăn chặn tai nạn. Thứ tư, bằng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, các nhà tài trợ, các đối tác, các quốc gia trên thế giới… để đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ và hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, như xây dựng hệ thống đường sắt, đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường trên cao, đường ngầm… Đi liền với phát triển kết cấu hạ tầng cần phát triển các phương tiện giao thông. Các bạn hình dung nếu chúng ta xây dựng xong đường sắt cao tốc Bắc – Nam chắc là sẽ giảm đáng kể tai nạn, tuy không thể hết được. Nếu Hà Nội xây dựng được các tuyến đường trên cao, tuyến tầu điện ngầm chắc chắn ùn tắc sẽ giảm… Đây là điều đã quy hoạch, có kế hoạch. Chúng ta đang hết sức khẩn trương tìm các nguồn lực để đầu tư. Điều cũng hết sức quan trọng nữa là, các tổ chức, đoàn thể nhân dân như Mặt trận Tổ quốc, các hiệp hội phải vận động, tổ chức nhân dân, đoàn viên, hội viên của mình tích cực tham gia chấp hành, tuân thủ pháp luật. Làm được như vậy sẽ đảm bảo từng bước giảm tai nạn giao thông, kiềm chế ùn tắc giao thông. Nguyễn Sơn (22 tuổi, Hà Nội) Thưa Thủ tướng, vừa qua Thủ tướng đã đến Vatican, đã hội đàm với Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican. Thủ tướng có thể cho biết lúc nào thì Việt Nam ta có quan hệ ngoại giao với Toà thánh Vatican?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Vừa rồi tôi đã có dịp đến thăm Vatican, hội kiến Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican. Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành và đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trên các lĩnh vực, đánh giá cao tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Thủ tướng Vatican đã đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi đã ghi nhận và đề nghị nên giao cho cơ quan hai bên thảo luận cụ thể về đề nghị này của Vatican. Cuộc gặp của tôi với Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, thẳng thắn. Qua đó hai bên hiểu biết nhau hơn. Trong hội đàm, Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican đặc biệt đánh giá cao tự do tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam. Giáo hoàng nói ông rất vui khi biết rằng nhà thờ tại Việt Nam luôn đầy ắp người tham gia hành lễ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật… và cộng đồng hơn 6 triệu giáo dân Việt Nam đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của Việt Nam. Tôi đã nói với Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican rằng cộng đồng người Việt Nam theo đạo Thiên chúa là cộng đồng kính Chúa, yêu nước, luôn gắn bó với sự nghiệp thống nhất, giải phóng đất nước và sự nghiệp đổi mới vừa qua cũng như hiện nay. Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican đánh giá cao và khẳng định tự do tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam là mẫu hình về tự do tín ngưỡng tôn giáo gắn với phát triển cộng đồng và phát triển đời sống nhân dân. Điều này cũng đã được nêu trong các thông cáo báo chí. Nguyễn Văn Sắc (57 tuổi, TP.HCM); Nguyễn Văn Tuấn (43 tuổi, Hà Nội); Đỗ Văn Bình (38 tuổi, Phú Thọ); Nguyễn Chí Dũng (28 tuổi, Thái Nguyên); Đinh Thị Cúc (20 tuổi, Hà Nội) Khi Việt Nam gia nhập WTO, Thủ tướng đã có bài viết rất hay, rất sâu sắc đăng trên Website Chính phủ và các báo. Chúng tôi xin hỏi Thủ tướng một điều, Thủ tướng có tin chắc rằng lần này Việt Nam ra biển lớn nhất định sẽ thành công không? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Dân tộc Việt Nam có truyền thống tốt đẹp qua mấy nghìn năm lịch sử. Chúng ta vừa kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân kế tục truyền thống tốt đẹp đó. Chúng ta đã buộc phải cầm súng chiến đấu, phải chiến đấu để giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Chúng ta đã đổi mới thành công từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. Những năm qua, chúng ta đã bước đầu hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, đạt những kết quả bước đầu. Hiện tại chúng ta đang hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới Không phải đến nay chúng ta mới tiến hành hội nhập. Ngay từ năm 1995, chúng ta đã gia nhập ASEAN, tham gia Hiệp định Tự do thương mại ASEAN (AFTA) và các hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand… Quá trình hội nhập này cũng là quá trình hội nhập thế giới. Ngoài ra, nước ta có quan hệ thương mại với hơn 200 nước, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 80 nước. Chúng ta đã đảm bảo nền kinh tế liên tục tăng trưởng trong hơn 20 năm qua, bình quân là từ 7,5-8%. Với sự lãnh đạo của Đảng 77 năm qua, chúng ta đã giành thắng lợi trong đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Chúng ta đã hội nhập thành công, đã có kết quả thắng lợi bước đầu. Trên nền tảng đó, với thế và lực đạt được trong 20 năm đổi mới, tôi tin tưởng chúng ta sẽ tiếp tục giành được nhiều thắng lợi. Nguyễn Đình Chinh (Hà Nội) và nhiều bạn đọc khác
Qua báo chí, internet có đưa tin về “Thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ G.Bush”, qua đó tôi hiểu được một phần quan trọng về chính sách đối nội, đối ngoại của Tổng thống Bush trong năm 2007. Chúng tôi rất muốn Thủ tướng hàng năm cũng nên đưa ra thông điệp về các chính sách, cương lĩnh hành động của mình sẽ thực hiện trong năm để người dân được biết, qua đó người dân có thể giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xin Thủ tướng cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi rất hoan nghênh ý kiến xây dựng của bạn và nhiều bạn đọc khác. Tuy nhiên, theo tôi mỗi nước có cách làm khác nhau. Ở Việt Nam không có thông điệp đầu năm của người đứng đầu Chính phủ. Nhưng thông thường, vào dịp cuối năm, khoảng tháng 10-11, Chính phủ có báo cáo trước Quốc hội về đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội trong năm. Trong đó, nêu rõ những việc đã làm được, những việc chưa được đồng thời chỉ ra nguyên nhân, từ đó đề ra mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho năm tới. Quốc hôi, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, sẽ xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ. Qua thảo luận, sẽ ra Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm tiếp theo. Sau khi có Nghị quyết, Chính phủ và Thủ tướng có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm. Tôi cho rằng, với điều kiện thực tế của Việt Nam, cách làm việc như vậy là hiệu quả. Nói cách nào đó, đây chính là thông điệp đầu năm của người đứng đầu Chính phủ, cũng là của Chính phủ và Nhà nước. Nguyễn Đình Phong (Nghệ An); Phạm Anh Tuấn (Đồng Tháp); Nguyễn Thị Đỗ Quyên (TP.HCM)
