Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chứng chỉ Eurepgap - giấy thông hành cho thanh long Bình Thuận vào châu Âu
03 | 10 | 2007
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi nước ta gia nhập WTO thì lực lượng nông dân phải đối phó với những thách thức rất lớn do sức cạnh tranh mặt hàng nông sản của ta còn kém. Vì vậy chứng chỉ mà Phòng Thương mại châu Âu cấp cho một Hợp tác xã tại Việt Nam, vào thời điểm mà nước ta vừa mới gia nhập WTO, thực sự là một sự kiện rất có ý nghĩa.

Đây thực sự là một tin vui không chỉ cho bà con nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, mà còn là những tín hiệu tốt lành đối với nhiều vùng trồng cây đặc sản trong cả nước, nếu như việc sản xuất trái cây được bà con tuân thủ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật đã đề ra. Cây thanh long có mặt ở Bình Thuận đã từ rất lâu, là loại cây chịu hạn giỏi, dễ trồng dễ sống, nhưng trước đây cũng chỉ là những trái cây dùng để tiêu thụ tại chỗ, nên giá trị kinh tế không cao. Do đó nông dân cũng không mở rộng thêm diện tích. Nhưng kể từ khi mặt hàng thanh long được xuất thử sang một số thị trường như Đài Loan, Trung Quốc, Singapore… và thu được nhiều kết quả vượt cả sự mong đợi, nhiều gia đình nông dân từ chỗ đói nghèo đã nhờ thanh long mà thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ chỗ trồng manh mún vài ba chục trụ thanh long trong vườn, nay có nhà đã phát triển lên hàng chục ha. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 5.709 ha, năng suất đạt 200 – 350 tạ/ha, với giá bình quân là 6.000 đ/kg thì người nông dân ở đây đã thu hàng trăm triệu đồng/ha. Kế hoạch đến năm 2010 toàn tỉnh sẽ trồng hơn 10.000 ha.

 

Tuy nhiên vì nhiều lý do mà tình hình đầu ra và giá cả trong những năm qua không ổn định, có khi bị ứ đọng không sản xuất được, dẫn đến giá rớt thê thảm, làm người dân rất lo lắng. Một trong những lý do hàng hoá không xuất được là do nhiều lô hàng xuất đi nước ngoài bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mà nguyên nhân là do trong quá trình trồng trọt chăm bón, phun thuốc, các nông dân ở đây chỉ làm theo thói quen, có trường hợp còn bón phân và phun thuốc để kích thích tăng trưởng. Đứng trước tình hình đó một số hộ nông dân trồng thanh long ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần bàn bạc trồng thanh long sạch để xuất khẩu qua châu Âu, nhưng qua nhiều lần trồng thử vẫn thất bại. Giữa lúc đó, vào tháng 4/2005 qua tìm kiếm thông tin trên mạng, những người nông dân ở đây đã tiếp cận được với Dự Án VNCI là dự án nâng cao năng lực cạnh tranh do cơ quan quan hệ quốc tế Hoa kỳ (USAID) hướng dẫn. Từ đó mà Hợp tác xã Thanh long hữu cơ Hàm Minh đã ra đời với số thành viên bàn đầu là 23 hộ, nhưng sau đó rơi rụng dần vì không quen được lối sản xuất tiên tiến và nay chỉ còn 11 hộ với quy mô là 31,7 ha. Tiêu chuẩn sản xuất chăm bón, thu hoạch và đóng gói của chương trình này là phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi mọi quy trình của nó đều được các Giám sát viên IMO của Công ty tư vấn, hướng dẫn, giám sát và cấp giấy chứng nhận EUREPGAP tại Thuỵ Sĩ thường xuyên theo dõi xác nhận. Thanh long khi trồng phải được phân lô và cắm bảng theo dõi từng lô một, dụng cụ khi làm xong phải rửa sạch và cất vào kho riêng biệt, thuốc bảo vệ thực vật phải là loại được phép sử dụng và có tủ đựng riêng, phân bón các loại phải có lý lịch rõ ràng và phải có kho cất giữ, nước tưới phải là loại giếng có nắp đậy… Thanh long của hộ nào xuất đi đều có thẻ kèm theo và nếu bị trả về thì biết ngay là của hộ đó làm kém chất lượng. Trồng thanh long theo cách này hoàn toàn khác xa với cách làm cũ, đòi hỏi người nông dân phải thực hiện một cách cẩn thận, tỷ mỉ, khoa học và trung thực.

 

Nhờ cách làm này mà lô hàng đầu tiên đã được xuất sang Đức một cách an toàn với giá thành cao đến không ngờ là 6 USD/1 kg, sau khi trừ mọi chi phí các hộ nông dân ở đây còn lãi được 20.000 đ/kg, một thu nhập cao gấp 4 lần nếu đem bán trôi nổi như trước đây. Và hiện nay thì trong hồ sơ của Hợp tác xã đã có đơn đặt hàng ổn định của các khách hàng châu Âu, với số lượng là mỗi tuần 3 tấn. Đó là một kết quả vô cùng phấn khởi. Nói về kết quả này, tại buổi cấp chứng chỉ Eurepgap cho Hợp tác xã Hữu cơ Hàm Minh – ông Philippr Seree, đại diện phòng Thương mại châu Âu tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Chứng chỉ Eurepgap là tấm giấy thông hành cho thanh long Bình Thuận tiến vào thị trường cao cấp ở châu Âu”. Rõ ràng đây là một mô hình sản xuất trái cây rất phù hợp khi xâm nhập những thị trường khó tính và tới đây Bình Thuận sẽ nghiên cứu phổ biến và nhân rộng ra trong toàn tỉnh. Ở nước ta có nhiều vùng miền với nhiều loại cây đặc sản quý hiếm, nếu tìm hiểu nghiên cứu áp dụng mô hình này, chắc chắn sẽ mở ra một cách làm hiệu quả rất cao cho nông dân khi nước ta đã bước vào WTO./.



vov
Báo cáo phân tích thị trường