Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đắk Lắk: Giải pháp nâng cao chất lượng cà phê niên vụ mới
29 | 11 | 2017
Cà phê là cây công nghiệp chính, đem lại nguồn thu nhập lớn cho đa số nông dân Đắk Lắk nhờ sản phẩm chủ yếu dành cho xuất khẩu. Do đó, để tạo lợi thế cho ngành hàng này trên con đường hội nhập, việc quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm từ đầu niên vụ là một trong những khâu quan trọng hiện nay.

Quan trọng từ khâu thu hoạch

Niên vụ 2017-2018 đã bắt đầu, Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch với hơn 202.000 ha cà phê, rải đều khắp các địa phương trong tỉnh: TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắk, Cư M’gar, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ… Từ cuối niên vụ trước đến nay, giá cà phê ổn định ở mức trên dưới 40.000 đồng/kg cà phê nhân, có lúc lên tới hơn 45.000 đồng/kg, đã tạo nên tâm thế phấn khởi cho các doanh nghiệp, nông dân sản xuất, kinh doanh cà phê. Với mức giá trên, người trồng cà phê đã có lãi, tuy nhiên, không phải ai cũng bán được với giá này bởi giá cả còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng sản phẩm.

Ông Lê Hồng Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu Cafecontrol Đắk Lắk cho biết, hiện nay cà phê của người dân đa phần đều mắc lỗi hạt đen, nâu do khi thu hái còn lẫn nhiều quả xanh. Cùng với đó, việc lưu giữ quả cà phê tươi sau thu hái hoặc trước khi phơi kéo dài từ 5-7 ngày, thậm chí hơn 10 ngày do thiếu sân phơi hoặc thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, hương vị của cà phê.

Chế biến ướt cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, so với cách đây vài chục năm thì mùa thu hoạch cà phê hiện nay có chiều hướng đến sớm hơn. Từ giữa tháng 10 nhiều hộ dân đã bắt đầu thu bói và chỉ sau 2 tháng là thu xong, trong khi đó trước đây nhiều địa phương thu hoạch kéo dài đến sau Tết Nguyên đán mới xong. Rõ ràng, hoàn thành mùa vụ trước Tết giúp nông dân yên tâm hơn, nhưng đây lại là điều đáng báo động, bởi cây cà phê sinh trưởng theo chu kỳ của nó, nếu thu hoạch sớm thì cây sẽ ra hoa, đậu quả sớm và chín sớm khi mùa mưa chưa kết thúc, cộng với sản lượng thu hoạch lớn cùng một lúc trong bối cảnh thời tiết thường bất lợi cũng gây sức ép nhiều về nhân công mùa vụ, phơi sấy, chế biến ban đầu…

Đến việc sơ chế ban đầu tại các vùng nguyên liệu

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đắk Lắk, nhưng hiện nay tỷ lệ cà phê do các nông hộ quản lý, tự trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản với quy mô trên dưới 0,5 ha chiếm khoảng 90%. Chính sự nhỏ lẻ, manh mún này đang cản trở sự phát triển của ngành hàng, nhất là vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm mùa thu hoạch.

Du khách tham quan, tìm hiểu về mùa vụ cà phê tại huyện Cư M’gar.

Tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2016-2017, triển khai nhiệm vụ niên vụ cà phê 2017-2018 diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk phân tích, hiện nay phần lớn nông dân sản xuất cà phê không tiếp cận được mức giá cộng thưởng về chất lượng sản phẩm khi cà phê của họ có chất lượng tốt nên đa phần họ chưa xem trọng việc bảo đảm chất lượng từ khâu thu hoạch, chế biến đến bảo quản đúng kỹ thuật. Sở dĩ có tình trạng trên là do bản thân nông dân không trực tiếp giao dịch với các doanh nghiệp xuất khẩu mà chỉ bán hàng qua trung gian là các đại lý nên không được hưởng phần chênh lệch giá do chất lượng cà phê mang lại.

Vì vậy, để bảo đảm chất lượng cà phê niên vụ mới, đơn vị này kiến nghị cần thành lập các trung tâm sơ chế, chế biến cà phê tại các vùng nguyên liệu. Theo đó, cà phê sau thu hoạch được chở đến các trung tâm để sơ chế, xong có thể giao lại cho nông hộ ký gửi tại trung tâm, bán trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc mang về tích trữ. Đây được xem là ý kiến xác đáng khi cùng lúc có thể tận dụng và phát huy lợi thế ngành cơ khí của tỉnh với các loại máy sấy, máy sơ chế nông sản có quy mô khác nhau, đồng thời hỗ trợ bà con sơ chế, bảo quản nông sản của mình, giữ được màu sắc, chất lượng, hương vị cũng như thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu trong giao thương với khách hàng.

Về phía người trồng cà phê nên bố trí nhân công thu hái làm nhiều đợt, không nên thu hái lẫn nhiều quả xanh; chú trọng việc xây dựng kho để bảo quản cà phê nhằm hạn chế tình trạng thất thoát sản lượng, giảm chất lượng cà phê do mọt, ẩm mốc…

Theo Baodaklak.vn



Báo cáo phân tích thị trường