Thưa Thủ tướng, xin Thủ tướng cho biết những nhiệm vụ chủ yếu về phát triển KT-XH năm 2007? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Để tranh thủ thời cơ và thuận lợi, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, Quốc hội đã có nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2007. Kế hoạch được Quốc hội thông qua và là rất cơ bản và toàn diện. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có chương trình hành động tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2007 và cả 5 năm 2006 – 2010. Toàn bộ chương trình hành động này đã được đăng tải trên website Chính phủ và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, tôi không nhắc lại, chỉ xin nhấn mạnh một số điểm là: Thứ nhất, bằng các giải pháp tổng hợp và sự nỗ lực cao nhất để đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,2% theo hướng hiệu quả và bền vững. Thứ hai, tập trung sức để chỉ đạo cải cách một cách thiết thực nền hành chính quốc gia, làm đồng bộ cả về thể chế, cơ chế bộ máy, quản lý cong chức và hành chính công, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Bởi vì, nếu không cải cách sẽ không thể huy động được tiềm năng còn rất tiềm tàng của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để tập trung phát triển đất nước. Nếu không cải cách được thủ tục hành chính sẽ không thể đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân về thực hiện quyền dân chủ. Thứ ba, xử lý kiên quyết và thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy lùi và chống tham nhũng. Tôi xin nhắc lại, trong khi triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu nhiệm vụ đã được Quốc hội đề ra của năm 2007 cũng như 5 năm 2006 – 2010, Chính phủ sẽ tập trung vào 3 mục tiêu quan trọng trên. Lê Thanh (40 tuổi, Nghệ An), Trần Văn Thanh (36 tuổi, An Giang), Tống Mai Sang (18 tuổi, Hà Nội), Vũ Sang (19 tuổi, TP.HCM), Lê Công (17 tuổi, TP.HCM), Tạ Vinh (Việt kiều châu Âu) Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: Muốn chống tham nhũng cần phải có bàn tay Sắt, nhưng phải Sạch. Thưa Thủ tướng, Thủ tướng sẽ thể hiện quan điểm Sắt và Sạch như thế nào trong việc chống tham nhũng ?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi chưa rõ lắm nội hàm mà đồng chí Nguyên TBT Lê Khả Phiêu khi nói “bàn tay sắt, bàn tay sạch” là gì. Nhưng, theo tôi, người lãnh đạo muốn chống được tham nhũng thì phải có được mấy điều kiện: Thứ nhất là, phải có quyết tâm chống tham nhũng, thực sự tâm huyết, nhận thức rõ mối đe dọa của tham nhũng đối với chế độ ta, đến lòng tin của nhân dân ta. Phải nhận thức chống tham nhũng là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân. Người chống tham nhũng phải nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh. Từ nhận thức như vậy, phải dám chống tham nhũng dù bất cứ kẻ tham nhũng là ai, ở vị trí nào, không sợ phức tạp, không sợ bì trù úm, trả thù, mất ghế. Thứ hai, bản thân anh phải không tham nhũng, không dính đến tham nhũng, không bao che tham nhũng mới kiên quyết được. Quan trọng là anh không tham nhũng thì mới dám chống tham nhũng quyết liệt và có trách nhiệm. Ba là, phải hiểu biết luật pháp, làm đúng luật pháp. Đương nhiên, tham nhũng là có tội, nhưng không dám chống tham nhũng hay chống tham nhũng mà không đúng luật pháp cũng là có tội. Tóm lại, chống tham nhũng phải thật lòng, công tâm, khách quan, trong sáng. Lữ Công Dung (34 tuổi, Tiềng Giang); Hoàng Tiến (20 tuổi, Quảng Trị), Lưu Quốc Vũ (23 tuổi, Buôn Mê Thuột); Phạm Hữu Khanh (21 tuổi, Hà Nội) Thưa Thủ tướng, chống tham nhũng Thủ tướng thấy bị ai cản trở không, có vùng cấm không? Cái khó nhất trong chống tham nhũng của Thủ tướng là gì? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đến hôm nay, tôi thấy không ai cản trở mình và cũng không có vùng cấm nào trong việc chống tham nhũng cả. Theo tôi, cái khó nhất trong chống tham nhũng nói gọn lại là ngân sách chưa đủ lo cho đời sống của công chức. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức không gương mẫu, không quyết liệt chống tham nhũng. Không kiên quyết chống tham nhũng ngay với bản thân mình, tại đơn vị mình, địa phương mình. Nhiều nơi, nhiều người mới chỉ kiên quyết chống tham nhũng trên diễn đàn Nguyễn Thị Quyền (89 tuổi, TP.HCM), Nguyễn Văn Nghi (65 tuổi, Hà Nội) Quy hoạch treo gây nhiều thiệt hại cho người dân. Thủ tướng đã có biện pháp gì khắc phục tình trạng này?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chúng ta phát triển đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì không thể không có quy hoạch. Chúng ta phải xây dựng quy hoạch để quản lý quá trình phát triển một cách khoa học và có hiệu quả nhất. Bên cạnh cái được của quy hoạch để góp phần phát triển đất nước, trong thời gian vừa qua đã bộc lộ những yếu kém của công tác quy hoạch. Đó là quy hoạch không phù hợp, không khả thi, kém hiệu quả nhưng không điều chỉnh kịp thời, để kéo dài, mà các bạn cho đó là “quy hoạch treo”. Những quy hoạch không khả thi, để tiếp tục kéo dài như thế gây khó khăn, thiệt hại cho người dân. Người dân có đất trong vùng quy hoạch nhưng không sản xuất, sử dụng được, gây thiệt hại rất lớn. Kể cả khi đã quy hoạch rồi, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rồi cũng không sử dụng để kéo dài. Đây là khuyết điểm trong công tác quy hoạch và cũng là khuyết điểm của chính quyền các cấp. Là người đứng đầu Chính phủ, trong phiên họp Quốc hội vừa rồi, tôi cũng đã nhận phần trách nhiệm của mình về sự yếu kém này. Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo để khắc phục tình trạng này. Một mặt là nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch. Thứ hai là phải yêu cầu rà soát lại và phải sửa theo 3 hướng sau đây: Thứ nhất, là rà soát lại tất cả các quy hoạch. Quy hoạch nào có hiệu quả thì tiếp tục triển khai thực hiện. Đi liền với kế hoạch đó là phải có kế họach tái định cư cho đồng bào sống trong vùng quy hoạch đến nơi ở mới theo đúng chính sách và chiến lược của Đảng và Nhà nước. Thực hiện cho được mục tiêu đến nơi ở mới là có cuộc sống tốt hơn. Thứ 2, quy hoạch nào phù hợp nhưng chưa có điều kiện thì cần quy hoạch trước 1 bước, khi nào có điều kiện thì thực hiện. Thí dụ quy hoạch đường sắt cao tốc, chúng ta đã lên kế hoạch làm điều này từ vài chục năm nay, nhưng chưa có tiền để làm. Đến thời điểm này, chúng ta mới bắt đầu đi vận động để làm, chính vì thế mà chúng ta phải quy hoạch trước để thực hiện. Thứ 3, nếu loại quy hoạch rà soát lại thấy không phù hợp thì phải hủy bỏ và thông báo cho đồng bào sống trong vùng quy hoạch biết để không gây thiệt hại cho nhân dân. Công khai với dân. Việc này Chính phủ sẽ làm xong trong tháng 7 năm nay. Mới đây, theo chỉ thị từ Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành rà soát công tác quy hoạch trong cả nước. Qua rà soát, đã phát hiện gần 1.650 quy hoạch treo, với diện tích khoảng 350.000 ha. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường, về cơ bản Chính phủ đã điều chỉnh theo 3 hướng mà tôi vừa nêu trên. Tôi mong muốn rằng, đồng bào, nhân dân cả nước, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội giám sát và phát hiện các yếu kém của công tác quy hoạch để đáp ứng được yêu cầu phát triển và không gây thiệt hại cho người dân. Phạm Đình Long (78 tuổi, Bình Định); Phạm Huy Hà (63 tuổi, Hà Nội) Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê có được tiếp tục bán theo quy định và Nghị định 61/CP hay không? Chính sách có thay đổi gì không? Xin Thủ tướng cho chúng tôi được biết. Xin cảm ơn Thủ tướng?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nghị định 61 của Chính phủ ban hành năm 1994 trong đó có quy định cho phép bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê. Đây là một chủ trương đúng đắn. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2006 đã có khoảng 200.000 căn nhà được bán, Số còn lại vào khoảng 64000. Mặc dù Chính phủ đã gia hạn hai lần nhưng vẫn chưa xong. Xét nguyện vọng của nhân dân, cùa những người đang thuê nhà, xét quy định trong Nghị định 61 đến nay vẫn còn phù hợp nên trong phiên họp đầu năm, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thực hiện nhưng phải cố gắng xong trong năm 2007, không kéo dài nữa. Trong quá trình này, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Xây dựng kết hợp với các bộ ngành chức năng rà soát lại để xem có phải điều chỉnh, bổ sung gì thêm cho Nghị định để việc bán nhà được thực hiện nhanh hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố rà soát lại xem từ khi thực hiện Nghị định 61 (năm 1994) đến nay, có trường hợp bán nhà nào sai không, nếu sai phải sửa, kể cả việc thu hồi lại. Chính phủ chủ trương không xem lại các trường hợp, đã được giải quyết trước Nghị định 61, theo ngôn ngữ pháp luật là không hồi tố. Lê Ngọc Hùng (47 tuổi, Hà Lan) Thưa Thủ tướng, chúng tôi là Việt kiều đang sống ở nước ngoài rất muốn mua nhà ở ở trong nước để thuận lợi mỗi khi về quê hương nhưng việc mua nhà rất khó khăn. Ngài có giải pháp gì giúp chúng tôi không? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ba triệu đồng bào ta ở nước ngoài là bộ phận máu thịt, không thể tách rời của dân tộc ta. Bộ chính trị, Trung ương Đảng đã có nghị quyết 36 về chính sách với đồng bào ta ở nước ngoài. Thời gian qua Chính phủ cũng đã triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực nhằm đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của đồng bào. Riêng chính sách về việc Việt kiều về quê mua nhà, trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở đã có những quy định hết sức cụ thể về đối tượng được mua nhà. Ví dụ như người về nước để đầu tư, người có công đóng góp cho sự phát triển của đất nước, các nhà khoa học – nhà văn hóa muốn về nước cống hiến, người được phép về định cư lâu dài, và kể cả những người về tạm cư có thời gian 6 tháng. Chính sách này đang được triển khai thực hiện. Tôi cũng hiểu, số bà con được về mua nhà ở trong nước còn ít, thủ tục còn phiền hà. Trong kết luân phiên họp Chính phủ vừa rồi, tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng - người chịu trách nhiệm về vấn đề này - kết hợp với Bộ ngoại giao cùng các bộ, ngành chức năng khác nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để sửa đổi Nghị định này theo hướng mở rộng đối tượng được mua nhà ở, tạo thuận lợi về thủ tục hơn cho đồng bào ta ở nước ngoài về làm ăn sinh sống tại quê nhà. Trần Văn Toán (27 tuổi, TP.HCM) Thủ tướng có giải pháp gì giúp người dân bị thu hồi đất để làm hạ tầng kinh tế-xã hội, làm đô thị, làm khu công nghiệp,… vượt qua được khó khăn, không bị bần cùng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Câu hỏi của bạn cũng là trăn trở của Chính phủ, của bản thân tôi. Đất nước ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đi liền với đó là đô thị hóa. Để làm được việc này, không có cách nào khác là phải chuyển một phần đất nông nghiệp, đất ở của đồng bào sang làm kết cấu hạ tầng, như giao thông, thủy lợi, điện... làm khu công nghiệp, khu kinh tế... Vấn đề này là tất yếu. Nhưng làm sao cùng với việc thu hồi đất, chuyển hướng sử dụng đất phải đi liền với việc tái định cư, tổ chức đời sống đồng bào tốt hơn? Chính phủ đã và đang và sẽ tiếp tục rà soát chỉ đạo làm tốt việc này. Chừng nào chưa thực hiện đúng pháp luật trong thu hồi đất, trong việc tái định cư, chừng nào chưa đáp ứng đúng mục tiêu đồng bào đến nơi ở mới có đời sống tốt hơn thì Chính phủ, chính quyền các cấp còn khuyết điểm với dân. Chính phủ đã chỉ đạo, rà soát lại việc thực hiện các chính sách ở những nơi đồng bào đã bị thu hồi đất để bổ sung hoàn thiện chính sách, kế hoạch nhằm thực hiện bằng được mục tiêu đồng bào bị thu hồi đất phải có đời sống tốt hơn, dứt khoát không để bà con nông dân bị thu hồi đất có đời sống thấp. Chúng tôi sẽ thực hiện bằng đựoc mục tiêu này. Đây cũng là trách nhiệm của Chính phủ với nhân dân. Tạ Anh Tuấn, Ngô Văn Nghị (TP.HCM) Thưa Thủ tướng, một số vị Bộ trưởng hiện nay khả năng yếu kém, bất tài, dư luận đã lên tiếng chỉ trích nhưng vẫn đương chức đương quyền. Vậy Thủ tướng có động thái gì, cải đổi gì và phải thay đổi chính sách sử dụng, bổ nhiệm nhân sự hiện nay như thế nào để có được người có tài, có tâm phục vụ đất nước? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi cho rằng nhận xét một số vị Bộ trưởng hiện nay khả năng yếu kém bất tài là không công bằng và không đúng thực tế. Hiện chính phủ có 26 vị Bộ trưởng, mỗi người đều có ưu và khuyết, có mặt mạnh và có mặt yếu. Nhưng nghiêm túc nhìn nhận thì mặt mạnh, mặt ưu là chủ yếu. Tất cả đều đang cố gắng, nỗ lực hết sức mình để hoàn thành chức trách nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Và không có bộ trưởng nào vi phạm pháp luật phải xử lý cả. Tất nhiên, trong cuộc sống, mỗi người đều có ưu và khuyết điểm, nhưng với mức độ khác nhau thì họ đều hoàn thành được nhiệm vụ. Nghiêm túc nhìn nhận, chúng tôi hiểu Chính phủ và từng bộ trưởng còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong việc nâng cao năng lực, rèn luyện phẩm chất đạo đức để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt hơn mong đợi của nhân dân. Các bạn có hỏi là phải làm gì để có chính sách sử dụng, bồi dưỡng nhân sự, đưa thêm những người có tài, có tâm vào bộ máy Nhà nước. Để chọn người có tâm có tài vào bộ máy Nhà nước, không có cách nào khác là phải dân chủ. Xét cho cùng, dù áp dụng quy trình nào , biện pháp nào, kể cả thi tuyển thì đều phải dân chủ thì mới thực sự chọn được người có tâm có tài vào bộ máy Nhà nước. Đây là việc cần thiết để nâng cao trí tuệ của Đảng và Nhà nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước. Chúng ta đã thực hiện được nhiều biện pháp, nhưng cốt lõi là phải dân chủ, thật sự dân chủ trong việc lựa chọn, khắc phục dân chủ hình thức. Đảng và Nhà nước ta đã, đang và sắp tới sẽ làm được nhiều hơn về vấn đề này. Trương Văn Tiến (Đà Lạt) Thủ tướng đã có phương án nào để củng cố sắp xếp theo hướng tinh giảm bộ máy như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng 10 và Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua đã đặt ra?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quán triệt Nghị quyết Đại hội X, Nghị quyết Hội nghị TW 4 về việc kiện toàn tổ chức bộ máy Đảng và Nhà nước là một nội dung Chính phủ rất quan tâm. Bản thân tôi với tư cách là Thủ tướng cũng rất quan tâm. Đây là một nội dung quan trọng trong cải cách hành chính. Hiện nay Chính phủ có 26 Bộ và cơ quan ngang Bộ. Chúng tôi cũng đã thảo luận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X và Nghị quyết Hội nghị TW 4, chuẩn bị cho Chính phủ trong nhiệm kỳ mới theo hướng chủ yếu là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Như vậy, cũng có thể, số Bộ sẽ ít hơn hiện nay. Và cũng theo hướng không còn cơ quan trực thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước. Đi liền với điều đó là làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ. Mỗi việc chỉ có một bộ chủ trì. Khắc phục tình trạng trùng lặp, tình trạng có lĩnh vực không có người theo dõi, quản lý. Theo tinh thần đó, bộ máy tổ chức của Chính phủ sẽ được trình lên Hội nghị TW 5 sắp tới, trình Quốc hội và theo Hiến pháp, Quốc hội sẽ quyết định. Hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị tích cực, khẩn trương theo tinh thần tinh giảm, hiệu quả, hiệu lực. Tôi xin nhắc lại, cải cách theo hướng Bộ quản lý đa ngành, không còn tổng cục, cơ quan trực thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tránh trùng lặp, tránh để có lĩnh vực không có người quản lý. Theo hướng đó, số Bộ sẽ giảm hơn. Làm như vậy là theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị TW 4 vừa qua. Pham Duong Quoc Tuan Kính chào Thủ tướng ! Vì sao Thủ tướng lại ký chỉ thị nghiêm cấm tư nhân hoá báo chí dưới mọi hình thức? Như vậy, có đi ngược lại mục tiêu tự do dân chủ mà Thủ tướng phấn đấu hay không?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng là thay mặt Chính phủ, tôi đã ký chỉ thị tăng cường quản lý báo chí nhằm phát huy tối đa, phát huy tốt nhất vai trò của báo chí trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong Chỉ thị có một điều quy định nghiêm cấm tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức, và nghiêm cấm không để bất cứ một thế lực nào chi phối hoạt động của báo chí vì lợi ích riêng, trái pháp luật, gây phương hại đến lợi ích đất nước. Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với pháp luật Việt Nam (pháp luật nước ta chưa cho phép tư nhân hóa báo chí) cũng là phù hợp với tuyệt đại đa số nguyện vọng của nhân dân, đồng bào ta. Điều này cũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tôi nghĩ đồng bào nên ủng hộ và các báo chí nên chấp hành. Đối với báo chí nước ta, Đảng ta, Nhà nước ta đánh giá rất cao vai trò của báo chí thời gian qua cũng như trong cả quá trình cách mạng của đất nước. Mong muốn của Đảng, Nhà nước ta là mỗi tờ báo, tạp chí, đài phát thanh và truyền hình (nước ta hiện nay có hơn 600 tờ báo) phải là cơ quan ngôn luận, diễn đàn dân chủ của nhân dân, phải là ngọn cờ chiến đấu của dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những kết quả, thành tựu của báo chí phải được trân trọng, đánh giá đúng mức, khen thưởng kịp thời. Nhưng những sai trái của báo chí cũng phải được xử lý nghiêm minh đúng theo pháp luật. Tôi tin rằng báo chí Việt Nam với truyền thống tốt đẹp của mình sẽ đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, CNH – HĐH đất nước, đóng góp vào thành công của tiến trình hội nhập của nước ta vì mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Phạm Trường Hà, Đinh Toàn Thắng (Hà Nội) Thủ tướng nghĩ thế nào khi có nhận định cho rằng doanh nghiệp nhà nước yếu kém gây thiệt hại cho nền kinh tế. Việc “Tập đoàn hoá các Tổng công ty nhà nước hiện nay là không giống ai, bình mới rượu cũ, thậm chí phình thêm bộ máy, nhân sự, không đúng với bản chất của một tập đoàn kinh tế”?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Về ý kiến của bạn nêu, tôi xin được trao đổi thắng thắn là, nhận định như thế là không khách quan và không đúng thực tế. Doanh nghiệp nhà nước của chúng ta được hình thành trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Tuy các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém, khuyết điểm, nhưng nói một cách sòng phẳng, doanh nghiệp nhà nước đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong giai đoạn đất nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngay cả giai đoạn chúng ta bị bao vây cấm vận và trong 20 năm đổi mới, doanh nghiệp nhà nước đã đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Từ năm 1986 chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều đổi mới để phù hợp và đến nay đã thành công. Đến nay các doanh nghiệp nhà nước đã hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, theo Pháp luật của Nhà nước, hoàn toàn bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Đến 2006, chúng ta chỉ còn 1800 doanh nghiệp nhà nước. Sắp tới đây chúng ta sẽ tiến hành cổ phần hóa, hầu hết doanh nghiệp sẽ chuyển sang đa sở hữu, như vậy chúng ta đã chuyển doanh nghiệp nhà nước họat động từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, từ sở hữu nhà nước thành sở hữu đa thành phần. Năm 2006 vừa qua, doanh nghiệp nhà nước đã đóng góp 30% vào GDP, chiếm gần 40% ngân sách và chiếm 50% giá trị xuất khẩu trong nền kinh tế. Đây là những thông tin chính thống của Chính phủ. Về ý kiến cho rằng phương pháp quản lý, tiêu chí đánh giá những hiệu qủa của doanh nghiệp nhà nước là chưa hợp lý, gây khó khăn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Theo tôi, cách hiểu này cũng không đúng. Hiện nay đánh gía doanh nghiệp nhà nước là đánh giá từ hiệu quả, hiệu quả sản xuất kinh tế, hiệu quả doanh số, hiệu quả theo đồng vốn. Đến nay, chúng ta có 104 tập đoàn nhà nước, tất cả đều họat động tốt có hiệu quả, tốc độ tăng trưởng gần 12%, tiêu chí tăng trưởng dựa vào hiệu quả: đồng vốn nhà nước bỏ ra, doanh số, hiệu quả qua lợi nhuận và kể cả hiệu quả xã hội. Tôi cho rằng đánh giá doanh nghiệp nhà nước như thế là đánh giá theo cơ chế thị trường. Đỗ Thanh Tùng Thủ tướng đã phê duyệt đến năm 2010, mỗi tỉnh có một trường đại học. Như vậy có quá nhiều không? Và sẽ thừa thầy thiếu thợ không, thưa Thủ tướng?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi mới phê duyệt cách đây hơn 1 tháng Đề án phát triển các trường đại học. Bằng sự nỗ lực của đất nước ta trong điều kiện kinh tế khó khăn, đến 2006, chúng ta có 311 trường ĐH-CĐ với số sinh viên theo học là 1,4 triệu, tỷ lệ 167 sinh viên/1 vạn dân. Quy hoạch mà chúng tôi phê duyệt là mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường cao đẳng hoặc đại học, có tỉnh có cả hai và tỉnh lớn có thể có 2-3 trường. Theo quy hoạch, đến năm 2010, cả nước có khoảng 400 trường ĐH-CĐ, đi liền với đó là tỷ lệ 200 sinh viên/1 vạn dân. Dự kiến đến 2020, chúng ta sẽ khoảng 600 trường ĐH-CĐ và đạt tỷ lệ 400 sinh viên/1 vạn dân. Nhưng nhìn lại, thì có phải chúng ta đang thừa thầy thiếu thợ hay không? Hiện nay chúng ta có 167 sinh viên/1 vạn dân, trong khi Thái Lan có 350 sinh viên/1 vạn dân và Mỹ, Nhật có từ 500 đến 600 sinh viên/1 vạn dân. Đến năm 2010, khi chúng ta đạt 200 sinh viên/ 1 vạn dân, năm 2020 đạt 400 sinh viên/ 1 vạn dân thì tỷ lệ sinh viên của các nước cũng sẽ phát triển. Chúng ta đều hiểu nhân tố quyết định cho thành công của sự nghiệp CNH-HĐH là yếu tố con người, nhưng số người được đào tạo của chúng ta lại đang ở mức thấp, nên chúng ta vừa thiếu cả thầy lẫn thợ. Nguồn nhân lực của Việt Nam mới có 27% được đào tạo, trong khi đó tỷ lệ này của các nước cao hơn chúng ta nhiều, thậm chí gấp đôi chúng ta. Vì vậy không có cách nào khác là chúng ta phải đẩy mạnh, dồn sức cả nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân, sự hỗ trợ giúp đỡ bạn bè trên thế giới cho giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học. Nhưng đi liền với số lượng đào tạo là phải nâng cao chất lượng giáo dục, đây là quá trình biện chứng, lượng đổi thì chất phải đổi. Có như vậy chúng ta mới có thể đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để nâng cao chất lượng trong đào tạo cao đẳng, đại học, có nhiều việc phải làm: trường lớp, phòng thí nghiệm, giáo trình, đầu vào sinh viên… nhưng theo tôi yếu tố quan trọng nhất là thầy giáo, là nguồn lực con người. Cho nên đồng thời với quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo, Chính phủ cũng đã có chương trình phát triển nguồn giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Nguyễn Thanh Thuý ( 30 tuổi, Vũng Tàu); Lê Mạnh Thắng (Hà Nội) Thưa Thủ tướng, làm gì để người nghèo được chữa bệnh tại các bệnh viện?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng là người nghèo phải được chữa bệnh. Vấn đề bạn đặt ra rất đúng, đó cũng là mối quan tâm của Đảng và Chính phủ. Để giúp cho người nghèo được khám chữa bệnh, Chính phủ đã có một số chính sách lớn: Thứ nhất, chính sách về bảo hiểm y tế, quy định các đối tượng như cán bộ công nhân viên chức, người về hưu, đối tượng chính sách… là những người được mua bảo hiểm y tế. Thứ hai, quỹ ngân sách chi trả cho người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí. Thứ ba, trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí. Cộng lại ba đối tượng trên thì đã có khoảng 43 triệu người Việt Nam được khám chữa bệnh miễn phí thông qua bảo hiểm y tế, chiếm 52% dân số Việt Nam. Trong điều kiện kinh tế xã hội của đất nước dù đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn còn hết sức khó khăn, ngân sách hạn hẹp. Ngân sách mới có hơn 60 tỷ đô la, dù đã huy động 20 – 21% vào ngân sách thì cũng chưa phải là lớn. Nhưng để giúp người nghèo khám chữa bệnh, vẫn có chính sách như tôi đã trình bày. Tuy nhiên, trong thực hiện thực tế thì có 2 vấn đề: - Thứ nhất, với các đối tượng được hưởng bảo hiểm thì thủ tục chi trả vẫn còn khó khăn. Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, bổ sung để có thể thực hiện tốt hơn. - Thứ hai, trong xã hội có đối tượng là những hộ không thuộc diện nghèo, nhưng đời sống của họ cũng rất khó khăn, theo cách gọi của Bộ Lao động – Thương binh - Xã hội là đối tượng cận nghèo. Đối tượng này chiếm khoảng 18 triệu người, khoảng 20% dân số. Với họ, việc khám chữa bệnh rất khó khăn. Chúng tôi đang yêu cầu xem xét để có hình thức hỗ trợ. Còn lại 28% dân số là những người khá giả, có điều kiện chi trả. Nhưng viện phí của ta hiện nay cũng chưa tính dủ, chưa tính khấu hao xây dựng, khấu hao thiết bị vì Nhà nước còn đầu tư, nên viện phí chỉ là 60 – 70% số tiền thực tế. Sở dĩ tôi nhớ hết những con số cụ thể này vì mới đây tôi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo chuẩn bị cho chính sách bảo hiểm y tế mới. Tóm lại, 52% dân số đã được hưởng chính sách bảo hiểm tuy chưa đủ, 20% hộ cận nghèo cũng sắp có chính sách hỗ trợ, chỉ còn lại 28% khá giả thì đóng viện phí 60 – 70% để góp phần phát triển y tế, phát triển đất nước. Sắp tới, theo tinh thần nghị quyết Đại hội đảng X, Nhà nước tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa y tế. Đồng thời, ngân sách nhà nước sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ, để người hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc y tế đầy đủ. Phạm Trường Giang (27 tuổi, Hà Nội); Huỳnh Mẫn Đạt (21 tuổi, TP.HCM); Huỳnh Lưu Đức Toàn (34 tuổi, Nha Trang); Nguyễn Hữu Duy (TP.HCM) Thưa Thủ tướng, nguồn nhân lực là quyết định nhưng vào đại học, cao đẳng rất tốn kém, học phí rất cao, người nghèo không đủ tiền theo học. Xin được hỏi Thủ tướng có giải pháp nào giúp người nghèo được đi học?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Nhân tài là nguyên khí quốc gia”, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ông cha ta đã đúc kết chân lý như vậy. Đảng và Nhà nước đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trong suốt những năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã tập trung phát triển giáo dục đào tạo. Nói một cách công bằng, nếu không quan tâm đến giáo dục đào tạo, chúng ta không có nguồn nhân lực như hiện nay, không thể đạt được những thành tựu trong quá trình đổi mới. Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến người nghèo, để tạo điều kiện cho đồng bào ta như Bác Hồ mong muốn “người nghèo cũng được đi học”. Đây là mục tiêu, bản chất của chế độ ta. Nhà nước đã có những chính sách miễn học phí toàn bộ đối với học sinh tiểu học; đối với bậc THCS và THPT thì miễn học phí cho người nghèo; ở bậc cao đẳng và đại học cũng miễn học phí cho người nghèo. Cùng với việc miễn học phí, các sinh viên học cao đẳng, đại học được hưởng chính sách cho vay để trang trải chi phí trong quá trình học tập, chính sách này góp phần hiệu quả vào kết quả giáo dục của nước ta. Năm 2006, nếu tính từ mẫu giáo đến đại học, chúng ta có 27,5 triệu người đi học, chiếm 33% dân số. Chúng ta hiện có 1,4 triệu sinh viên đang theo học ở các truờng đại học, cao đẳng. Như vậy Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Ngòai những chính sách trực tiếp, chúng ta còn có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo có con em đi học. Tuy nhiên, nhìn nhận nghiêm túc, nước ta còn nhiều người nghèo không có điều kiện và tiền bạc để đi học trung học, cao đẳng, đại học. Việc này chúng tôi đã thấy và yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị trình Chính phủ đề án học phí mới, trong đó hỗ trợ cho hộ gia đình nghèo, các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng có con em đủ điều kiện học CĐ, ĐH bằng cách miễn học phí, nếu học giỏi được miễn toàn bộ. Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tính toán và trình Chính phủ kế hoạch miễn học phí cho toàn bộ học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc miễn học phí trước đây chỉ áp dụng với học sinh nghèo ở bậc THCS, THPT, nhưng hướng tới đây là miễn cho toàn bộ học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính phủ sẽ xem xét đề án này. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của Nhà nước đồng thời cũng đòi hỏi nỗ lực của mỗi gia đình, mỗi người dân, chúng ta sẽ phấn đấu thực hiện bằng được lời dặn của Bác Hồ “Ai cũng được học hành”. Le Trung Hieu Thưa chú Nguyễn Tấn Dũng, cháu có nguyện vọng sau này sẽ làm Thủ tướng, Xin chú có thể nói cho chúng cháu biết về kinh nghiệm của chú để trở thành một thủ tướng Chính phủ như hiện nay?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trước hết, với cháu Lê Trung Hiếu, chú hoan nghênh nguyện vọng của cháu, chúc cháu sẽ thành công. Về kinh nghiệm của chú để trở thành Thủ tướng Chính phủ, thật tình đến lúc này chú chưa lúc nào có thời gian suy nghĩ xem mình có kinh nghiệm gì để trở thành Thủ tướng. Nhớ lại, hôm Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu bầu Thủ tướng, chú chưa nghĩ sẽ trở thành Thủ tướng Chính phủ. Điều có thể nói ngay với cháu thế này, suốt trong thời gian theo Đảng, theo Cách mạng, chú luôn chấp hành sự phân công của tổ chức, dù nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nguy nan như thế nào cũng không hề lẩn tránh mà tìm mọi cách thực hiện hiệu quả nhất. Thứ hai, với công việc thì nỗ lực làm hết mình, tất cả vì lợi ích của đất nước, của dân tộc. Làm hết sức mình, quyết tâm hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, luôn tôn trọng chủ trương, nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong cuộc sống luôn trung thực, đoàn kết, sống chân thành với mọi người. Đó cũng là điều bình thường của bao nhiêu cán bộ, đảng viên khác đang sống và làm việc. Có người nói càng ở vị trí lãnh đạo trên cao, càng thấy đơn độc nhưng chú không thấy lúc nào mình đơn độc cả. Không biết những người khác nghĩ như thế nào, nhưng chú thấy cuộc đời này lúc nào cũng tốt đẹp. Hoàng Thanh Lê Thưa Thủ tướng, báo chí trong nước, ngoài nước cho là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam còn quá trẻ. Thủ tướng nghĩ gì về nhận xét này?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Năm nay (2007) tôi đã 58 tuổi, nếu tính theo tuổi mụ (tuổi ta) thì đã là 59 tuổi. Còn tính theo tuổi lao động thì còn 2 năm nữa là được nghỉ hưu theo chính sách. Con tôi cũng đã trưởng thành, đang dạy ĐH. Và tôi cũng đã có cháu nội. Vừa rồi, trước khi đi hội nghị DAVOS, tôi có hỏi số liệu thống kê năm 2006 để xem độ tuổi của dân số Việt Nam. Với tuổi của tôi, tôi đã nhiều tuổi hơn 87.8% dân số Việt Nam. Với cách tiếp cận khác nhau thì nhìn nhận sẽ khác nhau, nhưng dù theo cách nào thì tôi cũng không còn trẻ nữa, mà đã nằm trong lớp già của người Việt Nam, nằm trong số 13% những người cao tuổi của đất nước. Nguyen Chi Hieu (TP Ho Chi Minh) Thưa Thủ tướng, có tờ báo đưa tin Ngài có 2 con đi học ở Mỹ và con gái Ngài có chồng Việt kiều. Điều đó có làm ảnh hưởng đến Ngài không? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Như trên vừa nói, tôi chỉ có một con đi học tại Mỹ. Cháu đã học và nghiên cứu, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học chuyên ngành xây dựng dân dụng. Cháu đã trở về và đang phụ trách đào tạo sinh viên sau đại học tại ĐH Kiến trúc TP.HCM. Còn con gái tôi không đi học tại Mỹ. Và cháu cũng chưa có gia đình. Thông tin trên là không đúng. Jeremy Taylor Thưa Thủ tướng, qua báo chí, tôi được biết Ngài là người đã cầm súng chiến đấu chống Mỹ, rất căm thù Mỹ. Ngài nghĩ gì khi cho con trai mình sang du học tại Mỹ? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi có 23 năm trực tiếp chiến đấu chống xâm lược Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Chúng tôi, những người lính chiến đấu trực tiếp trên chiến trường, cũng như những người công dân lúc đo, rất căm thù nhà cầm quyền hiếu chiến, quân đội xâm lược Mỹ. Ngay bản thân tôi cũng 4 lần bị thương trong chiến tranh, trên 30 vết thương và cũng là thương binh hạng 2/4. Cha tôi, chú tôi, cậu tôi cũng hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Chúng tôi cũng như tất cả người Việt Nam rất căm thù nhà cầm quyền hiếu chiến, quân xâm lược Mỹ, nhưng không căm thù cả dân tộc Mỹ, cả đất nước Mỹ. Chúng ta cũng hết sức cám ơn những người dân Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, Chúng ta cũng rất chia sẻ với những bà mẹ Mỹ mất con, mất chồng trrong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Và chắc các bạn cũng nhớ, cả nước rất xúc động khi một thanh niên Mỹ tự thiêu tại Mỹ để phản đối chiến tranh VN. Mặt khác, KHCN nói chung hay khoa học khác cũng là do thế lực xâm lược sử dụng để xâm lược VN. Con tôi là cán bộ trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Cháu đựoc trường, Bộ GD-ĐT cử đi học tập, nghiên cứu tại Mỹ và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học về chuyên ngành kiến trúc xây dựng dân dụng tại 1 trường ĐH Hoa Kỳ. Hiện cháu đang phụ trách đào tạo sau đại học tại trường. Cháu được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên. Khi sang Mỹ học, cháu cũng là Bí thư chi đoàn Phó Bí thứ Chi bộ Đảng của lưu học sinh. Kinh phí chi trả đi học cho con tôi nằm trong kinh phí đào tạo tiến sĩ của Nhà nước. Tôi nghĩ KHCN nói chung và KH Kiến trúc nói riêng không phải là thủ phạm trong chiến tranh Việt Nam. Còn với tư cách 1 quốc gia, 1 dân tộc, một công dân VN chân chính, không ai có quyền được quên quá khứ đau thương của dân tộc mình, Nhưng với tuyền thống hòa hiếu của dân tộc ta, Đảng và Nhà nước chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, đồng thời xây dựng phát quan hệ vì hòa bình hợp tác phát triển và bình đẳng giữa 2 quốc gia, hai dân tộc. Nguyễn Thị Liên (25 tuổi, Cộng hòa LB Đức) Thưa Thủ tướng, theo Thủ tướng thì làm sao thu hút được nhân tài vào bộ máy lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và thu hút được nhân tài vào các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam để chấn hưng nền kinh tế?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng là như phần trên tôi đã trình bày, đất nước ta có thành công trong sự nghiệp CNH-HĐH, trong hội nhập hay không, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực. Nhân tài của đất nước không thiếu. Nhưng đúng là để thu hút người tài vào các doanh nghiệp nhà nước, vào bộ máy của Đảng, Nhà nước để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của chính quyền là vấn đề rất khó. Chúng ta phải thực hiện nhiều việc. Nhưng theo tôi, có 3 việc chính: - Thứ nhất, Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách thích hợp, đúng đắn để đào tạo và trọng dụng nhân tài. Việc này kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xem "hiền tài là nguyên khí quốc gia" và thực hiện lời của Bác Hồ "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Đã có nhiều nghị quyết, chương trình, chính sách đào tạo nhân tài được đề ra. Nói một cách nào đó, thành tựu đạt được 20 năm qua của Đảng, Nhà nước chính là thành tựu sử dụng người tài vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý. Đảng, Nhà nước phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để huy động người tài vào doanh nghiệp nhà nước, vào bộ máy của mình. Việc này đã, đang và sẽ tiếp tục được làm trong thời gian tới. - Thứ hai, phải thực hiện đầy đủ cơ chế thị trường thì nền kinh tế mới phát triển nhanh, bền vững, doanh nghiệp mới phát triển. Có cơ chế thị trường thì mới có cạnh tranh lành mạnh, từ đó mới thu hút được người tài. Có cạnh tranh, có cơ chế thị trường thực sự thì mới xem xét được ai là người tài. Người tài không chỉ thể hiện ở bằng cấp, lời nói, mà quan trọng là phải làm được gì hay không. Học nhiều bằng cấp mà làm doanh nghiệp thua lỗ thì cũng không phải là người tài. Qua cơ chế thị trường, người tài mới thực sự phát huy được năng lực của mình. - Thứ ba, để người có tâm, tài vào làm việc trong bộ máy của Đảng, Nhà nước không có cách nào khác là phải thực hiện dân chủ. Bằng mọi quy trình, bằng mọi cách để thực hiện đầy đủ dân chủ để quần chúng nhân dân lựa chọn người tài. Có rất nhiều cách, nhưng tựu chung lại, phải thực sự dân chủ. Không dân chủ hay chỉ dân chủ hình thức thì không chọn được người tài. Trần Ngọc Hà (40 tuổi, Bắc Giang) Hà Minh Tâm (45 tuổi, Hà Nội), Đào Thị Tâm (52 tuổi, Hải Phòng) Thủ tướng có giải pháp gì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Câu hỏi này rất thiết thực. Chính phủ đã chỉ đạo tích cực việc này. