Những con số đáng lưu ý
Theo nghiên cứu của BMTCA, diện tích cà phê của tỉnh hiện có 203.707 ha; diện tích đã được tái canh giai đoạn 2011-2016 là 16.407 ha; diện tích cần tái canh giai đoạn 2017-2020 gần 29 nghìn ha. Nhằm phục vụ tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh, từ năm 2014, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ hệ thống Ngân hàng NN-PTNT tại Đắk Lắk thông qua hình thức tái cấp vốn để thực hiện gói tín dụng 3 nghìn tỷ đồng, với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 2,5%. Thế nhưng đến tháng 3-2017, dư nợ cho vay tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh đạt gần 199 tỷ đồng, với 863 khách hàng còn dư nợ; trong khi chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ mới chỉ giải ngân được gần 77,6 tỷ đồng, với 78 khách hàng còn dư nợ. Như vậy, sau 3 năm triển khai, việc giải ngân gói tín dụng tái canh cà phê được xem là chưa thành công.
|
Theo điều tra của BMTCA tại các huyện Cư Kuin, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột, hầu hết nông hộ trồng cà phê đánh giá việc tái canh là rất cần thiết. Thế nhưng trong số 219 hộ được khảo sát, có 68,22% hộ có vay vốn trong 3 năm gần đây, trong đó có 78,1% hộ có nhu cầu tái canh cà phê, nhưng có đến 96,52% vay vốn theo kênh tín dụng thông thường của các ngân hàng. Đáng chú ý, có 39,3% số hộ được khảo sát gặp rào cản về sự rườm rà của thủ tục vay vốn, 37,4% cho rằng lãi suất chưa hợp lý; 18,7% số hộ cho là không biết vay ở đâu… Đối với doanh nghiệp (DN) trồng cà phê, gần 91% trong số họ có nhu cầu tái canh, nhưng hiện đang rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, bởi 91% số đó muốn vay số tiền lớn, 82% muốn vay không cần thế chấp và 73% muốn vay trong thời gian dài… đều là những nhu cầu khó được phía ngân hàng chấp nhận trong giai đoạn hiện nay. Một vấn đề đáng quan tâm khác là hầu hết đối tượng được khảo sát đều xác nhận việc tiếp cận thông tin về tín dụng tái canh cà phê đều thông qua các kênh không chính thức như qua bạn bè, người thân (68,8%) hoặc qua các phương tiện truyền thông mà chưa được tiếp cận trực tiếp từ phía ngân hàng hay các tổ chức đoàn thể.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trước thực tế trên, Hội thảo đã đề xuất hệ thống giải pháp trong việc hoạch định, thực thi chính sách hỗ trợ tín dụng ngân hàng trong việc tái canh cà phê. Theo đó, nhóm giải pháp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước gồm chú trọng tuyên truyền chính sách tín dụng tái canh cà phê, thay đổi phương pháp xác nhận diện tích tái canh; nhóm giải pháp từ phía người sản xuất cà phê gồm nâng cao khả năng hạch toán và quản lý trong sản xuất cà phê, chú trọng mô hình sản xuất có sự liên kết; nhóm giải pháp từ phía ngân hàng thương mại là phải thay đổi phương thức và thủ tục cho vay, triển khai phương thức cho vay không thế chấp... Theo Phó Giám đốc Công ty 123 GLOBAL Lê Thị Mỹ Tâm, các nhóm giải pháp trên phải được thực hiện đồng thời và có giá trị như nhau. Chẳng hạn đối với công tác tuyên truyền, nếu thông tin chính xác đến được từng đối tượng sản xuất sẽ nâng cao khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm quyền và lợi ích của người đi vay. Hay như việc thay đổi phương thức xác nhận diện tích tái canh nếu thực hiện phải có sự vào cuộc từ các bộ, ngành liên quan để đưa ra chính sách vĩ mô thông qua cách xác định chính xác diện tích được quy hoạch, tạo điều kiện cho địa phương xác nhận cho người đi vay. Trong khi đó, việc thay đổi phương thức cho vay để giảm bớt thủ tục, thời gian giải ngân, tài sản bảo đảm, điều kiện cho vay, lãi suất… phù hợp với thực tiễn địa phương đều nằm trong khả năng của các tổ chức tín dụng. Liên quan đến các tổ chức tín dụng, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Hắc Hiển (Sở NN-PTNT), việc cấp tín dụng tái canh cà phê cần được mở rộng cho nhiều ngân hàng thực hiện, từ đó tạo ra sự cạnh tranh, tạo điều kiện cho người trồng cà phê có thêm cơ hội tiếp cận vốn vay.
Chủ tịch BMTCA Trịnh Đức Minh cho rằng, những nhóm giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra cần được xem xét một cách nghiêm túc nhằm thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn tái canh, đáp ứng nhu cầu của người dân và DN trồng cà phê.
Theo baodaklak.vn