Sản lượng cao su tự nhiên trong 9 tháng đầu năm 2017 của Campuchia đạt 115.843 tấn, trong đó 114.991 tấn dùng để xuất khẩu, thu về 192 triệu USD.
Giá xuất khẩu cao su tự nhiên trung bình của Campuchia trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 1.672 USD/tấn, tăng 578 USD/tấn tương đương 53% so với cùng kỳ năm 2016, theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông lâm thủy sản Campuchia.
Diện tích trồng cao su của Campuchia hiện ở mức 432.096 ha, trong đó 163.130ha, tương đương 37,77%, đang cho thu hoạch.
Campuchia xuất khẩu cao su sang Trung Quốc, Việt Nam, Singapore và Malaysia. Năm 2016, Campuchia đã xuất khẩu khoảng 140.000 tấn cao su tự nhiên, thu về gần 180 triệu USD. Ông Pol Sopha, người đứng đầu ngành trồng trọt Campuchia cho biết ông rất lạc quan về sự mở rộng của ngành cao su. Lim Heng, phó chủ tịch An Mady Group Co, hồi đầu năm nay kêu gọi chính phủ giảm thuế xuất khẩu cao su tự nhiên để thúc đẩy đầu tư nội địa. “Giá cao su hiện đang ổn định do giá dầu. Nhưng chúng tôi muốn chính phủ xem xét giảm thuế cho xuất khẩu cao su khi giá thế giới giảm, để giúp đầu tư nội địa và các công ty nội địa tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
Ông Sopha cho hay, Campuchia đang nỗ lực mở rộng các thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc – vốn là nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, chính phủ nước này cũng đang hợp tác để thành lập các nhà máy sản xuất các sản phẩm từ cao su để tạo công ăn việc làm nội địa. Trung Quốc muốn nhập khẩu 300.000 tấn cao su từ Campuchia đến đầu năm 2018, nên đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất cao su tự nhiên nội địa.
Theo Khmer Times (gappingworld.com)