Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Campuchia đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu hạt điều tại biên giới
05 | 12 | 2017
Campuchia tuyên bố sẽ đơn giản hóa quy trình cấp chứng nhận xuất xứ (CO) tại biên giới và chính thống hóa quy trình thủ tục hải quan; đồng thời, phía Việt Nam cũng thông báo các kế hoạch tăng nhập khẩu hạt điều từ Campuchia.

Theo chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu hạt điều từ Campuchia trong thời gian tới. Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc gặp giữa Hiệp hội điều Việt Nam và Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia Veng Sakhon vừa qua. Một phái đoàn các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang tới thăm Campuchia để nghiên cứu thị trường điều Campuchia. “Hiệp hội sẽ tới thăm các tỉnh Kampong Thom và Kratie để khảo sát và thảo luận về các giống điều địa phương và cải thiện kỹ thuật canh tác, giúp nông dân tiết kiệm thời gian và tiền bạc”, ông Nguyễn Đức Thành phát biểu.

Ông Sakhon cho biết Bộ Nông nghiệp Campuchia đang rà soát để khơi thông quy trình cấp chứng nhận xuất xứ tại biên giới hai nước. Nông dân và thương nhân tại các tỉnh Pailin và Battambang đã có thể nộp hồ sơ trực tuyến để được cấp CO cho các lô hàng xuất khẩu thông qua website của Sở Thương mại địa phương, là một trong những chương trình thử nghiệm đang được cân nhắc mở rộng sang các tỉnh khác trong tương lai gần.

Campuchia sản xuất 104.268 tấn điều trong năm 2016, trong đó 100.000 tấn được xuất khẩu sang các công ty chế biến tại Việt Nam. Điều thô có giá 2 USD/kg, trong khi điều chế biến có giá tới 17 USD/kg, theo Hiệp hội điều Kampong Thom nhận định.

Oum Oun, chủ tịch Hiệp hội điều Campuchia, cho rằng các công ty chế biến điều nội địa không có công nghệ chế biến cao như tại các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, do thiếu vốn và kỹ thuật. Trong chuyến thăm thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 11 vừa qua, ông Sakhon kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam tăng cổ phần tại các nhà máy chế biến cao su, sắn và hạt điều tại Campuchia.

Theo Khmer Times (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường