Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Chỉ số giá thực phẩm thế giới giảm trong tháng 11/2017
09 | 12 | 2017
Theo tính toán của FAO, chỉ số giá thực phẩm thế giới giảm trong tháng 11/2017 so với tháng 10/2017 do giá đường và dầu thực vật tăng mạnh, được bù đắp bởi giá sữa giảm. FAO nhận định rằng giá hàng hóa nông sản đã qua giai đoạn biến động giá mạnh và dự báo sẽ duy trì ổn định trong thập niên tới.

Chỉ số giá thực phẩm FAO Food Price Index (FFPI) đạt trung bình 175,8 điểm trong tháng 11/2017, giảm nhẹ 0,5% so với tháng 10/2017 nhưng vẫn cao hơn gần 4 điểm (2,3%) so với cùng kỳ năm 2016. Giá đường và dầu thực vật tăng mạnh nhưng được bù đắp phần lớn bởi sự suy giảm của giá sữa; trong khi giá các loại ngũ cốc và thịt trên thị trường thế giới duy trì ổn định.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đạt trung bình 153,1 điểm trong tháng 11, gần như không đổi so với tháng 10 nhưng cao hơn gần 12 điểm (8,3%) so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ số này đã liên tục duy trì ổn định từ tháng 8 đến nay, chủ yếu phản ánh trạng thái cân bằng cung – cầu nói chung trên toàn thị trường, đặc biệt là các thị trường lúa mỳ và ngô. Trong tháng 11 vừa qua, giá gạo quốc tế tăng 1,1% nhờ nhu cầu mua cao và biến động tỷ giá.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đạt trung bình 172,2 điểm trong tháng 11 vừa qua tăng 2,1 điểm (1,2%) so với tháng 10 và chạm mức cao nhất trong 9 tháng. Mức tăng này chủ yếu phản ánh giá dầu đậu tương, hạt cải và hạt hướng dương đều tăng. Giá dầu đậu tương tăng do thời tiết bất lợi tác động tiêu cực đến sản xuất đậu tương tại Nam Mỹ và hàm lượng dầu thấp hơn trung bình trong đậu tương thu hoạch tại Mỹ gần đây. Giá dầu hạt hướng dương và hạt cải tăng do nguồn cung giảm và nhu cầu cao. Trong khi đó, giá dầu cọ giảm, chủ yếu do Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu và dự trữ cao hơn dự báo tại Malaysia, kìm hãm đà tăng giá dầu cọ. Giá dầu khoáng chất tăng do tác động chéo của giá dầu thực vật.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 204,2 điểm trong tháng 11, giảm 10,6 điểm (4,9%) so với tháng 10, là tháng giảm giá thứ hai liên tiếp, nhưng chỉ số này vẫn đang cao hơn 9,6% so với cùng kỳ năm 2016. Giá bơ, phô mai và sữa bột nguyên kem (WMP) đều giảm, do sản lượng sữa tăng tại các nước sản xuất chính, giúp giảm nhẹ lo ngại về tính sẵn có của nguồn cung. Giá sữa bột gầy (SMP) giảm xuống mức thấp nhất trong gần 18 tháng do bất ổn tiếp diễn dai dẳng xuất phát từ tồn kho cao tại EU.

Chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 173,2 điểm trong tháng 11 vừa qua, gần như không đổi so với tháng 10. Giá thịt lợn trên thị trường quốc tế giảm tháng thứ 3 liên tiếp, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu chậm lại và nguồn cung khả dụng xuất khẩu tăng. Tương tự, giá thịt cừu giảm tháng thứ 2 liên tiếp, chủ yếu do nguồn cung thịt tăng tại châu Đại dương. Ngược lại, giá thịt bò tăng tháng thứ 2 liên tiếp do nguồn cung thịt bò giao ngay từ châu Đại dương giảm. Giá các loại thịt gia cầm duy trì ổn định.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 212,7 điểm trong tháng 11 vừa qua, tăng 9,2 điểm (4,5%) so với tháng 10 nhưng vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm 2016. Giá đường quốc tế tăng trong tháng 11 chủ yếu do lo ngại xuất khẩu từ Brazil giảm và giá dầu tiếp tục tăng thu hút một lượng lớn mía chuyển sang sản xuất ethanol.

Theo FAO (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường