Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tin vắn ngành thịt ngày 17/11
17 | 11 | 2016
Lượng Huệ mở nhà máy chế biến mới. Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Trung Quốc chạm mức 500.000 tấn trong năm 2016. Các nhà sản xuất chăn nuôi Việt Nam kêu gọi xuất khẩu lợn qua các kênh chính ngạch. Doanh thu TMĐT trong 1 ngày của Kerchin đạt 4,5 triệu USD. Xu hướng tăng tiếp tục chi phối chỉ số giá thực phẩm của FAO

Lượng Huệ mở nhà máy chế biến mới

Lượng Huệ, nhà sản xuất gà giống bản địa lớn thứ 3 Việt Nam dự kiến bắt đầu vận hành nhà máy chế biến mới vào cuối tháng 11, nhằm đưa ngành gà bản địa lên tầm cao mới về chất lượng và tiêu chuẩn an toàn. Đầu tư hơn 1 triệu USD trong giai đoạn 1 của dự án, nhà máy được trang bị dây chuyền giết mổ công suất 1.000 – 1.500 con/h từ Bayle của Pháp. Giám đốc điều hành Phạm Văn Lượng cho biết tổng giá trị dự án là 5 triệu USD, với mục tiêu thiết lập một chuỗi giá trị khép kín các giống gà bản địa của Lượng Huệ cho cả thị trường trong nước và quốc tế.

Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Trung Quốc chạm mức 500.000 tấn trong năm 2016

Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ (USMEF) cho biết lượng xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc năm 2016 dự kiến dao động từ 400.000 – 500.000 tấn, trị giá 500 – 600 triệu USD, tăng 80 – 90% so với năm 2015. Trong 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ngành thịt từ Mỹ sang Trung Quốc đạt 252.000 tấn, đạt 440 triệu USD. Giá thịt lợn Mỹ dự kiến duy trì ở mức thấp trong năm 2016 và năm 2017 do sản xuất nội địa tăng và nguồn cung sẵn dồi dào.

Các nhà sản xuất chăn nuôi Việt Nam kêu gọi xuất khẩu lợn qua các kênh chính ngạch

Các nhà sản xuất lợn Việt Nam nên sử dụng các kênh chính ngạch khi xuất khẩu lợn sang Trung Quốc thay vì qua kênh tiểu ngạch để tránh biến động cầu và giá. Theo Cục Thú y, các nhà sản xuất có thể ký hợp đồng và chuẩn bị tốt hơn kế hoạch sản xuất khi xuất khẩu qua kênh chính ngạch. Đồng thời, đại diện Cục Thú y nhấn mạnh các cơ quan – tổ chức liên quan của cả hai nước nên đàm phán một thỏa thuận về thú y để đạt mục tiêu chính ngạch hóa thương mại. Các nhà sản xuất Việt Nam phải tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu và có kế hoạch sản xuất chủ động nếu không muốn tiếp tục đối mặt với rủi ro bất cân đối cung – cầu và mất kiểm soát về giá.

Doanh thu TMĐT trong 1 ngày của Kerchin đạt 4,5 triệu USD

Kerchin Cattle Industry Co, nhà sản xuất thịt bò lớn thứ 2 của Trung Quốc, cho biết doanh số bán hàng trực tuyến trong ngày 11/11 đạt mức 4,5 triệu USD. Chỉ tính riêng gian hàng tại Tmall, doanh thu của Kerchin đã tăng 47,8% so với ngày 11/11/2015 lên 3,2 triệu USD, đứng đầu trong phân khúc thực phẩm tươi. Các sản phẩm thịt bò của Kerchin cũng được chào bán trên Taobao, JD.com và Yihaodian. Ngày hội mua sắm 11/11 được coi là Black Friday của Trung Quốc, tổ chức vào 11/11 hàng năm và là sáng kiến của Alibaba, công ty mẹ của Tmall và Taobao vào năm 2009. Sau đó, các sàn thương mại điện tử khác đã áp dụng ý tưởng tương tự, tạo nên ngày hội mua sắm trực tuyến hàng năm lớn nhất Trung Quốc.

Xu hướng tăng tiếp tục chi phối chỉ số giá thực phẩm của FAO

Chỉ số giá thịt toàn cầu của FAO trong tháng 10 giảm do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm, nhưng không ngăn được xu hướng tăng của chỉ số giá thực phẩm nói chung, theo tính toán của FAO.

Chỉ số giá thịt của FAO giảm 1% trong tháng 10 so với tháng 9, chủ yếu do nguồn cung nội địa dư thừa tại EU và giảm giá xuất khẩu thịt lợn EU do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc chậm lại. Chỉ số giá thịt giảm còn do giá xuất khẩu thịt bò tại khu vực châu Á Thái Bình Dương giảm do sản xuất tại Mỹ tăng làm giảm nhu cầu nhập khẩu.

Chỉ số giá thực phẩm của FAO tiếp tục tăng từ đầu năm đến nay, ngoại trừ đợt giảm nhẹ trong tháng 7.

Theo Asian Agribiz



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường