Tại sao lại thiếu hai người?
Trước khi tổ điều tra của huyện, thành phố, tỉnh đến xã Bàn Cờ, họ đã nghiên cứu kỹ bức thư tôi viết. Họ không tin tưởng những số liệu đề cập trong bức thư là chân thật. Đến xã trưởng Hà là xã trưởng lâu năm ở xã Bàn Cờ cũng kiên quyết nói tôi bịa, nói quá sự thật. Thậm chí đến bí thư đảng ủy xã tiền nhiệm Cảnh Thanh Xưng dám đảm bảo chịu mất đầu nói rằng tình hình kinh tế của xã Bàn Cờ không hề có như trong thư đã viết.
Tôi cảm thấy vấn đề tổ điều tra quan tâm không phải là những điểm trong thư tôi đã viết, làm thế nào để nghiên cứu giải quyết những điều đã phản ảnh trong thư. Mục đích của tổ là tìm đủ chứng cớ để phủ nhận bức thư này.
Tôi đến xã Bàn Cờ công tác, tuy thời gian không dài nhưng với hơn 17 năm kinh nghiệm công tác ở nông thôn đã rèn luyện cho tôi được một thói quen: mỗi khi đến một cơ sở nào mới đều phải tìm hiểu kỹ và nắm chắc tình hình số liệu cụ thể ở địa phương đó từ trước đến nay.
Xã Bàn Cờ được thành lập từ năm 1987, đến nay chưa bao giờ có quyết toán hằng năm chính xác và dứt điểm. Tôi tổ chức một tổ chuyên chỉnh lý lại sổ sách, mất hai tháng trời mới rõ được mọi ngọn nguồn.
Vừa mới điều tra, lập trường của các tổ viên không thống nhất, tranh luận rất ác liệt. Nhưng dần dần tổ điều tra được thâm nhập sâu hơn. Các đồng chí tham gia mỗi ngày quan điểm một nhích lại gần nhau hơn, cuối cùng đều thống nhất với quan điểm của tôi như đã viết trong thư.
Tình thế cuộc điều tra phát triển như vậy làm tổ trưởng tổ điều tra của huyện, thành phố cảm thấy thất vọng. Nhưng cuối cùng tôi cũng bị họ bắt bẻ một điều là số cán bộ nhân viên ăn cơm theo tài chính xã Bàn Cờ sao lại thiếu hai người?
Chánh văn phòng huyện ủy nắm lấy cớ này để nói trước đây huyện ủy nắm rất chắc số liệu, tác phong sâu sát thật sự cầu thị như thế nào, không bao giờ để xảy ra báo cáo sai con số... Chánh văn phòng huyện ủy mượn cớ này để phê bình bóng gió tôi dám viết thư báo cáo lên trung ương, phản ảnh tình hình không thật sự cầu thị.
Nhưng một đồng chí khác ở tổ điều tra tỉnh có họ là Nghiêm nghe không lọt tai, vội cắt đứt ý kiến của chánh văn phòng huyện ủy Lưu, nói: “Ông Lưu! Bí thư Lý phản ảnh tình hình lên trung ương về cơ bản là đúng sự thật, tổ điều tra không nên đi sâu vào chỗ vụn vặt như vậy”.
Các “đối sách”
Tổ điều tra của phòng lương thực đến điều tra việc chấp hành chính sách thu mua lương thực của trung ương, lấy chứng cứ trên hóa đơn 1,1đ/kg, cho như vậy đã chấp hành đúng chế độ chính sách của nhà nước, không tìm hiểu vì sao nông dân chỉ nhận được 0,7đ/kg. Họ không cần biết. Họ không quan tâm mặt này, chỉ cần chứng từ hóa đơn ghi đúng 1,1đ/kg là sự thật. Lãnh đạo HTX tín dụng thành phố đến điều tra về tình hình cho vay nợ thấy lãi suất 21%/năm. Họ nói đó là phù hợp với chính sách, nhưng nhân dân xã Bàn Cờ nói là không phù hợp với chính sách. Họ thẳng thừng trả lời:
- “Nếu không phù hợp thì các vị đến ngân hàng trung ương mà vay”.
