Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Thương mại gạo toàn cầu giảm 6% trong năm 2016, phục hồi nhẹ trong năm 2017
24 | 12 | 2016
Trong báo cáo tháng 12/2016, FAO hạ dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2016 thêm 1,1 triệu tấn so với báo cáo tháng 10, xuống còn 42 triệu tấn gạo, tức giảm 6% so với năm 2015 – vốn cũng là năm giảm thương mại gạo toàn cầu. Triển vọng tiêu cực chủ yếu do giảm xuất khẩu tại các nước châu Á, xuất phát từ tình trạng nguồn cung gạo nội địa dồi dào và các chính sách thương mại tăng cường bảo hộ, đặc biệt là trong trường hợp của Sri Lanka và Bangladesh – hai nước có mức nhập khẩu gạo thấp kỷ lục trong nhiều năm do giá gạo nội địa giảm và tăng thuế nhập khẩu gạo. Philippines cũng giảm mạnh nhập khẩu gạo, khi kim ngạch nhập khẩu của nước này giảm gần 1 triệu tấn trong năm 2016 so với năm 2015, do giá ổn định và các kho dự trữ dồi dào làm giảm động lực nhập khẩu gạo chính thức trong năm 2016.

Phụ thuộc vào nguồn dự trữ đầy đủ, Saudi Arabia cũng giảm mua, trong khi với trường hợp của Trung Quốc đại lục, giảm nhập khẩu gạo chủ yếu do nước này tăng cường giám sát thương mại biên giới. Động thái này của Trung Quốc đã làm giảm 400.000 tấn gạo vận chuyển tiểu ngạch qua biên giới so với ước tính trước đó của FAO, đẩy nhập khẩu gạo của nước này giảm 11%, xuống còn 5,9 triệu tấn. Châu Á giảm nhập khẩu, thị trường châu Phi chỉ phục hồi nhẹ nhờ hai vụ sản xuát bội thu liên tiếp và đồng tiền giảm giá. Sự suy giảm này áp đảo tăng nhập khẩu tại châu Âu, Bắc Mỹ và đặc biệt là Mỹ Latin và Caribbean, các khu vực có sản lượng lúa gạo giảm và giá nội địa tăng cao khiến nhập khẩu gạo tăng lên mức cao kỷ lục.

Về phía cung, Việt Nam được dự báo sẽ hứng chịu phần lớn tác động của suy giảm thương mại gạo toàn cầu trong năm 2016, khi kim ngạch xuất khẩu gạo giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm, do sản lượng lúa gạo giảm và nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính suy yếu. Với chiến dịch giám sát chặt chẽ thương mại tiểu ngạch của Trung Quốc, các nỗ lực xuất khẩu gạo qua đường này của Việt Nam và Myanmar đều bị tác động tiêu cực. Xuất khẩu gạo của Úc, Brazil và Ấn Độ cũng giảm do sản lượng nội địa giảm. Trong khi đó, nguồn gạo dự trữ dồi dào đã cho phép Argentina, Pakistan, Paraguay, Thái Lan, Mỹ và Uruguay xoay xở tốt dù sản xuất nội địa giảm và tăng xuất khẩu gạo trong năm 2016. Xuất khẩu gạo của Campuchia, Trung Quốc đại lục, EU và Nga đều được dự báo tăng trong năm 2016.

Về triển vọng năm 2017, thương mại gạo năm tới được dự đoán đạt 42,9 triệu tấn, chỉ tăng 2% so với năm 2016. Thương mại gạo được dự báo tăng do giá gạo đang ở mức hấp dẫn và được kỳ vọng sẽ thu hút nhu cầu nhập khẩu của một số nước nhập khẩu lớn tại châu Á và châu Phi, sau khi sản xuất giảm hoặc nhập khẩu giảm trong năm 2016. Tuy vậy, triển vọng nhập khẩu gạo của cả châu Á và châu Phi đều có thể bị kìm hãm bởi đồng nội tệ yếu và các chính sách hạn chế, do đó nhập khẩu gạo của các khu vực này trong năm 2017 được dự đoán sẽ không trở lại mức cao đạt được vào năm 2014 hay 2015.

Triển vọng tích cực hơn đối với châu Âu và Bắc Mỹ là các hu vực có nhu cầu nội địa mạnh, có thể thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu trong năm 2017. Nhu cầu nhập khẩu được dự báo sẽ giảm tại Mỹ Latin và Caribbean nhờ sản xuất nội địa tăng và giá gạo nội địa giảm.

Trong số các nước xuất khẩu, Ấn Độ được dự báo duy trì ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thé giới trong năm thứ 6 liên tiếp, và xuất khẩu của nước này được thúc đẩy nhờ sản xuất nội địa tăng.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam, Úc, Trung Quốc đại lục, Pakistan và Mỹ cũng được dự báo tăng nhờ nguồn cung khả dụng xuất khẩu được cải thiện, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu gạo của các nước này sẽ bị kìm hãm do cạnh tranh rất mạnh tại các thị trường. Ngược lại, xuất khẩu gạo từ Argentina, Brazil, Campuchia, Guyana, Myanmar, Paraguay, Uruguay và Thái Lan được dự báo giảm trong năm 2017.

Theo FAO



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường