Tháng 1/2018, Liên đoàn ngành gạo Campuchia (CRF) sẽ tổ chức Diễn đàn ngành gạo Campuchia lần thứ 6, với sự góp mặt của các tác nhân lớn trong ngành để thảo luận về tương lai của ngành gạo Campuchia và tạo nên một nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Sự kiện diễn ra trong 3 ngày, từ 16-18/1, sẽ khai mạc với diễn văn của Thủ tướng Hun Sen trong ngày đầu tiên.
Gặp trở ngại chính xuất phát từ cơ sở hạ tầng yếu kém, chi phí sản xuất và hậu cần cao và cạnh tranh quốc tế mạnh, ngành gạo Campuchia đang gặp nhiều khó khăn trong tạo lợi nhuận và duy trì khả năng cạnh tranh. Tại diễn đàn, các thành viên tham dự sẽ thảo luận chi tiết về thương hiệu gạo bản địa nào nên được thúc đẩy trên trường quốc tế. Một thương hiệu gạo nội địa sẽ được bình chọn và được ưu tiên trong các chiến dịch marketing để tìm cách thúc đẩy gạo Campuchia tới những người mua quốc tế. Các đại diện của các công ty và tổ chức sản xuất lúa cũng sẽ thảo luận các giải pháp cho các vấ đề đang tồn tại dai dẳng trong ngành gạo Campuchia và phác thảo các chiến lược dài hạn để giải quyết các vấn đề này.
Theo ông Hun Lak, phó chủ tịch CRF, các vấn đề chính đang cản trở sự phát triển của ngành gạo là thiếu hệ thống kho bãi và hệ thống marketing bài bản. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng cơ sở hạ tầng kho bãi đang cải thiện dần. “Chúng tôi nhận thấy cần tăng cường hợp tác giữa các tác nhân trong ngành. Họ cần hợp tác để tăng cường sản xuất, chất lượng, giảm chi phí để nâng cấp chuỗi giá trị. Chiến lược của chúng tôi là cải thiện chất lượng gạo thơm và tìm ra cơ chế thuận lợi cho mở rộng các thị trường xuất khẩu. Gạo Campuchia vẫn đang có tiềm năng lớn trên thị trường thế giới”.
Ông Lak cũng bình luận về những nỗ lực gần đây của Myanmar và Việt Nam nhằm tăng thị phần trên thị trường gạo châu Âu, với cả hai nước ASEAN này đều đang có các đàm phán thỏa thuận thương mại với EU, và tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. “Gạo Campuchia hiện đang phải cạnh tranh với những đối thủ lớn trên thị trường quốc tế”, ông Hun Lak phát biểu, “nên chúng ta cần phải tin tưởng vào chính sản phẩm của mình và không bỏ qua bất cứ nỗ lực nào để có thể mang lại sản phẩm tốt nhất có thể”.
Ông Lak cũng phát biểu rằng nông dân Campuchia không nên lo lắng trước yêu cầu của Ý về giảm nhập khẩu gạo Campuchia vào EU, lập luận rằng gạo Campuchia vẫn có nhu cầu cao tại Trung Quốc và các thị trường châu Âu khác. Trong 11 tháng đầu năm 2017, Campuchia đã xuất khẩu hơn 562.000 tấn gạo, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2016, theo báo cáo của ban thư ký dịch vụ 1 cửa cho xuất khẩu gạo chính ngạch.
Theo Khmer Times (gappingworld.com)