Người phát ngôn chính phủ Lt Gen Sansern Kaewkamnerd cho biết chính phủ muốn tăng tiêu thụ cao su tự nhiên tại thị trường nội địa Thái Lan thêm 50% từ mức 600.000 – 800.000 tấn hàng năm. Động thái này nhằm đa dạng hóa rủi ro của nông dân, giảm phụ thuộc xuất khẩu khiến giá cao su nội địa giảm theo giá cao su xuất khẩu. “Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chính phủ tìm cách sử dụng thêm 100.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2017”.
Chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích nông dân giảm diện tích trồng cao su để hạ nguồn cung và qua đó hỗ trợ giá tăng. Các báo cáo cho thấy Thái Lan có đến 1,36 triệu ha cao su trồng trái phép. Đồng thời, chính phủ cũng có kế hoạch khuyến khích nông dân chuyển đổi sang sản xuất các nông sản khác có lợi nhuận cao hơn như dầu cọ, có nhu cầu cao ở cả ngành thực phẩm và nhiên liệu sinh học.
Giá cao su mủ tờ xông khói (RSS3) tham chiếu cho thị trường đã giảm hơn 75% từ mức cao kỷ lục 6,3 USD/kg hồi năm 2011 xuống còn 1,56 USD/kg hiện nay, đẩy giá mủ tờ chưa xông khói (USS3) – sản phẩm chủ yếu của nông dân, xuống mức 42 Baht/kg, từ mức cao kỷ lục 180 Baht/kg năm 2011 và buộc nông dân phải lên tiếng kêu gọi chính phủ trợ cấp.
Giá cao su giảm chủ yếu do diện tích và sản lượng tăng, trong khi nhu cầu xuất khẩu – thường chiếm hơn 80% tổng sản lượng cao su tự nhiên Thái Lan, vẫn ở mức thấp.
Thái Lan, nước sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, dự báo sản xuất khoảng 4,5 – 4,8 triệu tấn cao su tự nhiên hàng năm; trong đó, khoảng 3,8 triệu tấn dành cho xuất khẩu cao su thương mai để phục vụ cho ngành sản xuất lốp xe tại Trung Quốc – nước sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới hiện nay.
Khoảng 600.000 tấn cao su tự nhiên sử dụng làm nguyên liệu thô cho doanh nghiệp địa phương, phần còn lại trôi nổi trên thị trường và liên tục gây áp lực lên giá.
Theo Bangkok Post (gappingworld.com)