Tổ điều tra của ngành giáo dục đến điều tra không hề hỏi gì đến việc nhà trường loạn thu phí, loạn chi tiêu, giáo viên quá thừa, giáo dục lũng đoạn, đạo đức giáo viên giảm sút... Họ cũng chẳng cần biết xã mỗi năm đã phải chi cho nhà trường trên 70% đóng góp của dân. Họ chỉ biết trách mắng lãnh đạo xã không coi trọng giáo dục, rồi thao thao bất tuyệt giảng giải về tầm quan trọng của giáo dục mỹ đức như thế nào.
Hoạt động của các nhóm điều tra theo chuyên đề đại loại như vậy. Tôi phải mất 16 ngày không làm gì để phục vụ họ làm những việc này.
Ngày 21-4, thường vụ huyện ủy họp quyết định: xã Bàn Cờ còn 20.000 mẫu đất bỏ hoang, từ nay đến cuối tháng phải tổ chức vận động nhân dân cày cấy hết. Lãnh đạo tỉnh sẽ đến kiểm tra. Trước mặt lãnh đạo tỉnh, nếu vấn đề này không được giải quyết thì đồng chí Lý phải chịu trách nhiệm.
Tan họp, hai vị thường vụ huyện ủy về ngay tại xã Bàn Cờ đôn đốc thúc ép tôi. Tôi thừa hiểu cách làm ăn này của cấp trên là cố ý đưa tôi vào tròng để qui trách nhiệm.
Tôi chủ trương giúp đỡ các hộ cấy thêm bằng giống, phân, lương thực, cho vay tín dụng, sức kéo... HTX cung tiêu sẽ trực tiếp giúp đỡ giải quyết khó khăn cụ thể cho từng hộ. Như vậy là có thể nhất cử mà mấy được.
Theo dòng suy nghĩ như vậy, tôi đưa ý kiến này trao đổi với hai đồng chí thường vụ huyện ủy để họ cho ý kiến. Không ngờ họ trả lời như thế này: “Đã có bản lĩnh phản ảnh tình hình thì có bản lĩnh giải quyết tình hình. Bất kể biện pháp nào, miễn là đừng để ruộng bỏ hoang. Mặc cho các anh nghĩ, mặc cho các anh bàn, cuối tháng giải quyết xong là được”.
Người cô độc nhất trong tháng
Từ 1-4 đến 6-5 là tháng tôi phải sống cô độc nhất.
Ngày 8-4, ở huyện lan truyền về một tin tức có vị lãnh đạo nào đó ở Hồ Bắc nói: “Tại sao huyện Giám Lợi lại chọn loại người như Lý Xương Bình làm bí thư?”.
Ngày 10-4, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Giám Lợi tiến hành điều tra về tình hình kinh tế của tôi ở những địa phương tôi đã làm bí thư.
Ngày 18-4, bí thư huyện ủy Y được thăng chức làm phó chủ tịch thành phố Kinh Châu, chủ quản về nông nghiệp và đóng góp của nông dân.
Ngày 24-4, bí thư huyện ủy Y báo cáo tại hội nghị lãnh đạo chủ chốt xã, các khoa, ban, phòng các huyện về tình hình nợ nần của 10 huyện thị tại thành phố Kinh Châu.
Ở hội nghị này, bí thư Đảng ủy xã Chu Hà công khai chỉ trích tôi, nói tôi viết thư lên thủ tướng đã làm xấu hình tượng của huyện Giám Lợi, phá hoại hình tượng của huyện Giám Lợi.
Phó chủ tịch thành phố Kinh Châu Y đưa mắt nhìn, cổ vũ bí thư Đảng ủy xã Chu Hà.