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có hai cuộc họp để cố gắng giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân nói chung và trong dịp Tết nói riêng. Đây là yêu cầu bức xúc của người dân trong điều kiện nền kinh tế - xã hội đang phát triển, yêu cầu chất lượng đời sống được nâng lên. Tuy nhiên, các giải pháp thực hiện nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đồng bộ, kết quả chưa được tốt. Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp, từ kiểm tra trong sản xuất, trong lưu thông, mua bán trên thị trường để sản phẩm đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm những người làm hàng giả, kém chất lượng. Về cơ bản, lâu dài, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ khác xây dựng đề án đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân. Tôi cũng rất mong chính quyền các cấp hết sức có trách nhiệm về vấn đề này. Bên cạnh đó, ý thức tự giác của người dân cũng hết sức quan trọng. Cần có sự tham gia giám sát của người dân, đặc biệt là báo chí. Không để vì lợi ích riêng mà đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Nguyễn Thế Kim (33 tuổi, Bà Rịa –Vũng Tàu), Nguyễn Sơn Nam (21 tuổi, Hà Nội) Thưa Thủ tướng, chúng ta đã là thành viên WTO, phải hội nhập, cạnh tranh quyết liệt nhưng người nghèo còn nhiều quá. Thủ tướng có giải pháp gì để giúp đồng bào ta sớm thoát nghèo?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng, đây là vấn đề trăn trở của Đảng và nhà nước ta. Như tôi đã trình bày, đất nước ta trong cả thế kỷ 20 phải cầm súng đề chiến đấu giành độc lập dân tộc. Chiến tranh tàn phá, nền kinh tế đổ nát. Bằng nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 20 năm đổi mới chúng ta đã đưa đất nước phát triển liên tục, đồng thời với việc xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo. 20 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 19%. Riêng trong năm 2006 ta giảm được 3% số hộ nghèo. Công cuộc xóa đói giảm nghèo của chúng ta được cộng đồng thế giới đánh giá rất cao. Đây cũng là bản chất ưu việt của chế độ. Nhưng đúng như các bạn nêu, ta đã hội nhập mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao quá, nông dân ta còn khó khăn. Đây là vấn đề trăn trở. Để đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo , Đảng và Chính phủ đã có những chính sách chung để mọi người dân có điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhân dân vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Ngoài ra, Chính phủ đã có những chính sách cụ thể chẳng hạn như chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo, trợ giúp vốn, giống, kỹ thuật canh tác cho người nghèo. Chính phủ cũng có chương trình 135 đầu tư cơ sở hạ tầng, trường học, chợ… cho các xã, thôn ấp đặc biệt khó khăn. Chương trình đã tổng kết giai đoạn 1 và đang thực hiện giai đoạn 2. Như vậy là chúng ta đã làm, nhưng vẫn phải làm tốt hơn. Nghị quyết ĐH 9 nói phải làm đường bê tông đến tất cả các xã. Quốc hội đã huy động nguồn vốn bằng phát hành trái phiếu. Nhưng đến nay cả nước còn 200 xã chưa có đường ô tô. Đúng ra ta đã thực hiện xong nhưng các địa phương tách thêm xã. Trong năm 2007 ta sẽ phải làm xong. Chính phủ còn có chương trình 134 hỗ trợ hộ nghèo sản xuất, hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng để có đất sản xuất, hay hỗ trợ 5 triệu đồng để có nhà ở, hỗ trợ nước sạch… Chính phủ có chương trình định canh định cư cho đồng bào du canh du cư, chương trình bố trí dân cư ở các huyện biên giới Việt – Trung, Việt – Lào… Rồi chương trình hỗ trợ hay chính sách miễn học phí cho người nghèo, hoặc chương trình trợ giúp cho hộ nghèo vay vốn… Mới đây nghe báo cáo của Ủy ban dân tộc là cả nước hiện còn 80 ngàn hộ đặc biệt khó khăn chính phủ đã quyết định trợ giúp 1 lần mỗi hộ 5 triệu. Những chính sách cụ thể như thế sẽ cùng với những chính sách chung và nỗ lực của chính những người dân giúp chúng ta thực hiện tốt và sẽ tiến nhanh hơn trong việc xóa đói giảm nghèo. Để tiếp tục cải thiện đời sống của nông dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, trong đó có những giải pháp quan trọng như: - Tập trung đầu tư hạ tầng như tôi đã trình bày. - Có chiến sách khuyến khích, tạo điều kiện đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất thủy sản để giảm giá thành sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng. - Có chính sách khuyến khích phát triển nhanh và nhiều các loại hình doanh nghiệp sản xuất trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo việc làm, tăng điều kiện sống cho nông dân, phát triển nong thôn. - Phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề. Hiện cả nước có 43 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó 30 triệu ở nông thôn, 13 triệu ở thành phố. Trong 30 triệu đó nếu quy theo thời gian thì vẫn còn 20% chưa có việc làm. Chính thông qua giáo dục đào tạo, ta sẽ tạo điều kiện để 20% đó có cơ hội. - Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về văn hóa, xã hội, môi trường… mà cả xã hội quan tâm Chính phủ rất mong với nỗ lực vươn lên của từng người dân và những chính sách của nhà nước, công cuộc xóa đói giảm nghèo của ta sẽ sớm thành công. Vũ Thanh Hữu Thưa Thủ tướng, trong cuộc sống hàng ngày ông yêu điều gì nhất và ghét cái gì nhất?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi xin nói suy nghĩ riêng của mình. Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực, ghét nhất, giận nhất là sự giả dối.
(Nguồn: Chính phủ)
Báo cáo phân tích thị trường
|