Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đẩy mạnh ứng dụng IoT trong nông nghiệp công nghệ cao
29 | 11 | 2017
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đánh dấu sự phát triển bùng nổ của các công nghệ đột phá và tác động tích cực đến từng ngành, từng lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp.

Những thay đổi đó đang đặt ngành nông nghiệp Việt Nam trước thách thức buộc phải triển khai các giải pháp nông nghiệp thông minh nếu không muốn đánh mất thị trường.

Ứng dụng IoT là cần thiết

Mới đây, tại Hội thảo Cộng đồng Mở IoT Việt Nam (IOCV) “Ứng dụng IoT trong nông nghiệp công nghệ cao” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là việc ứng dụng mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT) trong nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của Cách mạng 4.0 đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong ngành nông nghiệp.

Trong thời gian qua, cộng đồng IOCV đã có các hoạt động sôi nổi, trong đó việc ứng dụng thành công các giải pháp kỹ thuật do các công ty Việt Nam xây dựng vào mô hình mẫu nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Delco đã mở ra cách làm hoàn toàn mới, giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành. 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi sang kinh tế số và hội nhập với cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ứng dụng IoT là rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực thế mạnh của Việt nam là nông nghiệp. Việt Nam nên học hỏi các mô hình IoT tại Mỹ, Isreal để tiếp tục phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn. 

Mô hình trang trại thông minh Delco được xây dựng, thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ cao, tiên tiến nhất hiện nay của IRAEN và Nhật Bản. Tất cả hệ thống nuôi trồng tại đây đều được quản lý tự động bằng phần mềm máy tính, nên sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sức lao động của con người, đồng thời đảm bảo chất lượng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho phép.

Ông Đào Văn Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong thời gian vừa qua, song việc ứng dụng IoT trong nông nghiệp công nghệ cao thời gian tới cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt đưa vào sản xuất những thiết bị, máy móc thông minh hơn, tự động hóa cao hơn, giúp cho người dân có sản phẩm mới chất lượng hơn. 

Cần nhân rộng mô hình

Một số giải pháp đang được IOCV cung cấp cho các hộ sản xuất là: trang trại thông minh, cổng kết nối tự động hóa, thiết bị quản lý nông nghiệp chính xác… Các giải pháp này đều có thể ứng dụng trên quy mô nhỏ với số vốn ban đầu chỉ từ 20-200 triệu đồng.

Delco ứng dụng những cảm biến để giám sát và có những chương trình điều khiển tự động trong chăn nuôi gà

Công ty CP Wala trực thuộc VNPT Technology là 1 trong các đơn vị tham gia ứng dụng thử nghiệm trang trại thông minh Delco do IOCV phát triển. Trang trại thông minh Delco ứng dụng IoT để tự động hóa hoàn toàn công việc quản lý, theo dõi, vận hành toàn bộ quá trình trồng trọt và chăn nuôi.

Trang trại thông minh Delco được triển khai từ tháng 1/2017 theo thiết kế mô hình trang trại thông minh ban đầu trên diện tích 7 ha đất nông nghiệp. Đến nay, sau gần 1 năm hoạt động, đơn vị đã và đang tập trung đầu tư vào các hạng mục chính: 2 ha diện tích mặt nước dành để nuôi 1,5 vạn con gà đẻ trứng, 3.000 cá trắm đen; 5 ha còn lại là hệ thống nhà thủy canh, chuyên trồng các loại rau, quả sạch có giá trị xuất khẩu và năng suất cao như: Dưa lưới Nhật Bản, rau thủy canh…

Khu thủy canh chuyên trồng các loại rau, quả sạch

Ông Lê Khánh Mạnh, Giám đốc Delco cho biết nhờ ứng dụng thiết bị cảm biến thông minh, với số lượng 1,5 vạn con gà đẻ trứng đã mang lại cho trang trại 93% trứng mỗi ngày. Tương tự, rau thủy canh sau khi trang trại thu hoạch lứa đầu đã được các đối tác lớn như hệ thống nhà hàng Nhật, nhà ăn sân bay Nội bài đặt mua.

Được biết, trước đây khi chưa ứng dụng IoT, Công ty Delco cần khoảng từ 20-30 nhân công để quản lý, chăm sóc trang trại. Sau khi ứng dụng IoT, công ty này chỉ cần 5 - 10 nhân công. 

Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Wala, VNPT Technology cho hay, công ty đang ứng dụng IoT trong trồng dưa lưới, trồng thủy canh và trong trang trại gà. Công ty có những cảm biến để giám sát và có những chương trình điều khiển tự động để đưa ra các lệnh tự động, giảm sức lao động của con người và tăng độ chính xác lên cao hơn, từ đó đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Hệ thống tưới tiêu tự động tại Delco

Đây là một dự án được triển khai nhằm xây dựng một hệ thống nông nghiệp thông minh kết hợp với giáo dục và đào tạo. Nhờ được tích hợp công nghệ phân tích dữ liệu lớn, giải pháp Smart Agriculture của VNPT Technology còn cho phép các chủ trang trại thực hiện phân tích, dự báo, chủ động trong việc hoạch định, sản xuất, vận chuyển, lưu kho…, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất có thể.

Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng thực tế hiện nay các giải pháp của IOCV chưa được ứng dụng rộng rãi mà mới đang được sử dụng trên diện tích khoảng 70.000 m2.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để nâng cao diện tích ứng dụng, cần tăng cường liên kết giữa nhà cung cấp công nghệ với các hộ nông dân. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng IoT trong nông nghiệp.

Cộng đồng mở IoT Việt Nam (IOCV) được Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khởi xướng từ tháng 3 năm 2017. Cộng đồng gồm 21 công ty công nghệ, nhằm xây dựng giải pháp phần mềm IoT ứng dụng cụ thể cho từng mô hình sản xuất nông nghiệp. 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp



Báo cáo phân tích thị trường