Bản tin truyền hình của huyện không có hình ảnh của tôi. Báo cáo của huyện không nói cụ thể tên tôi, mà nói là “người lãnh đạo xã Bàn Cờ”.
Đến huyện họp, tôi không thể không ngồi một mình, tan họp không thể không về sau cùng. Gặp bạn bè quan chức không thể không nhìn và gượng gạo bắt tay.
Tôi không thể để liên lụy đến bạn bè. Tôi không thể không tự mình nếm thử nỗi khổ não và cô độc như một mình đi trên thảo nguyên vậy.
Ở Lư Sơn biết bao người được gọi là vĩ nhân, phản bội lương tâm đứng bên Mao chủ tịch đánh đổ tướng quân Bành Đức Hoài. Chính nghĩa và lương tâm bị phán xét.
Cho đến hôm nay tôi mới hiểu thấu mối quan hệ quân thần thắng xa quan hệ đồng chí.
Nhưng trong nội tâm tôi ngưng tụ một lực lượng hùng mạnh, nhất tâm nhất ý tiến hành cải cách ở xã Bàn Cờ. Tôi tin tưởng hai đồng chí cục trưởng có cảm tình với chính nghĩa và đầy tinh thần trách nhiệm sẽ báo cáo sự thật lên T.Ư, lên thủ tướng tình hình thực tế của nông thôn.
Tôi tin tưởng chắc chắn T.Ư sẽ có tiếng nói kinh thiên động địa, sẽ như gió xuân thổi tan mây mù đen tối.
LÝ XƯƠNG BÌNH
(Trần Trọng Sâm dịch)
Ngày 4-5, báo cáo của hai đồng chí Hạ Quân Vỹ và Phan Văn Bác đã được đặt lên bàn Thủ tướng Chu Dung Cơ. Ngày 8-5, cục trưởng Hạ gọi điện thoại cho tôi nói Thủ tướng Chu Dung Cơ, Phó chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Phó thủ tướng Ôn Gia Bảo, Phó thủ tướng Lý Tam Thanh đều đã có lời phê quan trọng vào báo cáo điều tra của Bộ Nông nghiệp đã nộp cho thủ tướng. Về sau, tôi còn được biết Thủ tướng Chu Dung Cơ khi viết xong chỉ thị còn yêu cầu các đồng chí Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo đọc lại, hơn nữa còn yêu cầu chủ nhiệm UBKH nhà nước, bộ trưởng Bộ Tài chính xem một cách cẩn thận, sau đó mới sao gửi lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc Hạ Chí Kiệt và Tưởng Chúc Bình. Thủ tướng chỉ rõ: nông dân thật khổ, nông thôn thật nghèo, nông nghiệp thật nguy hiểm. Tuy không phải là tình hình toàn diện, nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta thường đem một số tình hình tốt đẹp xem là tình hình toàn diện, hơn nữa ngộ tin tình hình báo hỉ của cán bộ cơ sở, coi nhẹ tính nghiêm trọng của vấn đề. Phó chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong khi viết chỉ thị có tỏ ra lo lắng với tình hình đã phản ảnh trong thư. Phó thủ tướng Ôn Gia Bảo trong khi viết chỉ thị đặc biệt nêu phải coi trọng những địa phương đã có hiện tượng bỏ hoang ruộng đất. Nói rõ hội nghị công tác lương thực lần này, ngoài quán triệt các chính sách biện pháp bảo hộ giá thu mua lương thực dư thừa của nông dân ra, cần phải nhấn mạnh vấn đề giảm nhẹ đóng góp cho nông dân. Cục trưởng Hạ còn cho tôi biết T.Ư đang bắt đầu nghiên cứu biện pháp giải quyết các vấn đề đột xuất ở nông thôn. Cục trưởng động viên tôi mạnh dạn tiến hành cải cách ở xã Bàn Cờ, còn nói thêm cuối năm sẽ đến điều tra lại. |