Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá hành tăng vọt tại châu Á do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu
04 | 12 | 2017
Các nước châu Á như Bangladesh và Malaysia đang chật vật đảm bảo nguồn cung hành sau khi nhà xuất khẩu hành lớn nhất thế giới là Ấn Độ hạn chế xuất khẩu trong bối cảnh nguồn cung hành trên thị trường toàn cầu vốn đã hạn chế.

Hành là nguyên liệu thiết yếu trong hàng loạt món ăn của hàng triệu người châu Á, có thể sẽ duy trì ở tình trạng giá cao và khan hiếm trong ít nhất 2 tháng cho tới khi Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu. “Hiện không có gì chúng tôi có thể làm ngoài chờ đợi”, theo Mohammad Idris, một nhà giao dịch tại Dhaka, Bangladesh – nơi giá hành đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây, chạm mức cao kỳ lục 1,22 USD/kg trong tuần vừa qua. “Chúng tôi hy vọng giá hành sẽ giảm tại Ấn Độ khi mùa thu hoạch mới của họ diễn ra và xuất hiện trên thị trường”.

Hành chiếm một vị thế quan trọng trong mọi căn bếp tại châu Á do được sử dụng rất nhiều trong các món ăn truyền thống như biryai tại Pakistan, belacan tại Malaysia và cà ri cá tại Bangladesh.

Giá bán lẻ hành đã tăng 7 lần chỉ trong vòng 5 tháng, buộc Ấn Độ phải áp giá tối thiểu 850 USD/tấn đối với hành xuất khẩu cho tới cuối năm 2017, cao hơn nhiều so với giá thị trường ở mức 700 USD/tấn. “Chỉ một số nhà nhập khẩu sẵn sàng trả giá 850 USD/tấn. Xuất khẩu giảm mạnh”, theo Ajit Shah, một nhà xuất khẩu tại Mumbai cho biết. Hồi tháng 7 vừa qua, Ấn Độ xuất khẩu hành với giá trung bình chỉ 186 USD/tấn.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung hành diễn ra sau khi nguồn cung cao kỷ lục hồi năm 2016 đẩy nhiều nông dân Ấn Độ và Pakistan giảm diện tích sản xuất loại nguyên liệu cay nồng này trong vụ hè sau khi thua lỗ nặng nề. Trong niên vụ 2016/17, Ấn Độ đã xuất khẩu 2,4 triệu tấn hành, chủ yếu sang Bangladesh, Malaysia và UAE. Các nước xuất khẩu khác bao gồm Pakistan, Trung Quốc và Ai Cập.

Pakistan đã triển khai một lệnh cấm xuất khẩu không chính thức, theo Waheed Ahmed, chủ tịch nghiên cứu và phát triển, Hiệp hội các thương nhân và các nhà xuất nhập khẩu rau quả toàn Pakistan cho biết. “Bộ Bảo vệ thực vật đã ngừng cấp chứng nhận y tế theo yêu cầu để xuất khẩu hành trong 2 tháng qua. Không có văn bản chính thức nào cấm nhập khẩu nhưng động thai trên là một dạng cấm phi chính thức”.

Những người mua từ các nước nhập khẩu như Malaysia, Bangladesh, Sri Lanka, UAE, Indonesia và Nepal hiện đang quay sang tìm nguồn cung từ Trung Quốc và Ai Cập, nhưng những nước này không đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu. “Tất cả các nước sản xuất hành đều đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Nên nếu ngay cả quay sang mua từ Trung Quốc, nước này cũng không có đủ hàng cho bạn mua”, theo một lãnh đạo công ty nhập khẩu nông sản tại Malaysia.

Các nguồn cung từ Ấn Độ được các nhà nhập khẩu châu Á ưa chuộng do hương vị, phí vận chuyển thấp hơn và giao hàng nhanh. “Mất tới hơn một tháng để nhận hàng mua từ Ai Cập và khoảng 20 ngày nếu mua từ Trung Quốc, trong khi chỉ mất vài ngày từ Ấn Độ”, theo nhà nhập khẩu tại Dhaka cho hay.

Sản xuất hành vụ hè và cuối hè của Ấn Độ được dự báo giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2016, theo quyền giám đốc Quỹ Nghiên cứu và Phát triển cây ngắn ngày quốc gia Ấn Độ P.K. Gupta cho biết. Sản lượng hành vụ hè và cuối hè năm 2016 của Ấn Độ đạt 7,5 triệu tấn. Sản xuất hành có 3 vụ hàng năm và nguồn cung hành vụ cuối kỳ sẽ bắt đầu tăng từ tháng 12, giúp giảm bớt tình trạng giá tăng nóng, ông Gupta nhận định.

Tuy nhiên, các tác nhân ngành cho rằng nguồn cung hành vụ mới sẽ chỉ mang lại lượng thặng dư cực nhỏ và Ấn Độ sẽ tìm cách giảm mạnh giá nội địa trước khi nới lỏng hạn chế xuất khẩu. Ấn Độ có thể sẽ mất khoảng 2 tháng để nguồn cung hành vụ cuối hè đạt mức cao đỉnh điểm.

Theo Reuters (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường