Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ấn Độ đang tiêu thụ phần lớn lượng điều sản xuất nội địa
05 | 01 | 2017
Xuất khẩu điều của Ấn Độ tiếp tục suy giảm trong thời điểm tiêu dùng điều toàn cầu tăng trưởng ổn định. Ấn Độ vẫn đang ở vị thế dẫn đầu về sản xuất và tiêu dùng hạt điều trên thế giới.

Hiện Ấn Độ là nước tiêu dùng điều nhân lớn nhất thế giới, chiếm hơn 25% nguồn cung. “Nhu cầu điều nhân tại Ấn Độ đã tăng 53% kể từ năm 2010 và gần một nửa nguồn cung điều nhân toàn cầu được tiêu thụ tại Ấn Độ và Mỹ”, theo báo chí nước này cho biết. Về cơ cấu thị phần thị trường điều nhân toàn cầu, Việt Nam hiện chiếm 58% nguồn cung và Ấn Độ chiếm 23%.

Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng trái cây sấy và hạt quốc tế (INC), trong niên vụ 2015/16, Ấn Độ dẫn đầu sản xuất hạt điều toàn cầu, với sản lượng điều nhân đạt 172.719 tấn, chiếm 23%, theo sau là Bờ Biển Ngà với 171.111 tấn, chiếm 23% và Việt Nam với 113.095 tấn, chiếm 15%. Sản xuất điều toàn cầu niên vụ 2015/16 đạt 738.861 tấn, tăng 3% so với niên vụ trước.

Trong thị trường các loại hạt trị giá đến 30 tỷ USD và tăng trưởng ổn định, phân khúc hạt điều sẽ tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng và được dự đoán chiếm 28,91% thị trường các loại hạt đến năm 2021.

Phân khúc hạt óc chó được dự báo theo sát phía sau. Châu Á Thái Bình Dương chiếm thị phần áp đảo về mặt địa lý, chiếm 92,62% thị trường các loại hạt đến năm 2021.

Tuy nhiên, Bắc Mỹ được cho là sẽ dẫn đầu thị trường các loại hạt, chiếm 35,15% thị phần thị trường đến năm 2021. Tiêu dùng hạt điều toàn cầu theo dữ liệu cập nhật nhất của INC ở mức 716.682 tấn trong năm 2014, so với mức 469.241 tấn trong năm 2010.

Trong đó, Ấn Độ tiêu thụ khoảng 240.000 tấn, Mỹ tiêu thụ khoảng 150.000 tấn. Từ tháng 4 – 11/2016, xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ tiếp tục khuynh hướng giảm 28,04%, xuống còn 50.267 tấn, từ mức 69.856 tấn trong cùng kỳ năm tài khóa trước. Xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ trong tháng 11/2016 giảm 38,89% xuống còn 6.500 tấn, từ mức 10.737 tấn trong cùng kỳ năm 2015.

Trong khi đó, đơn giá điều nhân tăng mạnh, từ mức 423,36 Rupee/kg trong tháng 11/2015 lên 632,31 Rupee/kg trong tháng 11/2016, theo Hội đồng xúc tiến xuất khẩu hạt điều Ấn Độ (CEPCI) cho biết.

Theo chủ tịch CEPCI, các nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng suy giảm liên tục xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ là do các nhà chế biến hạt điều của nước này không được hoạt động trong môi trường cạnh tranh công bằng: (i) Chi phí sản xuất cao; (ii) Không nhận được đầy đủ hỗ trợ/khuyến khích từ phía chính quyền trung ương và địa phương; (iii) Chi phí tài chính cao; (iv) Suy giảm thị trường quốc tế do suy thoái kinh tế toàn cầu; (v) Cạnh tranh mạnh từ Việt Nam và các nước chế biến hạt điều khác, vốn là nguồn cung điều thô truyền thống cho Ấn Độ.

Các yếu tố này, cộng với giá điều thô và các Tiêu chuẩn đầu vào – đầu ra do Cơ quan Ngoại thương quy định cho ngành điều, dẫn tới suy giảm liên tục xuất khẩu, dẫn tới giá điều thô nội địa giảm. Nhập khẩu điều thô của Ấn Độ đã giảm mạnh 30% trong 8 tháng đầu năm tài khóa 2016 – 17 xuống còn 569.304 tấn, so với mức 811.007 tấn trong cùng kỳ năm tài khóa trước. Đơn giá điều thô nhập khẩu tăng 25,61% từ 85,75 Rupee/kg vào tháng 4 – 11/2015 lên 107,31 Rupee/kg vào tháng 4 – 11/2016.

Theo The Hindu Business Line



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường