Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DOANH NGHIỆP VIỆT TRƯỚC ÁP LỰC ĐỔI MỚI
13 | 10 | 2016
Vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn của đất nước, các doanh nghiệp Việt Nam (DN VN) đã chứng minh khả năng thích nghi và sinh tồn của mình, nhưng để chiến thắng trên sân chơi hội nhập, các DN phải sáng tạo và trở thành một phần trong cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư đang thay đổi rất nhiều ngành công nghiệp theo cách mà không ai tưởng tượng được.

Phát biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu” được tổ chức tại Hà Nội ngày 11/10 vừa qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – TS Vũ Tiến Lộc đã nhìn nhận rằng, 5 năm qua cũng là 5 năm DN phải chật vật với những nỗ lực tái cấu trúc để tồn tại. Và mặc dù đã bắt đầu thai nghén những DN mới tiềm năng, nhưng cộng đồng DN Việt Nam vẫn chưa định hướng được một diện mạo mới có thể tạo ra những đột phá có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập.

Thế hệ DN cũ

“Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Xét về tổng tài sản, một số DN có quy mô tương đối lớn được xếp hạng cao trong khu vực, nhưng nhìn chung về hiệu quả và chất lượng thì còn nhiều việc phải bàn” – TS Lộc trăn trở.

Đúng như ông Lộc nói, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã có những DN tư nhân tầm cỡ lớn có tổng tài sản lên tới hàng chục tỷ USD như Vingroup, Viettel, Vietjet hay Tập đoàn TH. Cũng đã có những doanh nhân được xếp vào danh sách những tỷ phú trên thế giới như ông Phạm Nhật Vượng. Nhưng những DN đó, những doanh nhân nổi tiếng đó hiện vẫn chủ yếu hoạt động trong khu vực tài chính ngân hàng và bất động sản.

Hơn nữa, một điều đáng buồn là họ vẫn là con số nhỏ trong tổng thể bức tranh vẽ về các DN Việt Nam. Tuyệt đại bộ phận DN Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, mà theo ông Lộc thì tính bài bản và chuyên nghiệp của những DN này “còn xa mới đạt tới các chuẩn mực phổ biến toàn cầu”.

Ông Chang Hee Lee – Giám đốc Tổ chức Lao động Thế giới tại Việt Nam, cũng một lần nữa khẳng định rằng các DN trong nước hiện nay nếu có tham gia vào cuộc chơi toàn cầu thì cũng chỉ ở điểm thấp nhất của chuỗi giá trị. Có nghĩa là làm những công việc đơn giản nhất mà không đỏi hỏi sự sáng tạo, không tạo ra giá trị gia tăng cao, thay vào đó chỉ là tận dụng lợi thế lao động giá rẻ.

Cuộc cách mạng công nghệ

Nhưng những lợi thế đó rồi cũng sẽ chẳng còn tồn tại lâu. Với tư cách là người đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, ông Lộc đã rất lo lắng rằng một ngày nào đó không xa, nếu DN trong nước không sáng tạo hơn và vươn lên một chuẩn mực toàn cầu trong quản trị hay cả về chiến lược, thì các DN sẽ khó mà trụ vững được.

“Tác động cộng hưởng của hội nhập với cuộc Cách mạng khoa học, công nghệ lần thứ tư sẽ tạo ra những áp lực cực lớn với cả cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân” – ông Lộc đưa ra lời cảnh báo.

Theo ông Lộc, những lợi thế về tài nguyên và lao động sẽ suy giảm, thương mại quốc tế có xu hướng đảo chiều khi các ngành công nghiệp cần nhiều lao động và thâm dụng tài nguyên có thể sẽ trở lại chính quốc ở Châu Âu và Bắc Mỹ với công nghệ tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới.

Việc Tập đoàn công nghệ, đầu tư hàng đầu Foxconn vừa quyết định sử dụng 60.000 rô bốt thay cho công nhân bản địa ở Trung Quốc và việc Nike, Adiddas quyết định trở lại đầu tư tại Mỹ và Đức để gần với các trung tâm thiết kế, nghiên cứu và thị trường tiêu dùng là những dấu hiệu cho chuyển dịch công nghệ và đảo chiều của thương mại quốc tế đối với các sản phẩm công nghiệp.

Khi trao đổi về vấn đề này, ông Sanket Ray – Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam, cũng đã khẳng định rằng, các sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới hướng tới người tiêu dùng và cộng đồng sẽ là chìa khóa để các DN Việt cạnh tranh với DN nước ngoài.

Sở dĩ ông Ray nói như vậy vì ông kể rằng Coca-Cola tồn tại được 130 năm và mở rộng ra hơn 200 thị trường là nhờ vào sự sáng tạo không ngừng.

“Chúng tôi là một DN với hơn 130 năm kinh nghiệm, sản phẩm đơn giản và không phức tạp, vậy tại sao chúng tôi tồn tại được đến ngày nay? Có nhiều công thức thành công, công thức của chúng tôi là biến thành một trường đại học của những sáng kiến. Chúng tôi phát triển sáng kiến từ đó tạo ra giá trị” – ông Ray chia sẻ.

Có thể sẽ là khập khiễng khi so sánh Coca-Cola, một tập đoàn đa quốc gia thuộc hàng lớn nhất thế giới, với các DN Việt Nam, nhưng thông điệp ông Ray chia sẻ có thể là một kinh nghiệm hay bài học để các DN trong nước noi theo.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, đã đến lúc DN trong nước phải định vị lại các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi trong bối cảnh của cuộc Cách mạng khoa học, công nghệ lần thứ tư đang diễn ra.

“Các lĩnh vực kinh tế dịch vụ, thương mại, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, IT là những định hướng phát triển quan trọng. Nhưng nền tảng của nền kinh tế trong điều kiện phát triển của Việt Nam trong những năm tới vẫn là công nghiệp, và chúng ta phải có được một thế hệ các nhà công nghiệp, làm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” – ông Lộc nhìn nhận.

 


Diễn đàn doanh nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường